Dân chài ở hạ lưu sông Lam (vùng giáp ranh Nghệ An, Hà Tĩnh) từ bao đời vẫn truyền tai nhau về một loài cá có kích thước cực lớn và hiếm gặp. Cá rất ít khi xuất hiện, mỗi lần nổi lên nó phát ra những tiếng kêu lạ như tiếng chim lợn.
Thời trước, hễ bắt được cá, người ta xẻ thịt mang ra chợ bán nhưng chẳng mấy người mua. Thế nhưng, khi thương lái đất Bắc đổ xô vào tìm mua với cái giá cực “khủng”, loài cá kỳ lạ này mới trở nên “sốt”như cái tên của chúng.
Gặp “vua” cá sú vàng
Sông Lam hạ nguồn rất rộng và sâu. Xa xưa, đoạn sông chừng vài chục cây số từ Bến Thủy ra cửa biển vốn lắm tôm nhiều cá. Vùng đất hai bên bờ từ lâu đã hình thành những làng chài khá quy mô thuộc các huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Nghi Lộc, Cửa Lò, TP. Vinh (Nghệ An).
Người dân đất Lam Thủy, Tiên Điền (Nghi Xuân) hầu như ai cũng biết ông Đậu Xuân Lới được những người dân chài nơi đây đặt cho cái tên trìu mến: “vua cá sú vàng”. Dù đã “chia tay” chài lưới nhưng lão ngư đã ngót 70 tuổi này vẫn kể vanh vách những câu chuyện sông nước, vốn gắn chặt với ông từ ngày lọt lòng mẹ.
Ông Lới tâm sự, hơn 50 năm làm ngư phủ, ông đã “quần nát” khúc sông này rồi. “Không có đoạn mô mà tui chưa giăng mẻ lưới, quăng đám chài, hay thả câu vương vây cá lớn. Rứa mà lúc đầu bọn tui chẳng biết giá trị con cá sú vàng. Thời đó, tôm cá đang nhiều, sú vàng có bắt được cũng xẻ thịt cho vợ đưa chợ bán. Mà bán còn rẻ hơn cá trích ngoài biển nhiều” – ông lão kể.
Sông Lam, nơi nhiều ngư dân Nghệ - Tĩnh đổi đời nhờ bắt được cá sú vàng tiền tỷ |
Theo ông Lới, từ những năm 1970 trở đi, cá sú vàng bắt đầu có giá và cũng hiếm dần. Ngày đó, người dân hò nhau đan “lưới te” để đi săn nhưng được một thời gian rồi chán nản bỏ cuộc. “Cá sú vàng như cái lộc trời cho rứa. Có người ròng rã săn cả năm trời không được một mống nào, nhưng có người vừa thả lưới xuống, chỉ cốt đánh bắt dăm ba con cá sông về ăn lại vớ được cá sú vàng” – ông Đậu Xuân Lới nói.
Riêng cái sự may mắn nhận được “lộc trời” đó thì một dải sông Lam không ai hơn ông Lới. Trong vài chục năm, ông liên tiếp bắt được cá sú vàng, tổng cộng 23 con. Thành tích “vô đối” ở cả 2 bờ sông Lam! Ông nhớ lại: “Tui bắt được nhiều thế nhưng chỉ 4 con là có giá trị. Khoảng từ năm 1974 đến 1980, tui bắt 3 con khá lớn, lần lượt bán được 15, 25 và 38 triệu. Thời đó, từng ấy tiền là lớn lắm rồi”.
Con cá sú vàng lớn nhất ông Lới từng bắt được là vào năm 1997. Ông thuật lại: “Hôm đó, 4 cha con tui đi thuyền thả lưới đoạn thuộc xã Tiên Điền. Trước đó mấy đêm liền nằm ngủ tui đều nghe âm thanh lớn và lạ phát từ dưới sông, tui đã đoán là có cá sú vàng.
Lúc kéo lưới lên, các con tôi kêu là có vật gì mắc vào, lưới rất nặng. Tui bảo chúng kéo mạnh tay thì thấy có vật quẫy đạp mạnh trong lưới. Chắc mẩm có cá sú vàng, tui một tay cầm vợt, một tay giữ mép lưới, hễ kéo lên khỏi mặt nước là úp ngay. Quả nhiên đúng là cá sú vàng!” – ông lão mắt long lanh kể lại một thời ngư phủ sôi nổi.
Mấy cha con mừng rỡ kéo cá lên thuyền rồi đưa về nhà, người dân trong và ngoài xã chen chúc kéo đến chứng kiến. Lúc bán cho thương lái Hải Phòng, con cá cân nặng 67kg, giá 170 triệu.
Nhận món tiền “khủng”, ông lão và gia đình thoát cảnh nghèo đói, xây cất được căn nhà khang trang. Mấy năm sau, ông có điều kiện chạy cho con xuất khẩu lao động, gia đình ngày càng khá giả. Ngày nay về vùng Lam Thủy, sát bên đường thấy có căn nhà 2 tầng khang trang, nổi bật, đó chính là nhà ông Đậu Xuân Lới, “vua” bắt cá Sú Vàng ở sông Lam.
Cũng nằm trong số những ngư dân may mắn đánh bắt được cá sú vàng còn có ông Nguyễn Văn Thành (ở xóm Xuân Lan, Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An).
Con cá Sú Vàng nặng 67kg do bố con ông Đậu Xuân Lới bắt được năm 1997 |
Đến 20h tối, trời lạnh cóng, khi lần đến những mét lưới cuối cùng, tự nhiên ông Thành thấy nặng tay đột ngột, có vật gì đó giật mạnh từ phía dưới. Như có linh tính mach bảo, ông hò mấy đứa cháu tập trung lại cất lưới lên, và niềm vui đột ngột vỡ òa trên khuôn mặt những người ngư dân nghèo đói: “Cá sú vàng!”.
Ông Thành kể rằng: “Ban đêm, ánh trăng rọi vào lớp vảy màu vàng trên thân cá sáng rõ và rất đẹp, khi chưa đưa lên khỏi nước tui đã chắc chắn biết đó là cá sú vàng rồi”. Ngay sau đó, mấy bác cháu kéo cá về nhà. Ngay trong đêm, con cá được bán cho các thương lái đất Bắc, trọng lượng 58kg với giá 520 triệu đồng.
Ngoài những ngư dân này, ở nhiều làng chài khác thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thi thoảng vẫn bắt được cá sú vàng, kinh tế gia đình họ khá giả lên trông thấy. Tuy nhiên, khoảng từ 5 năm trở lại đây, người ta không còn phát hiện thêm con cá sú vàng nào nữa.
Ngư dân sống ven sông Lam đồn rằng, loài cá huyền thoại này vốn đã tuyệt chủng, nhưng ngư dân hăm hở đi săn cá sú vàng từ những năm trước cũng lần lượt giải nghệ.
Nỗi khổ khi bắt được “cục vàng”
Bắt được cá sú vàng như được trời cho cả cục tiền trong chốc lát, thế nhưng nếu không biết giữ hoặc không tỉnh táo, ngư dân không những mất tiền mà còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
“Vua bắt cá sú” Đậu Xuân Lới chia sẻ: “Bắt cá sú vàng phải nhanh, không nó phá lưới đi mất; bán cá sú vàng phải gọn, không lắm kẻ tăm tia vào phiền nhiễu”.
Ông Lới kể lại thời ông bắt được con sú vàng nặng tới 67kg. Mấy cha con đưa lên thuyền rồi gánh về nhà trong sự “kinh hãi” của hàng xóm và “thèm thuồng” của nhiều kẻ đố kỵ. Cá về đặt giữa sân, người xem chen chân đứng chặt như nêm. Chủ nhà bối rối khi nhận món tiền khủng 170 triệu (thời điểm năm 1997) trước cả trăm người. Sau đó, đương nhiên “khổ chủ” phải tự “biết điều” trích một món tiền khá lớn để “chia lộc” cho những đối tượng cần phải chia, mới mong được ổn định.
“Lưới te”, dụng cụ đánh bắt cá Sú Vàng của ngư dân |
Thế nhưng khi vừa về đến nhà, hàng chục người đã đợi sẵn trong sân để “hỏi chuyện”. Kể lại chuyện “hậu” bán cá Sú Vàng, anh Nguyễn Văn Bình (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Anh kể, mặc dù đã trích tiền để “chung vui” với người thân và xóm giềng tử tế, nhưng biết gia chủ vừa có món tiền lớn, từng tốp người vừa quen vừa lạ mặt chốc chốc lại gõ cửa “xin” tiền.
Anh Bình nhớ lại: “Không cho không được, mà cho tốp này lại có tốp khác, khổ hết nỗi”. Phân phát không nổi, vợ chồng anh chọn kế đóng cửa “tử thủ”. Thế nhưng câu chuyện càng kinh hãi. Bên ngoài, nhiều tiếng la hét om sòm đòi phá cửa…
Ông Nguyễn Văn Thành (Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) cũng từng trải qua những giây phút “nhạy cảm” khi cùng con cháu khiêng cá về nhà và ngã giá với thương lái trước sự chứng kiến của của cả trăm người.
“Lúc đó, nhận món tiền quá lớn, lại trước chốn đông người, tui vừa mừng vừa run. Rất may là công an xã và lãnh đạo xóm đã bố trí xuống. Vả lại, người dân ở đây cũng rất trật tự nên không có chuyện xấu xảy ra” – ông Thành nhớ lại.
Tuy nhiên sau đó ông Thành và gia đình cũng làm những “nghĩa vụ” cần thiết để “đáp lễ” đặng đổi lấy sự bình yên.
Theo Trần Thanh (Báo Gia đình và Cuộc sống)
Bình luận