• Zalo

Loạt đề xuất tăng thuế mang tính áp đặt của Bộ Tài chính: BOT xăng dầu?

Kinh tếThứ Bảy, 19/05/2018 11:12:00 +07:00Google News

Không phải vô cớ mà nhiều đề xuất của Bộ Tài chính gần đây bị dư luận phản ứng mạnh, dù cơ quan này cho rằng sự thay đổi là "phù hợp với thông lệ quốc tế" và "đạt được sự đồng thuận cao".

Vào đúng những ngày đỉnh điểm nắng nóng, khi hàng triệu phương tiện lưu thông không ngừng thải khói bụi khiến không khí thêm phần ngột ngạt, Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với các mặt hàng xăng dầu lên kịch trần (tăng 1.000 đồng lên mức cao nhất 4.000 đồng/lít).

Giống như nhiều dự thảo, đề xuất khác của cơ quan đầu ngành như tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân hay “khai tử” nốt xăng A95 dành "đất" cho xăng E5, dư luận lại lên tiếng phản đối với phương án của Bộ Tài chính.

Có hai điều cần lưu ý, thứ nhất, đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này; thứ hai, để tránh tình trạng tăng “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ này còn đưa ra ý tưởng… nới khung thuế từ 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít (đối với xăng).

Nói về sự cần thiết phải tăng thuế BVMT cho xăng dầu, Bộ Tài chính nhấn mạnh chính sách thuế mới sẽ giảm tiêu thụ sản phẩm gây tác hại đến môi trường. Ngoài ra, nếu tăng thuế thêm 1.000 đồng/lít thì ngân sách Nhà nước mỗi năm sẽ tăng thu thêm 14.300 tỷ đồng - con số không hề nhỏ.

Trung bình, giá xăng hiện dao động ở ngưỡng trên dưới 20.000 đồng/lít, với mức thuế BVMT đang được đề xuất áp dụng 4.000 đồng/lít thì thuế này sẽ chiếm khoảng 20% giá xăng. Cùng với đó, mỗi lít xăng còn phải "cõng" thêm các loại phí gồm: chi phí định mức (1.050 đồng), lợi nhuận định mức (300 đồng), chi quỹ bình ổn (vừa được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng hồi đầu tháng 5 là 451 đồng - 958 đồng/lít đối với xăng RON95 và E5).

1

 Bộ Tài chính đang chịu rất nhiều sức ép khi ngân sách gặp khó

Tính tổng cộng, số tiền mà người dân chi mua xăng dầu chỉ một nửa là giá thực của sản phẩm (giá nhập khẩu), còn lại là các loại thuế phí. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, khoản thu từ thuế BVMT tăng gấp 4 lần trong vòng 6 năm qua. Tuy nhiên tốc độ tăng chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chỉ bằng 1/4 tốc độ tăng thu.

Cụ thể, tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là khoảng 11.160 tỷ đồng, tăng đột biến lên hơn 27.000 tỷ vào năm 2015 do tăng thuế BVMT với xăng dầu từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Năm 2016 thu khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng. Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.

Bảo vệ môi trường có cần thiết không? - Đương nhiên cần. Tăng thu cho ngân sách có cần thiết không? - Đương nhiên cần. Vậy tại sao người dân lại phản đối? Không chỉ vậy, hàng loạt bộ, ban ngành từ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Công an, Tài nguyên & Môi trường và cả Bộ VH-TT&DL cũng đã lên tiếng cảnh báo đề xuất của Bộ Tài chính?

Vì sao Bộ Tài chính gần như đơn thương độc mã trong “cuộc chiến” tăng thu cho ngân sách?

Câu hỏi này không khó để trả lời, ngân sách đang rất eo hẹp, áp lực nợ công lớn, trong khi không thể tiếp tục vay nợ nước ngoài để chi trả cho các hoạt động công. Hay nói cách khác, nếu không tìm mọi cách tăng thu ngân sách, khoảng chênh bội chi sẽ ngày một doãng ra và tới một thời điểm sẽ không thể bù đắp nổi. Đó là mối đe doạ lớn nhất của một nền kinh tế.

Phải thông cảm cho áp lực của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tư duy cào bằng, muốn người dân chia sẻ sức ép này với loạt đề xuất tăng thuế vừa qua là không công bằng với người dân, xã hội.

Những đề xuất tăng thuế mang tính áp đặt của Bộ Tài chính khiến người ta liên tưởng đến một hiện tượng xã hội rất nóng vừa qua là các trạm BOT đặt trên các tuyến đường độc đạo. Xăng dầu và BOT đều là các sản phẩm không thể thay thế. Việc quản lý các loại hình kinh doanh độc quyền này, bởi vậy, cần một góc nhìn và tư duy độc lập của nhà điều hành. BOT đã bị phản đối rất nhiều và Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu phải có những đánh giá toàn diện, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

Video: Thâm nhập "thiên đường" rút ruột xăng dầu

Đối với các chính sách về thuế, và với mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, Bộ Tài chính cần đặt vị trí của mình vào các bên chịu ảnh hưởng, để có được quyết sách hợp lý nhất. Tăng thuế sẽ mang về một vài chục nghìn tỷ đồng, giải cơn khát cho ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ kìm hãm tăng trưởng trong dài hạn, và quan trọng hơn, là gây suy giảm, thậm chí mất niềm tin của người dân về cách thức điều hành của cơ quan này.

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn