Nhiều ngày qua, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chưa quên hình ảnh bé gái 15 tháng tuổi vào viện với vết thương chảy máu không ngừng.
Bệnh nhi bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn, dân gian thường gọi rắn hổ lửa, rắn học trò. Bé tử vong vì bệnh cảnh suy hô hấp, xuất huyết nặng, trước sự tiếc nuối của các y bác sĩ.
"Chúng tôi rất đau lòng nhưng không thể làm gì khác hơn được", bác sĩ Phương chia sẻ.
Những cái chết dự báo trước
Bác sĩ Phương cho biết sau khi xác định bé bị rắn hổ lửa, ông lập tức gọi ngay cho tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Hùng cho biết loài rắn này chưa có huyết thanh và chỉ có thể điều trị hỗ trợ.
"Tắt máy, tôi rất hoang mang. Trong đầu tiên lượng đến điều xấu nhất. Hơn chục năm trong nghề cấp cứu nhi, chưa giờ bao giờ chúng tôi có tốc độ làm việc nhanh đến như thế. Những cuộc gọi, email trao đổi liên tục với đồng nghiệp ở các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hầu như các nước đều không có huyết thanh", bác sĩ Phương nhớ lại.
Bác sĩ Phương cũng liên lạc một đơn vị ở Nhật Bản đang nghiên cứu thử nghiệm huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ lửa. Tuy nhiên, chế phẩm này đang nghiên cứu nên chưa thể sử dụng. Họ sẵn sàng tài trợ với điều kiện bệnh viện ký hợp đồng nghiên cứu. Điều này liên quan nhiều vấn đề pháp lý, do đó, hy vọng đưa huyết thanh về gần như không thể.
"Chúng tôi buồn vô cùng và chỉ biết cố gắng điều trị, truyền máu cho bé tốt nhất có thể. Nhưng sau hơn một ngày nhập viện, bé tử vong", bác sĩ Phương nói.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rắn hổ lửa thường được nhiều trẻ nhỏ chơi đùa nên dân gian gọi là rắn học trò. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, các chuyên gia khuyến cáo đây là loài rắn độc.
Năm ngoái, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 2 trường hợp bị rắn hổ lửa cắn. Tuy nhiên, bệnh nhân vào viện muộn do mất nhiều ngày đắp lá thuốc nên không qua khỏi.
Trước đó, một trường hợp khác cũng nhập viện với vết thương chảy máu không ngừng. Các bác sĩ truyền liên tục đến 20 đơn vị máu các loại. Tuy nhiên, sau thời gian truyền máu, khả năng đáp ứng của người bệnh giảm dần và tử vong.
"Trong 10 năm qua, chúng tôi tiếp nhận khoảng 36 ca bị rắn hổ lửa cắn, thu thập bệnh án được 31 ca. Có người nhiễm độc nặng, có người nhẹ hơn và 6 trường hợp trong đó đã tử vong do tình trạng quá nặng", tiến sĩ Hùng nói.
Chuyên gia này cho biết thêm tần suất hội chẩn cho trẻ nhỏ bị rắn độc cắn giữa đơn vị này và các bệnh viện nhi khá nhiều, thường gặp nhất là rắn chàm quạp và rắn lục.
"Gần đây, số ca nhập viện do rắn độc cắn tăng lên nhiều, ngoài yếu tố khách quan, có thể là do môi trường tự nhiên của rắn bị xâm phạm", tiến sĩ Hùng nhận định.
Rắn hổ lửa nguy hiểm thế nào?
Rắn hổ lửa (rắn hoa cỏ cổ đỏ, sái cổ đỏ) có tên khoa học là Rhabdophis subminiatus. Đây là loài nằm trong họ rắn nước Colubridae, thuộc bộ Squamata. Loài rắn này được nhà khoa học Hermann Schlegel mô tả lần đầu năm 1837. Rắn hổ lửa có thân màu xanh đen hoặc xám đen. Phần đầu sậm màu hơn các vùng còn lại.
Bác sĩ Đinh Thế Phương cho biết phần cổ rắn nổi bật với màu thay đổi từ vàng nhạt tới nâu đỏ. Loài này có màu sắc rất đẹp nên nhiều nơi gọi là rắn bảy màu. Rắn hổ lửa ngủ trên lá cây, trong bóng đêm, màu trên thân nó phản chiếu ánh sáng đẹp nên được gọi "nữ hoàng bóng đêm".
Theo mô tả của các nhà khoa học và trong thực tế, có khi loài rắn này khá hiền lành, chịu để yên để con người chạm vào và chơi đùa. Nhưng cũng có những lúc chúng trở lên hung dữ, sẵn sàng tấn công bất cứ ai.
Một đặc điểm đặc biệt đến mức "quái dị" là tự thân rắn hổ lửa không sản xuất ra nọc độc mà độc chất được tích lũy qua quá trình chúng ăn phải các loài động vật có độc (cóc độc, rết...). Thức ăn càng độc thì nọc của rắn hổ lửa càng nguy hiểm.
Nọc độc của rắn hổ lửa nằm ở răng trong cùng. Do đó, khi chúng há họng, ngoạm sâu thì nạn nhân mới bị nhiễm độc. Khi chúng giận dữ, phần sau gáy tiết ra chất độc màu trắng.
"Lượng độc của hổ lửa vào cơ thể quá nhiều sẽ gây bệnh cảnh rất nặng, rối loạn đông máu. Thông thường, nạn nhân sẽ không tử vong ngay mà vẫn tỉnh táo nhưng sẽ trải qua giai đoạn xuất huyết, cháy máu đa cơ quan và tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp rất nặng", bác sĩ Phương cảnh báo.
Vì sao chưa có huyết thanh kháng nọc hổ lửa?
Lý giải việc vì sao Việt Nam và nhiều nước trong khu vực chưa có huyết thanh kháng nọc rắn hổ lửa, bác sĩ Phương cho biết việc sản xuất huyết thanh không đơn giản, cần tập trung nhân lực, tài lực và phụ thuộc nhu cầu tiêu thụ.
Trong khi đó, không nhiều trường hợp bị rắn hổ lửa được ghi nhận nhập viện. Một số trường hợp khác bị cắn nhưng bệnh cảnh nhẹ do lượng nọc độc không nhiều.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết tại châu Á, chỉ 2 quốc gia có huyết thanh này là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc không sản xuất thường xuyên do huyết thanh kháng nọc hổ lửa được làm từ thỏ, dê và chồn, trong khi các loài rắn độc khác, huyết thanh làm từ ngựa.
"Môi trường sinh sống khác nhau nên mức độ độc tố khác nhau, chúng tôi cũng chưa bao giờ nhập huyết thanh về thử xem có hiệu quả hay không. Chính vì vậy, phương án xử trí các bệnh nhân bị rắn hổ lửa cắn là điều trị hỗ trợ", tiến sĩ Hùng nói.
Chuyên gia này cho biết đặc tính của nọc rắn hổ lửa là khiến nạn nhân rối loạn đông máu, xuất huyết não và xuất huyết nội tạng và nhiều cơ quan khắp cơ thể. Lượng nọc càng nhiều thì mức độ xuất huyết càng sớm. Cách điều trị là truyền các chế phẩm máu, cho bệnh nhân thở máy, vận mạch, chạy thận.
Trong quá trình này, vấn đề quan trọng nhất là giữ bệnh nhân bình tĩnh, an thần để phòng nguy cơ xuất huyết não. Bệnh nhân phải bất động tại giường, tránh tác động từ bên ngoài. Với trẻ em, việc tuân thủ nguyên tắc này thường rất khó. Trẻ càng nhỏ, biến chứng càng nặng nề, khả năng đáp ứng điều trị kém.
Bình luận