Trung bình mỗi ngày một người dân Hà Nội bị ùn tắc giao thông từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày mất trên 41 tỷ đồng. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể nói là vô số, từ việc quy hoạch đô thị bị phá vỡ hay sự gia tăng dân số cơ học, nhưng chắc chắn giải pháp cho vấn đề này chỉ có một: tối ưu hóa nguồn lực sẵn có.
Cung gặp đúng cầu
Hiện Hà Nội đang quản lý trên 18.000 xe ô tô taxi các loại của 80 doanh nghiệp vận tải ô tô taxi đóng trên địa bàn. Theo đề án quản lý taxi đã được phê duyệt thì đến năm 2015 Hà Nội được phép phát triển 20.000 xe và từ năm 2016 - 2025 là 25.000 xe ô tô taxi.
Con số này cho thấy giao thông đô thị đang chịu áp lực rất lớn từ số lượng không ngừng gia tăng của các hãng taxi nhỏ lẻ. Sở dĩ giao thông đô thị chịu áp lực lớn như vậy một phần là do Thành phố chưa bố trí được các điểm đỗ cho taxi dừng đỗ đón trả khách dẫn đến tình trạng nhiều xe taxi chạy lòng vòng trên đường, vừa gây lãng phí của cải xã hội, vừa gây tình trạng ùn tắc không đáng có.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lấp đầy của taxi truyền thống chỉ dừng lại ở 25%, điều này đồng nghĩa với việc 75% số lượng taxi tham gia giao thông nhưng lại không làm được nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ngược lại hoàn toàn so với taxi truyền thống, loại hình vận tải mới như Uber lại có tỷ lệ lầp đầy tới 75%. Như vậy, 3 chiếc taxi truyền thống mới có hiệu suất bằng 1 chiếc xe Uber.
Cho phép những người đi cùng một tuyến đường có thể kết nối với nhau thông qua ứng dụng Uber, về bản chất, dịch vụ này kết nối cung và cầu, giúp giảm tải lượng ô tô lưu thông trên đường. Khác với loại hình kinh doanh vận tải truyền thống, phần lớn các đối tác vận tải sử dụng phần mềm Uber chỉ chạy xe trên đường khi có nhu cầu cao về di chuyển của hành khách, chứ không chạy xe trên đường hàng giờ để đón khách.
Tận dụng xe cá nhân một cách thông minh
Theo kết quả nghiên cứu, các phương tiện ô tô có tới 95% thời gian không được sử dụng. Tại các thành phố có mật độ dân cư cao và tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Hà Nội và TP.HCM, số lượng xe ô tô cá nhân đang tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi phải có những giải pháp giao thông thông minh để tận dụng tối đa các phương tiện này và giảm ách tắc giao thông: chia sẻ chuyến đi (ride-sharing).
Đối với vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã chia sẻ: “Có người cho rằng khi xuất hiện Uber thì lượng xe sẽ nhiều hơn, điều này không đúng.
Trên thực tế, chọn đi xe Uber đồng nghĩa với việc từ bỏ phương tiện khác (có thể là xe máy, có thể là ô tô riêng, cũng có thể là taxi truyền thống...).
Vì thế, một chiếc xe Uber vận hành thì hàm ý rằng ít nhất một loại phương tiện khác tạm dừng. Cho nên, việc hạn chế xe Uber với mục đích làm giảm ùn tắc giao thông là không hợp lý. Thay vì hạn chế xe hợp đồng điện tử, lẽ ra phải đẩy taxi truyền thống phát triển lên một bước mới - ứng dụng công nghệ để giành lại thị phần”. Như vậy, dịch vụ của Uber thực chất là giải pháp giúp giải quyết số lượng xe quá tải ở Hà Nội và TPHCM nhờ tận dụng tối đa các phương tiện sẵn có và hạn chế lượng xe lưu thông trên đường.
Khuyến khích những giải pháp mới
Vì vậy, nếu nói đến bài toán tối ưu hóa nguồn lực thì đáp án chính xác nhất phải là thúc đẩy những loại hình vận tải như Uber, chứ không phải thiếp lập hạn ngạch, bởi chính sách hạn ngạch có thể gây méo mó trong việc cung ứng dịch vụ trên các địa bàn các nhau ngay trong cùng một đô thị: do lượng xe bị giảm, nên phần lớn sẽ dồn về trung tâm, còn ngoại vi sẽ rơi vào tình trạng thiếu dịch vụ, trong khi việc tắc đường ở nội đô vẫn không được cải thiện.
Hạn chế những mô hình tiên tiến như Uber không khác gì kìm hãm khả năng phát triển và tự giới hạn những giải pháp thông minh cho vấn đề của giao thông đô thị. Thay vào đó, cần có những chính sách khuyến khích các hãng taxi truyền thống áp dụng giải pháp công nghệ tiến bộ hơn, có tính chất gần giống xe hợp đồng điện tử, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực.
Nói chung, xu hướng chung là nền kinh tế chia sẻ nhưng Việt Nam còn nhiều điều kiện kinh doanh không đáng có, cản trở tư duy đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế chia sẻ đòi hỏi cách thức quản lý, khai thác nguồn lực mới để tận dụng tối đa trong khi chúng ta quản lý cơ học về mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, đây là rào cản cần sửa đổi để tự do sáng tạo, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới để nền kinh tế chia sẻ phát triển được ở Việt Nam.
Bình luận