Đời sống

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng

Thứ Bảy, 14/01/2023 13:03:00 +07:00

(VTC News) - Chúng ta thường nhắc đến đoàn viên, sum vầy khi Tết đến thế nhưng nơi đầu sóng ngọn gió, những người thợ đèn vẫn đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ những ngọn hải đăng.

Chiếc va li phủ bụi chất đầy nỗi nhớ

Anh Võ Văn Hoàng - Trạm trưởng trạm hải đăng Cù Lao Xanh (Quy Nhơn, Bình Định) - bảo: “Hàng năm, cứ đến những ngày gần Tết, ai ai cũng háo hức được trở về nhà sau một năm làm việc vất vả. Vali của họ đựng đầy quà cáp, quần áo mới. Vali của chúng tôi vẫn lặng lẽ phủ bụi nơi góc phòng làm việc, đựng đầy nỗi nhớ nhà”.

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng - 1

Những chiếc vali lặng của các anh đựng đầy nỗi nhớ nhà.

25 năm trong nghề bảo đảm an toàn hàng hải, cũng là khoảng 10 giao thừa anh Hoàng xa nhà. Tết nào sắp xếp được để anh em về nhà, anh đều nhường cho người ở xa.

Còn anh Nguyễn Hữu Tuấn (quê Hải Phòng) công tác trên đảo Cù Lao Xanh 8 năm, thì 3 năm đón Tết nơi cách xa gia đình hàng ngàn cây số. Chiếc vali kéo nằm lặng lẽ góc phòng làm việc, 2 năm rồi chưa được sử dụng.

Anh Tuấn tếu táo: “Cái vali đó đựng đồ thì ít, đựng nỗi nhớ thì nhiều. Đó là món quà vợ tặng sinh nhật tôi khi tôi nhận công tác ở trạm Cù Lao Xanh, với lời nhắc: Có đi đâu thì rảnh là phải về tổ ấm.

Vậy mà, chỉ vài lần “hắn” được cùng tôi về nhà đón giao thừa. Gần chục năm rồi, nhưng ngoài màu thời gian ra thì vẫn còn như mới. Vợ thỉnh thoảng vẫn bảo ước gì Tết nào cũng được thấy chiếc vali đó trong nhà. Nghĩ mà thương cô ấy”.

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng - 2

 

Với người Việt, Tết đến là mong được về nhà, được đón năm mới đoàn viên, nhưng vì tính chất công việc, “lính nhà đèn” phải gác nỗi niềm riêng. Ngày Tết vẫn cứ phân ca trực như ngày thường để hải đăng luôn sáng, làm điểm tựa cho tàu thuyền ra khơi về bến.

Anh: Nguyễn Hữu Tuấn ngậm ngùi.

Hải đăng Cù Lao Xanh có 8 cán bộ nhân viên, mỗi người một quê. Xa nhất là anh Tuấn ở Hải Phòng. Những người còn lại, người quê Khánh Hòa, người ở Nghệ An, người nhà ngay trong tỉnh. Nhưng dù đứng trên ngọn hải đăng “nhìn thấy nóc nhà mình”, Tết đoàn viên với họ vẫn là “xa xỉ”.

Anh Tuấn chia sẻ, Tết đầu tiên nơi đầu sóng ngọn gió chẳng hề dễ dàng với người mới làm quen với sóng biển. Nhìn ra mặt biển đen thẫm không gợn đốm sáng, những người xa nhà như anh chỉ biết trút tâm sự vào những bức thư. Chỉ trong ít ngày, anh đã viết một chồng thư dày cả gang tay.

"Ngày đó, trong thư chuyện gì cũng kể, từ ăn uống, công tác đến cả tin tức về người dân trên đảo... Nhiều lúc chẳng biết mình viết thư hay đang viết nhật ký trên biển nữa", anh cười.

Những nhân viên nhà đèn như anh hồi đó mong tàu thuyền vận tải cập bến từng giờ, phần vì lương thực, thực phẩm tiếp tế, phần nhiều khác là mong được gửi thư về cho cả nhà yên tâm.

Ấy thế nhưng, biển cả chẳng phải lúc nào cũng chiều lòng người xa nhà. Có những năm, gần Tết biển động dữ dội, tàu thuyền chẳng thể ra đảo, nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm, việc đón Tết ở trạm hải đăng cũng đơn giản hơn nhiều.

"Những phong thư chuẩn bị sẵn để gửi về lại đành xếp một góc. Đã thế, cả đội chẳng còn chút đồ ăn gì, chứ chẳng nói tới quà Tết. Đợi tàu ra được đảo thì Tết đã muộn rồi", anh Tuấn nhớ lại.

Ngày nay công nghệ phát triển, trên đảo có điện, có mạng 4G, nên dần dần anh không viết thư tay nữa. “Giờ mở điện thoại lên là vừa nói chuyện vừa “no mắt’ ngắm vợ con, thành ra những cánh thư tay chỉ còn là kỷ niệm”, anh Tuấn cười tươi hài hước.

Bây giờ, mỗi ngày có một chuyến tàu duy nhất từ đảo Cù Lao Xanh vào đất liền rồi ngược trở ra. Khoảng ngày 24 - 25 - 26 tháng Chạp, tranh thủ biển êm, anh em trên trạm vào đất liền mua lương thực dự trữ cho những ngày Tết.

“Chúng tôi chỉ mua lương thực, thực phẩm cần thiết. Ngoài bánh mứt kẹo còn mua thịt, gạo nếp, đỗ xanh, lá dong… để gói bánh chưng, rồi mua giò, bởi đó là những món ăn truyền thống “đậm vị Tết nhà” với người Việt”, anh Hoàng nói.

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng - 3

Anh Võ Quốc Phi nhận nhiệm vụ vào đất liền mua lương thực chuẩn bị cho những ngày Tết.

Bữa tiệc đón Tết giữa trùng khơi của công nhân vận hành đèn biển sang hơn ngày thường, bởi ngoài những món ăn truyền thống, còn có thêm nhiều rau xanh và thêm lời ca, tiếng đàn. Họ coi nhau như anh em trong gia đình, cùng đón thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới theo cách ấm áp nhất.

Anh Võ Quốc Phi mới về công tác tại Cù Lao Xanh được gần 1 năm và mới cưới vợ, nhưng cũng đón Tết tại “gia đình mới”. Anh chia sẻ: “Tôi lo vì vợ không có chồng bên cạnh sẽ chơi vơi. Tết đầu về làm dâu áp lực tâm lý của cô ấy nhiều, lại phải tự mình gánh vác tất cả. Rồi thêm sinh con mà chồng không ở cạnh. Thương lắm, chỉ biết điện thoại động viên, rồi nhờ ba mẹ ở nhà tạo cho vợ cảm giác thoải mái, thân thương như nhà đẻ”.

Thương “hậu phương” nhiều thiệt thòi, ngoài lời động viên, Phi chắt chiu từng đồng lương gửi hết về cho vợ. “Trên đảo, ngoài tiền đóng góp sinh hoạt mỗi tháng, cứ đến kỳ lương là tôi gửi hết về cho vợ để cô ấy nuôi con và chăm lo cha mẹ. Một mình vợ lo toan nội, ngoại, chòm xóm nên tôi không muốn vợ lại phải chịu thêm áp lực kinh tế”, Phi nói và khoe sắp tới anh sẽ được nghỉ phép về gặp con trai mới chào đời.

Hải đăng Cù Lao Xanh nằm trên đảo Cù Lao Xanh, hay còn gọi là đảo Vân Phi, gần vịnh Xuân Đài (thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, Bình Định), cách bờ biển nội thành Quy Nhơn 24 km về phía tây bắc và cách bờ biển tỉnh Phú Yên 12 km về phía tây. 

“Hẹn ngày về, gia đình mình sẽ quây quần bên bữa cơm sum vầy”

Tại Hải đăng Hòn Nước (xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định), anh Bùi Thanh Nam - Trạm trưởng - đang cùng đồng nghiệp gói những chiếc bánh chưng cuối cùng để “nổi lửa”. “Gói sớm để có bánh cúng ông Công ông Táo”, anh Nam cười nói.

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng - 4

Mâm cơm cúng những ngày Tết của các anh đơn giản lắm nhưng đó là tất cả những lòng thành mà các anh chuẩn bị được.

Không ở đảo xa đất liền, nhưng hải đăng Hòn Nước nằm trên một ngọn núi tách biệt với khu dân cư. Chợ gần nhất cũng cách xa hơn 15 km. Để mua lương thực, đồ dùng trang trí Tết, anh Nam cùng một nhân viên trẻ phải đi chợ từ 5h sáng.

Giờ này mà ở nhà chắc tôi đang cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, phụ cuốn nem làm mâm cơm Tết, tối đến ngồi trông nồi bánh chưng. Những khoảnh khắc tưởng chừng như bình dị nhưng khi xa rồi ta mới nhận ra nó hạnh phúc và thiêng liêng đến nhường nào", anh Nam bày tỏ.

Thời khắc đón giao thừa ở nơi cách xa nhà cả nghìn cây số mới thấy nhớ da diết hương vị Tết quê hương, nhớ không khí ấm áp, cả gia đình quây quần bên nhau, cha pha trà, mẹ và vợ nấu cỗ, mấy đứa con xum xoe áo mới.

Bao năm qua, nhiều thế hệ công nhân các trạm hải đăng cất giấu nỗi niềm riêng, cần mẫn làm việc, duy trì ánh sáng ngọn hải đăng, đảm bảo an toàn hàng hải. Đặc biệt, mỗi đêm 30 Tết, các phương tiện đánh bắt xa bờ về muộn cũng ấm lòng khi thấy ngọn hải đăng, yên tâm vì xác định được phương hướng trong thời tiết không thuận lợi.

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng - 5

Bao năm qua, nhiều thế hệ công nhân các trạm hải đăng cất giấu nỗi niềm riêng, cần mẫn làm việc, duy trì ánh sáng ngọn hải đăng, đảm bảo an toàn hàng hải.

Ngoài chức năng dẫn đường cho tàu thuyền qua lại, mỗi ngọn hải đăng còn là cột mốc đánh dấu tọa độ bãi cạn, khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Dù hiện nay, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại (máy định vị, máy thông tin liên lạc), định hướng được vị trí đánh bắt, di chuyển, nhưng mỗi trạm hải đăng vẫn là kim chỉ nam, điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi xa không bị lạc lối. Ngày Tết, công tác vận hành đèn càng được siết chặt, đảm bảo theo đúng quy định, quy trình.

Tôi hiểu, nếu không có lòng yêu nghề, không có tình yêu trọn vẹn với quê hương, Tổ quốc, các anh sẽ khó có thể trụ vững giữa sóng to, gió cả, hiên ngang đối mặt với biển khơi, ngày đêm thầm lặng canh giữ “con mắt biển” luôn sáng để các phương tiện hàng hải ra, vào an toàn. Những người canh gác hải đăng không phải là lính, nhưng những cống hiến của họ nơi biên cương Tổ quốc thật đáng trân trọng.

'Lính nhà đèn' phải gác nỗi niềm riêng - 6

 

Là vợ của “lính nhà đèn” chịu nhiều thiệt thòi, có khi vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha nuôi dạy các con khôn lớn. Nhưng tôi biết gia đình luôn tự hào vì có người chồng, người con làm công việc góp phần bảo đảm an toàn cho vùng biển quê hương. Con cảm ơn ba mẹ. Cảm ơn vợ - hậu phương của anh. Vợ ơi! Tết này anh hứa về nhưng kế hoạch dang dở, mong vợ đừng buồn. Hẹn ngày về, gia đình mình sẽ quây quần bên bữa cơm ấm áp.

Anh: Bùi Thanh Nam nhắn nhủ cha mẹ, vợ con

Ông Trần Quang Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ - cho biết, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ có nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống đèn biển và báo hiệu luồng tàu biển trong phạm vi từ Bình Định đến Bình Thuận.

Địa bàn quản lý rộng, các trạm quản lý báo hiệu hầu hết nằm trên đảo xa như: Hòn Hải, Phú Quý, Cù Lao Xanh…, giao thông không thuận tiện, công tác tiếp tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong dịp Tết, Lãnh đạo Công đoàn Tổng công ty và Công ty đã nỗ lực cân đối, giúp công nhân các trạm đèn có được tổng mức thu nhập tốt nhất có thể.

Trong thời gian nghỉ Tết, lãnh đạo công ty đã quán triệt công nhân các trạm đèn biển, trạm luồng hàng hải “vui xuân không quên nhiệm vụ”, duy trì công tác trực chốt 24/7 để kịp thời xử lý các sự cố trên biển hoặc thanh thải các chướng ngại vật, giúp ngư dân, tàu vận tải hành trình về nghỉ Tết và có những chuyến đi khai Xuân được thuận lợi, suôn sẻ”, ông Hùng nói.

Nguyễn Gia- An Yên
Bình luận
vtcnews.vn