Tư nhân sử dụng xe biển xanh
Ngày 11/7, tài xế Nguyễn Xuân Lý (SN 1993, trú tại xóm 20, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển xe tải mang BKS 37C-244.41 di chuyển trên quốc lộ 1A tuyến tránh TP Vinh. Khi xe vừa đi gần hết ngã tư giao nhau với quốc lộ 46 thì bị xe cứu thương mang BKS 37A-0615 đi tốc độ cao đâm vào từ phía sau.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tài xế Lý xuống xe để xử lý thì bất ngờ bị tài xế xe cứu thương là Xên Hồng Hà (SN 1995, trú xã Thạch Giám, huyện Tương Dương Nghệ An), hùng hổ lao tới, vung dao chém liên tiếp vào kính bên ghế lái.
Sau khi chém 3 phát vào kính không vỡ, tài xế này tiếp tục chém vào kính sát vị trí lái xe ngồi. Phụ xe tải Lê Văn Thắng (SN 1997, trú tại huyện Quỳnh Lưu), buộc phải bung cửa thoát thân. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân thấy bất bình, chạy ra ngăn cản hành vi hung hãn của tài xế xe cứu thương.
Sau đó, lực lượng CSGT Công an huyện Hưng Nguyên đến hiện trường xử lý mới biết chiếc xe cứu thương tài xế Xên Hồng Hà lái được đăng ký bởi Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.
Bác sỹ Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết, chiếc xe cứu thương BKS 37A-0615 đã được cơ quan làm thủ tục bán đấu giá từ tháng 12/2016, thông qua Công ty đấu giá Phú Quý, với giá 42 triệu đồng. Bác sỹ Thìn cũng khẳng định, lái xe cầm dao chém tài xế xe tải không phải là nhân viên của bệnh viện.
Như vậy, chiếc xe đã được thanh lý từ tháng 12/2016 nhưng đến nay người mua xe vẫn chưa làm thủ tục sang tên, đổi biển số theo quy định. Thậm chí, mặc dù đã thanh lý nhưng trên xe vẫn còn gắn còi hú, loa, đèn như xe đang thi hành công vụ.
Một trường hợp khác cũng liên quan đến xe biển xanh thanh lý là chiếc ô tô của Sở GTVT Nghệ An. Theo đó, ngày 13/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 4101 đồng ý cho Sở GTVT Nghệ An thanh lý xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi - Pajiero, BKS 37A-0649 mà Ban Quản lý dự án đang sử dụng theo hình thức bán đấu giá tài sản.
Sau hai lần tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua, đến ngày 19/11/2013, chiếc xe trên đã được Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hải Quân (địa chỉ tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) mua lại với giá 181,2 triệu đồng thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Nghệ An.
Một thời gian sau, chiếc xe này tiếp tục được bán lại cho Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng (địa chỉ tại xóm 1, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu).
Điều đáng nói là qua hai lần đổi chủ, nhưng chiếc xe này vẫn không sang tên, đổi biển. Đến thời điểm hiện tại, trên giấy tờ chiếc xe vẫn mang tên chủ sở hữu là Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Sở GTVT Nghệ An và vẫn mang biển xanh.
Sai nhưng khó xử lý?
Ông Bạch Hưng Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Nghệ An cho rằng, hiện nay chưa có văn bản nào của Nhà nước quy định trước khi bán đấu giá buộc chủ sở hữu phải gỡ biển số xe. Vì vậy, khi đơn vị có nhu cầu bán thì chuyển hồ sơ xe về Trung tâm tổ chức bán đấu giá. Việc thay đổi biển xe sau đấu giá đang phụ thuộc vào phía đơn vị trúng đấu giá làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện.
Qua tìm hiểu của PV, nhiều cơ quan Nhà nước trên địa bàn Nghệ An khi bán đấu giá xe ô tô biển xanh nhưng vẫn không làm thủ tục sang tên, đổi biển. Một số chủ sở hữu sau khi mua lại xe biển xanh cho biết, họ không làm thủ tục đổi biển số vì muốn sử dụng xe biển số xanh cho thuận lợi trong quá trình lưu thông.
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng ban ATGT Nghệ An cho biết, đơn vị cũng không nắm được cụ thể có bao nhiêu xe biển xanh đã thanh lý, trong đó bao gồm các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước thuộc tỉnh; Cơ quan Trung ương đóng trên đại bàn và cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đã chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Trung tá Lê Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Nghệ An cho rằng: "Rất khó để thống kê được số liệu cụ thể, bởi chỉ khi các chủ xe đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì đơn vị mới biết được, còn phần lớn xe biển xanh sau khi đấu giá, rất ít chủ sở hữu đến làm thủ tục sang tên, đổi biển".
Video: Xe biển xanh "quên" kiểm định vẫn ngang nhiên hoạt động
Theo số liệu của Sở Tài chính Nghệ An, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 35 xe ô tô công đã có quyết định của UBND tỉnh cho thanh lý, trong đó đã tổ chức bán đấu giá được 21 xe, còn 14 xe đang thực hiện thủ tục thanh lý. Những năm gần đây, mỗi năm Nghệ An có khoảng trên 30 xe ô tô công được thanh lý và hầu hết được các tổ chức tư nhân, cá nhân mua sử dụng.
Quy định về đăng ký xe nêu rõ: Ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Về trách nhiệm của chủ xe, Thông tư 15 cũng quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Nếu trễ hạn sẽ bị phạt tiền ở khung từ 1 đến 2 triệu đồng.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Từ 1/1/2017, người sở hữu xe (gồm cả ô tô công thanh lý) không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt hành chính 1-2 triệu đồng với cá nhân, và 2-4 triệu đồng với tổ chức. Chủ xe không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số, giấy kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt hành chính 2-4 triệu đồng với cá nhân, và phạt 4-8 triệu đồng với tổ chức.
Bình luận