• Zalo

Loại quả nào không thể thờ khi cúng rằm tháng 7?

Gia đìnhThứ Năm, 11/08/2022 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều người vẫn mách nhau loại quả này nên dùng, loại quả kia không nên dùng khi cúng rằm tháng 7, nhưng quan niệm của Phật giáo lại khác.

Vào tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan và xá tội vong nhân, mọi người lại chuẩn bị việc làm lễ, cúng rằm và truyền tai nhau về những kiêng kỵ, lưu ý trong việc này. Nhiều người cho rằng, mâm cỗ cúng rằm tháng 7 không nên có một số loại trái cây nặng mùi như mít, những loại quả nằm trên mặt đất như dưa hấu, hay những loại có gai nhọn, vị chua cay, những loại quả có cái tên không may mắn... vì sẽ giảm tính thiêng liêng của lễ cúng, hoặc đem lại rủi ro. Có người còn nói không nên cúng chuối trong dịp rằm tháng 7 vì sẽ khiến cô hồn, ma quỷ hiểu lầm là được chào đón và sẽ quấy nhiễu mình. 

Quan điểm của nhà Phật về điều này thế nào? Theo Đại đức Thích Minh Quang, chùa Địa Tạng Phi Lai (huyện Thanh Liêm, Hà Nam), loại quả nào cũng có thể dùng thờ cúng, chỉ có 3 loại quả không thể thờ, đó là quả bom, quả mìn, quả lựu đạn. 

Ý của đại đức là không nên quá câu nệ khi chọn trái cây cúng rằm tháng 7 hay thờ cúng nói chung. Cái mà tổ tiên, thân nhân, thần linh nhận lấy trong lễ cúng không phải thực phẩm mà là sự tưởng nhớ, tình cảm của tín chủ. Vì vậy người trong nhà thích loại quả nào thì cứ thoải mái cúng thứ đó, hoặc điều kiện có loại quả nào thì cúng quả đó.

Loại quả nào không thể thờ khi cúng rằm tháng 7? - 1

Mâm quả cúng rằm tháng 7 (Ảnh: Hòa Phạm)

Thầy Thích Minh Quang cũng lưu ý, mọi người không cần quá lo lắng nếu trẻ nhỏ lỡ dại ăn mất vài quả trước khi bày lễ lên bàn thờ vì sợ rằng mâm lễ sẽ giảm sự thanh tịnh. Thật ra, cái tâm thanh tịnh mới là quan trọng. "Ai biết đâu bao nhiêu quả táo ngon, bà bán táo đã nếm trước từ sáng rồi, nên không thể nói là không thanh tịnh. Chẳng lẽ chuối lại cúng cả buồng?", Đại đức nói.

Cúng rằm tháng 7 dùng cỗ chay hay mặn?

Nhiều người quan niệm, Vu lan và xá tội vong nhân đều là quan niệm tín ngưỡng của Phật giáo, vì vậy cần cúng cỗ chay. Nhiều người khác cho rằng, mâm lễ cúng Phật và cúng chúng sinh nên làm cỗ chay, còn mâm cúng tổ tiên, thần linh thì làm cỗ mặn, hoặc chay mặn tùy ý.

Thực ra, việc làm cỗ chay hay mặn không phải là quy định cứng, nó tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Trong việc hương khói, yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn có gì mà là sự thành tâm.

Chuẩn bị cúng rằm tháng 7, quan trọng nhất là sự thành tâm.Đại đức Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), nêu quan điểm về điều này: "Chay hay mặn thì theo cá nhân thầy phụ thuộc phong tục, tập quán của từng gia đình, địa phương. Ví như anh học Phật, anh muốn cúng chay nhưng vợ anh, bố mẹ, anh chị lại không muốn cúng chay. Vì mong muốn của bản thân mà gia đình phải cãi vã, bất hòa với nhau thì mâm cơm chay đó có còn thanh tịnh nữa không? Vậy nên hãy tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Thuận duyên thì mình cúng chay thanh tịnh, không thuận duyên mình có thể mua đồ chế biến sẵn khác lên cúng".

Đình Lương
Bình luận
vtcnews.vn