Tuy không phải là một trong các nước đầu tiên phát triển nghiên cứu hạt nhân và công nghệ bức xạ, Việt Nam cũng đã vận hành thành công một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt trong vòng hơn 30 năm qua. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, mặc dù chỉ có công suất thấp, lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt đã có nhiều đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, y học và nhiều ngành công nghiệp khác. Theo ông: "Với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, lò phản ứng công suất 500 KW không còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, do vậy đòi hỏi phải xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất lớn hơn”.
Sự ra đời của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Năng lượng Hạt nhân (CNEST) chính là câu trả lời hoàn hảo cho các thách thức đặt ra hiện nay trong phát triển khoa học và công nghệ. Nếu được cấp phép xây dựng, CNEST sẽ là một trung tâm đa chức năng với mục tiêu chính là ứng dụng các công nghệ bức xạ trong sản xuất, y học, nông nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác. Trung tâm sẽ được trang bị một lò phản ứng nghiên cứu công suất cao và các phòng thí nghiệm khoa học. Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vinatom cho biết: “CNEST không chỉ được xây dựng để thay thế lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân cũ ở Đà Lạt mà còn để xây lắp một lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất lên đến 15 MW, nhằm trở thành nền tảng cho nhiều hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến, qua đó nâng cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hạt nhân Việt Nam”.
Sự ra đời của CNEST sẽ giúp tiếp tục nâng cao năng lực ngành y học hạt nhân công nghệ cao ở Việt Nam. Các đồng vị phóng xạ được sản xuất tại Trung tâm sẽ được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị các loại ung thư, bệnh nội tiết và các bệnh tim mạch. Dự kiến trong một năm hoạt động, Trung tâm có thể giúp điều trị gần 10 nghìn người mắc bệnh ung thư, bệnh tim, cũng như các bệnh hiểm nghèo khác bằng cách sử dụng phương pháp xạ trị và bức xạ gamma-neutron. Các đồng vị phóng xạ được sản xuất tại Trung tâm sẽ được đưa đến các phòng khám có các hệ thống PET/SPECT nhằm phục vụ công tác chẩn đoán cho bệnh nhân. Ước tính mỗi năm, một hệ thống như vậy có thể chẩn đoán cho khoảng 15.000 bệnh nhân.
Bên cạnh đó, CNEST sẽ hỗ trợ thúc đẩy ngành nông nghiệp hạt nhân Việt Nam. Việc áp dụng phương pháp chiếu xạ thức ăn và các sản phẩm nông nghiệp trong chế biến và kiểm soát sâu bệnh sẽ giúp tăng hạn sử dụng của sản phẩm, đồng thời phương pháp chiếu xạ hạt để kích thích phát triển cũng sẽ giúp tăng năng suất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong Công nghiệp: "Công nghệ bức xạ và hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, và sản xuất. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, công nghệ hạt nhân được sử dụng để điều trị và chẩn đoán bệnh ung thư. Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chiếu xạ giúp tạo ra các loại cây trồng năng suất cao".
Lò phản ứng nghiên cứu được xây dựng ở Việt Nam là một trong các lò phản ứng an toàn nhất. Có thể nói CNEST sẽ không có tác hại nào đến môi trường (khí quyển và mặt đất) đồng thời hoàn toàn an toàn cho cộng đồng xung quanh. Các loại công nghệ và nhà máy sẽ được sử dụng trong CNEST ở Việt Nam đã được lắp đặt và phát triển trên thế giới trong hơn 70 năm qua. Các kỹ thuật đề xuất áp dụng ở Việt Nam đã được thử nghiệm trong nhiều năm và vận hành thành công ở Nga. Hơn 120 nhà máy nghiên cứu hạt nhân đã được xây dựng theo công nghệ của Nga, trong đó có hơn 20 nhà máy được xây lắp ở nước ngoài.
Trong bối cảnh nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao ứng dụng công nghệ hạt nhân của khu vực ngày càng gia tăng ở một số ngành phi năng lượng như y học, nông nghiệp, sản xuất; việc xây dựng và phát triển Trung tâm CNEST có thể giúp Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển nghiên cứu và ứng dụng năng lượng hạt nhân.
Bình luận