Đó là sự việc đang diễn ra tại khu vực ven sông Hồng, khu vực các xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội); Liên Châu và Đại Tự (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) từ mấy năm nay.
Bức xúc trước tình trạng trên, ông Đỗ Văn Cường (51 tuổi, Khu phó khu dân cư 1, thôn Tứ Kỳ, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết, tính ở xã Cẩm Đình (Phúc Thọ, Hà Nội) và Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có đến hơn 50 lò gạch thủ công hoạt động ngày đêm, xã Đại Tự nơi ông ở là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp việc ô nhiễm môi trường do các lò gạch gây ra.
Cận cảnh một lò gạch thủ công đang hoạt động.
“Những lò gạch này thay nhau đốt, xả khói đen mù mịt, mùi rất khét và không lúc nào ngưng nghỉ. Tình trạng này diễn ra đã lâu, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhưng khói lò gạch vẫn tiếp tục bốc lên” – ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, sự hoạt động của hàng chục lò gạch thủ công trên địa bàn trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở đây.
“Vụ đông vừa qua, do ảnh hưởng của khói bụi từ các lò gạch, hàng chục ha ngô của người dân chúng tôi coi như mất trắng. Cây ngô lớn, phát triển bình thường, ra mỗi cây từ 3-4 bắp nhưng không bắp nào có hạt. Khi chúng tôi có đơn kiến nghị lên xã thì xã mời chủ các lò gạch có đứng ra hỗ trợ chi phí sản xuất cho bà con” – Vị Phó khu dân cư cho hay.
Hàng chục lò gach thủ công san sát nhau.
Cũng theo vị này, việc hỗ trợ của chủ các lò gạch chỉ là phần giống rất nhỏ, thực chất họ đã mất trắng và sau khi được hỗ trợ thì lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động, khói bụi vẫn tiếp tục mù mịt.
Cũng đang khổ cực sống trong tình trạng khói bụi, ông Đỗ Đình Lương (52 tuổi, người làng Tứ Kỳ, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc) cho biết, vị trí nhà ông ở cách lò gạch gần nhất khoảng 500m, xa nhất là 1km nên bị ô nhiễm rất lớn từ các lò gạch.
Để đối phó, gia đình ông buộc phải may bạt vải chắn ở ngoài hiên để che chắn; ban ngày cũng như ban đêm đều phải đóng kín cửa.
“Nhiều khi mệt mỏi, bí bách muốn nghỉ ngơi nhưng không biết trốn đi đâu để thoát khỏi cái mù mịt và mùi khét của khói bụi” – ông Lương cho hay.
Ông Lương phải dùng bạt vải che chắn khói bụi.
Không những bị ảnh hưởng bởi cuộc sống, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Lương cũng bị xâm hại bởi thời gian qua, cánh đồng chuối rộng mấy ha của gia đình ông đều bị ảnh hưởng và thất thu, mỗi vụ mất trắng 30-40 triệu đồng.
“Sống cũng rất khó chịu, sản xuất thì bị mất trắng, trước sự hoạt động của lò gạch thủ công khiến môi trường sống bị ô nhiễm, dân chúng tôi chỉ biết kêu trời vì khổ” – ông Lương nói.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực hai bên sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh hai huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hơn 50 lò gạch thủ công, khói đen bốc nghi ngút. Các tuyến đường chính ở khu vực này cũng chìm trong khói, bụi và liên tục bị “hành hạ” bởi hàng trăm xe chở gạch trọng tải lớn hoạt động. Nơi đây sầm uất và mù mịt như một đại công trường.
Hiện nay, tại khu vực sản xuất nông nghiệp xung quanh các lò gạch, nhiều cánh đồng ngô bị cháy khô, cánh đồng chuối bị chậm phát triển, còi cọc.
Các tuyến đường ở xã Đại Từ chìm trong khói bụi.
Điều đáng nói là các lò gạch ngang nhiên trong một thời gian dài, bất chấp Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.’
Khi cuộc sống đang bị đe dọa bởi các lò gạch, những người dân nơi đây lại càng bức xúc khi hàng ngàn mét khối đất cát ở khu vực bãi bồi được người ta nạo vét rồi chở đi bán cho những nơi khác.
Theo ông Đỗ Văn Cường, đất cát thuộc khu vực bãi bồi ven sông Hồng được chính quyền cho người dân thầu để sản xuất, nhưng một số người lại sử dụng diện tích này để đưa máy xúc vào khai thác, đổ lên ô tô tải mang đi nơi khác bán.
Với việc làm trên, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ha đất canh tác hoa màu đã biến thành hố sâu, không thể canh tác, người dân lo sợ rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, đất phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ không còn. Trong khi đó, các tuyến đường vào bãi đất ngày càng hư hỏng, chìm trong khói bụi và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông bởi sự hoạt động náo nhiệt của xe tải.
Được biết, việc khai thác đất cát tại khu vực trên chủ yếu thuộc về một công ty có trụ sở taị thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Hàng chục ha đất bãi bằng phẳng nay biến thành hố, sâu hàng chục mét cho bị hút và bán đi nơi khác.
“Chúng tôi không muốn được đền bù, chỉ mong chính quyền các cấp xóa bỏ triệt để các lò gạch gây ô nhiễm, chấm dứt tình trạng khai thác đất cát bừa bãi để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống và sản xuất về sau” – ông Cường bày tỏ.
Trả lời phóng viên VTC News về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Lộc – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã diễn ra hàng chục năm nay, cơ quan này đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công và khai thác đất đá.
Tuy nhiên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc lại cho rằng: “Phía bãi bồi đó chủ yếu là địa phận của huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội nên chúng tôi không có thẩm quyền tháo dỡ lò gạch mà chỉ có ý kiến với UBND TP Hà Nội để có biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được và rơi vào bế tắc”.
Về việc khai thác đất cát trên các bãi bồi, ông Lộc cho biết sẽ chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra.
Trong khi chính quyền đang rơi vào bế tắc thì ngày đêm, hàng chục lò gạch vẫn hoạt động, khói đen mù mịt vẫn bao vây, xâm hại đến môi trường và hàng ngàn người dân vẫn phải “bịt mũi”, ngẩng đầu lên than với trời…
Bình luận