Trao đổi với VTC News ông Nguyễn Chí Thiết, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc đang có 7 lò gạch nằm giáp ranh với địa bàn huyện Phúc Thọ.
Theo thoả thuận đến 31/12/2013 thì 7 lò gạch trên đã hết hạn hoạt động. Tuy nhiên, do vướng vào dịp Tết Nguyên Đán nên nảy sinh nhiều vấn đề chưa được giải quyết, hơn nữa còn tồn tại một số vấn đề khó khăn như gạch tại lò chưa xuất được hết, tiền nợ chưa thu hồi được....
Một lò gạch gây ô nhiễm bị tháo dỡ.
Theo ông Thiết, sở dĩ có việc gia hạn cho các lò gạch này một phần phía chính quyền cũng mong muốn để cho chủ lò gạch bố trí lại nhân lực, các công nhân ở đây có việc làm mới. Tránh việc khi dỡ bỏ lò gạch các công nhân phải thất nghiệp.
"Khu vực giáp ranh của huyện Yên Lạc hiện nay có 7 lò gạch thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND xã Liên Châu. Khu vực lân cận có đến hàng chục lò gạch thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Cũng chính vì vậy, việc hoa màu của người dân khi bị ảnh hưởng không chỉ riêng lò gạch của huyện Yên Lạc mà trong đó có ảnh hưởng từ các lò lân cận. Tuy nhiên, hiện nay phía huyện Yên Lạc chưa giải quyết được xong nên không thể khẳng định và đổ lỗi cho ai được" - Ông Thiết chia sẻ.
Đại diện UBND huyện Yên Lạc khẳng định "chúng tôi sẽ làm dứt khoát, tháo dỡ tất cả các lò gạch có trên địa bàn. Cũng từ đó chúng tôi sẽ có cơ sở và có lý để làm việc và đôn đốc các huyện lận cận trong và ngoài địa bàn để giải quyết triệt để vấn đề này".
Ghi nhận thực tế tại hiện trường, các lò gạch thuộc địa bàn của xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc quản lý đang ngừng hoạt động, một số lò gạch đang trong quá trình tháo dỡ…
Người dân trong khu vực cho biết, từ sau khi nguyện vọng xóa bỏ lò gạch thủ công được báo chí phản ánh, các lò gạch ở huyện Yên Lạc đã bắt đầu ngừng hoạt động và tháo dỡ, môi trường xung quanh bước đầu đã được cải thiện.
Bình luận