Không chỉ các nước chưa có nhiều tiêm chủng, kể cả các cường quốc vaccine cũng đau đầu với các biến thể này.
Cơn ác mộng đang quay trở lại
Tại Indonesia, các phu đào huyệt đang làm việc thâu đêm khi nguồn cung cung oxy và vaccine thiếu hụt.
Ở châu Âu, các quốc gia đang đóng cửa một lần nữa với các biện pháp kiểm dịch và cấm đi lại.
Tại Bangladesh, người lao động ùn ùn rời thủ đô Dhaka trước giờ phong tỏa.
Các quốc gia tiêm chủng thần tốc như Anh và Israel ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch mới.
Các quan chức y tế Trung Quốc hồi đầu tuần thông báo sẽ xây dựng một trung tâm cách ly 5.000 phòng với diện tích bằng 46 sân bóng đá để cách ly du khách quốc tế.
Australia đang yêu cầu hàng triệu người dân ở nhà, tránh ra đường.
Một năm rưỡi kể từ khi bùng phát, đại dịch trở lại tấn công nhiều khu vực trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của một loạt biến thể, trong đó có biến thể Delta rất dễ lây lan lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ.
Từ châu Phi đến châu Á, các quốc gia đang phải hứng chịu các kỷ lục mới về số người mắc và chết vì COVID-19. Ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, COVID-19 lẻn vào nhân lúc người dân tháo bỏ khẩu trang, say sưa với cuộc sống tưởng như đã trở lại bình thường.
Gấp đôi nguy hiểm
Các nhà khoa học tin rằng biến thể Delta dễ lây lan gấp đôi với so với chủng nCoV ban đầu.
Nhiều khu vực chưa được tiêm chủng có thể đóng vai trò như "vườn ươm" biến chủng mới. Trong khi Delta làm nảy sinh cái mà các nhà nghiên cứu Ấn Độ gọi là Delta Plus, nhiều nơi đang ghi nhận các biến thể Gamma và Lambda.
"Chúng ta đang trong cuộc chạy đua chống lại sự lây lan của các biến thể virus", Giáo sư Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro, Seoul cho biết.
Các cuộc tranh luận đang trải dài từ Malaysia đến Seychelles về việc có nên tiếp tục phong tỏa và yêu cầu những người đã tiêm chủng đeo khẩu trang hay không.
Những hình ảnh gần đây ở Nepal hoặc Kenya đang khơi gợi lại các ký ức khủng khiếp cho các nước phương Tây.
Hầu hết các loại vaccine hiện có dường như hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta. Nhưng ở nhiều quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng vẫn đang rất thấp. Có tới 5 nước còn chưa bắt đầu chiến dịch chích ngừa cho dân.
Các chuyên gia khẳng định với việc các biến thể mới đang lan rộng, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn rõ rệt và các biện pháp phòng ngừa liên tục là cần thiết để chế ngự đại dịch.
Khói một lần nữa bốc lên từ các lò hỏa táng của các quốc gia kém phát triển làm nổi bật hố sâu ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo.
Việc nhiều nước chưa thể tiếp cận với các liều vaccine mà các nhà lãnh đạo thế giới hứa hẹn khiến các đợt bùng phát tiếp tục lan rộng.
Khi đại dịch tiếp tục hoành hành, một "chân lý" được chứng minh - không ai trên thế giới an toàn trừ khi tất cả đều an toàn.
Khi biến thể Delta tàn phá ở Ấn Độ trong làn sóng dịch thứ 2, nó cũng nhanh chóng xuất hiện ở Myanmar, tại sân bay Heathrow của Anh và trên cả đỉnh Everest.
Hiện tại, 85 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến thể dễ lây lan này. Nó đang là chủng virus chiếm ưu thế ở các khu vực của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.
Mức độ tàn phá của biển thể Delta có thể nhận thấy rõ nét ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Vào tháng 5, Indonesia ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Nhưng tới tháng 6, quốc gia Đông Nam Á liên tục báo báo kỷ lục về số ca nhiễm mới sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr.
Hôm 29/6, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cảnh báo Indonesia đang mấp mé ở "bờ vực của thảm họa".
Indonesia hiện mới chỉ tiêm chủng cho 5% dân số. Các nhân viên y tế của quốc gia này được chích ngừa bằng vaccine Sinovac của Trung Quốc, nhưng có tới 20 bác sĩ Indonesia tiêm chủng đầy đủ đã thiệt mạng.
Bình thường mới - sống chung với đại dịch
Theo các chuyên gia, với việc phương Tây đang tích trữ các vaccine có hiệu quả cao hơn, các nước như Indonesia và Mông Cổ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm tới vaccine của Trung Quốc với hiệu quả thấp hơn.
Tuần trước, giới chức Hong Kong đình chỉ các chuyến bay chở khách từ Indonesia. Họ làm điều tương tự với các chuyến bay từ Anh bắt đầu từ 1/7.
Vào tháng 5, Bồ Đào Nha cố gắng hồi sinh ngành du lịch của mình bằng cách chào đón các du khách chịu chi tới từ Anh bất chấp các báo cáo về sự lan rộng của biến thể Delta ở đảo quốc sương mù.
Nhưng khi biến thể Delta lan rộng ở Bồ Đào Nha, chính phủ Anh loại quốc gia Tây Âu khỏi "danh sách xanh". Du khách tới từ các quốc gia không nằm trong danh sách này khi trở về Anh sẽ phải cách ly.
Tuần trước, thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha phải phong tỏa để ngăn virus lây lan. Đức hiện coi Bồ Đào Nha là "vùng biến thể của virus".
Một số chủ khách sạn tại Bồ Đào Nha tỏ ra thất vọng.
Isabel Pereira, chủ một khách sạn cho biết một nửa số phòng đã đặt tại cơ sở của cô bị hủy.
“Tôi thậm chí không thể biết chắc những gì sẽ xảy ra vào ngày mai, chứ đừng nói đến tuần sau”, cô nói.
Đối với những người khác, quá khứ đang lặp lại với mức độ tàn phá khủng khiếp hơn.
Tại Bangladesh, các nhà khoa học phát hiện gần 70% ca mắc COVID-19 từ 25/5 tới 7/6 là các ca mắc biến thể Delta.
Hôm 30/6, Bangladesh ghi nhận số ca bệnh mới kỷ lục kể từ đầu dịch. Nhưng kỷ lục này dự kiến sẽ sớm bị phá vỡ khi người lao động mang theo virus trở về làng quê của họ.
Bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bangledesh - nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu vẫn tiếp tục để các nhà máy và xí nghiệp may mặc ngừng hoạt động.
“Họ là những người làm việc chăm chỉ. Hệ thống miễn dịch của họ khỏe hơn", Mohammed Nasir, cựu phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh nói.
Với các công nhân, dù lo sợ dịch bệnh, họ vẫn muốn đi làm khi mà khoản lương thưởng hàng năm sắp đến tay.
Bất chấp lời hứa từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhau, việc vận chuyển vaccine đến Bangladesh vẫn đang rất chậm chạp. Chưa tới 3% người Bangladesh được tiêm chủng đầy đủ.
“Chúng tôi đang làm việc để cân bằng giữa cuộc sống và sinh kế", ông Nasir chia sẻ.
Bình luận