• Zalo

Lo sợ người chết 'đội mồ sống dậy' và nghi lễ kỳ dị 'chôn cất ma cà rồng'

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 17/10/2018 17:06:00 +07:00Google News

Một hòn đá vôi được nhét vào miệng của đứa trẻ đã chết 1.500 năm trước, bao quanh là những ngôi mộ dị tà khác, câu chuyện hé mở về một nhân vật cổ đại được gọi là “ma cà rồng Lugnano” – đứa trẻ bị những người Roman cổ đại lo sợ sẽ từ cõi chết trở về.

Trong một ngôi mộ nhỏ, nằm giữa nơi từng là một biệt thự Roman đầy màu sắc, là hài cốt của một đứa trẻ 10 tuổi đã chết từ hơn 1.500 năm trước. Điều kỳ lạ là đứa trẻ này nằm nghiêng và mở rộng miệng với một hòn đá vôi bên trong, có kích thước bằng một quả trứng lớn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đứa trẻ chưa rõ giới tính này chết sau một đợt bùng phát dịch sốt rét, đã ảnh hưởng đến cộng đồng sống ở thế kỷ thứ 5 tại thị trấn nhỏ thời trung cổ, trên một ngọn đồi cách Rome khoảng 100 km về phía Bắc. Hòn đá có dấu răng, khiến các nhà khảo cổ tin rằng nó đã được cố ý đặt vào miệng của đứa trẻ sau khi chết – một thủ tục cổ đại kỳ dị nhằm không cho đứa trẻ “sống lại” và lan truyền bệnh dịch.

ma-ca-rong-chon-cat-1

 Một hòn đá vôi được nhét vào miệng của đứa trẻ đã chết 1.500 năm trước. (Ảnh: David Pickel/Stanford University)

Họ gọi kiểu chôn này là “chôn ma cà rồng”. Những người dân địa phương tại thị trấn Lugnano, Teverina, Italia gọi đây là “ma cà rồng Lugnano”.

“Chúng tôi biết rằng kiểu đối xử khác thường này cho thấy nỗi sợ hãi của những người còn sống, đặc biệt là nỗi sợ hãi người chết có thể ''đội mồ sống dậy'' và tiếp tục lan truyền bệnh cho người sống... Đặt hòn đá vào miệng đứa trẻ là một cách biểu tượng để vô hiệu hóa chúng.” – Jordan Wilson, một nhà khảo cổ - sinh học tại Đại học Arizona, người tham gia đội nghiên cứu khai quật ngôi mộ cho biết.

Đây là khám phá mới nhất trong số nhiều hài cốt được tìm thấy ở La Necropoli dei Bambini, hay Nghĩa trang trẻ em, một biệt thự Roman bỏ hoang đã biến thành nghĩa trang khổng lồ của những đứa trẻ vào một thời điểm nào đó giữa thế kỷ thứ 5. Một cộng đồng người trộn lẫn giữa ngoại giáo và Kito giáo, sợ hãi bởi cái chết họ không thể giải thích, đã tìm đến những nghi lễ phù thủy để chôn cất con họ, theo David Soren, giáo sư Đại học Arizona – người đã quan sát các khám phá khảo cổ tại khu vực trong gần ba thập kỷ cho biết. 

Những khám phá cho thấy phần nào sự sợ hãi của xã hội lúc bấy giờ đối với một căn bệnh chết người chưa được biết đến. Các nhà khảo cổ cho rằng điều này có thể đã mở đường cho sự kết thúc của đế chế Roman và thậm chí ngăn Attila the Hun, lãnh đạo người Hung tàn bạo hoàn thành xâm lược Italia.

Video: Khu mộ cổ 1.000 m2 của gia tộc miền Tây

Lần đầu tiên họ biết đến khu vực chôn cất này là năm 1987. Tại đây, họ tìm thấy phần còn lại của một biệt thự, với kích cỡ bằng trung tâm mua sắm trung bình ngày nay. Họ tìm thấy nơi từng là phòng ăn hình kim tự tháp, nơi ở của nô lệ, trần dốc lên 4 mặt và những bức tranh, khảm tường. Trong đó là phần còn lại của những đứa trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những thai nhi bị bỏ rơi chôn bên cạnh những móng vuốt quạ, xương cóc, vạc đồng chứa đầy tro và những con chó hiến tế.

Các nhà khảo cổ gọi đây là “chôn cất kẻ lầm lạc” (deviant burials), một cách cổ đại để chôn cất những người mà người sống sợ rằng có khả năng siêu nhiên như quay trở lại từ cái chết, hoặc những người vi phạm luật lệ xã hội. “Họ rải cây kim ngân (honeysuckle) khắp mọi nơi. Có rất nhiều nghi lễ xung quanh nghĩa trang này khiến nó vô cùng thú vị” - nhà nghiên cứu cho biết.

Lugnano không phải là nơi duy nhất thực hành kiểu “chôn cất ma cà rồng”. Tại Venice, phía Bắc Italia, một phụ nữ ở thế kỷ 16 cũng được phát hiện chôn với viên gạch trong miệng, được gọi là “Ma cà rồng Venice”. Tại Northamptonshire, Anh, một người đàn ông ở khoảng thế kỷ thứ 3 hoặc 4 được tìm thấy năm 2017 cũng có đá trong miệng.

Các nhà khoa học cho rằng những phát hiện kỳ lạ phản ánh cách con người đối mặt với nỗi sợ hãi trước những điều chưa biết, dù những đứa trẻ bị kẹt trong nỗi sợ hãi này đã phải chết một cách đau đớn.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn