Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy

Đời sốngThứ Năm, 11/02/2021 08:00:00 +07:00
(VTC News) -

Khi mai đào thắm rực trên đường phố, nhạc xuân vang lên mọi ngõ ngách, những phận đời ở tận cùng khó khăn của xã hội lại ao ước có một cái Tết sum vầy.

28 người trong căn nhà xập xệ

"Ôi làng nước ơi, vé... vé số của tui. Lại là tụi nó, tụi mất nhân đức chúng nó lại cướp hết của bà già này rồi...", tiếng gào khóc của cụ bà yếu ớt vang lên giữa dòng xe cộ hối hả, dưới ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường trong đêm tối.

Đó là hình ảnh không khó bắt gặp giữa Sài Gòn sầm uất này, hình ảnh người bán vé số dạo bị cướp đi cả gia tài trong chớp mắt mà không thể nào phản kháng. Vì sao, vì họ là những người neo đơn, những người tật nguyền, những người ở mức tận cùng khó khăn của xã hội. Họ bất lực trong việc dành lại quyền cơ bản nhất của con người.

Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy - 1

Ông Ngô Văn Tiến và các thành viên trong đại gia đình bán vé số dạo.

Tuy nhiên, ở thời điểm mà tình thân và sự sum vầy rạo rực hơn bao giờ hết trong mỗi con người như những ngày cuối năm này, thì hình ảnh trên lại khiến lòng người chứng kiến xốn xang thật nhiều.

Lẳng lặng theo chân bà cụ từ đại lộ Võ Văn Kiệt (Quận 1), từ phía sau, cụ cô độc lê những bước khó nhọc. Qua hết góc phố, người đàn bà tóc bạc trắng đầu rẽ vào ngõ sâu và dừng lại trước căn nhà ọp ẹp (số 24/22A Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, Quận 1) nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang.

Nghe tiếng xe ngừng nổ và ai đó gọi với mình từ phía sau, cụ uể oải quay người lại cười, nụ cười méo xệch: “Đời này vẫn còn người tìm tui sao?". Khi biết vấn đề người đối diện cần tìm hiểu, cụ mếu máo đưa tay quẹt nước mắt và chỉ về căn nhà cũ nát: "Tất cả tụi tui ở đây đều từng bị thế, bị những kẻ mất nhân đức cướp đi cả gia tài ngay trước mặt mà không làm được gì".

Cụ là Đồng Thị Sen, quê Phú Yên. Tuổi đã ngoài 70, cái tuổi nhẽ ra phải được an nhàn để con cháu phụng dưỡng, thế nhưng vì hoàn cảnh cụ buộc phải tha phương cầu thực.

Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy - 2

Cụ Đồng Thị Sen, người từng bị cướp vé số nhiều lần.

Bước vào căn nhà ám mùi ẩm mốc rộng chừng 25m2 được dựng thêm gác xép tạm bợ, hình ảnh 8 cụ già - "tái bản" của người đàn bà vừa bị giật vé số đang chen chúc sinh hoạt như một gia đình khiến tôi giật mình. Họ giống nhau về tuổi già, về nét khắc khổ trên khuôn mặt, về sự kém may mắn khi bị tật nguyền, và về lý do buộc phải tụ họp để nên một gia đình. 

"Đâu có phải chừng này, tụi tui ở đây 28 người, già và yếu nhất thì được ở dưới, mấy người có sức khoẻ hơn chút thì ở trên gác xép. Ai cũng giống ai, người cụt tay, người mất chân, người câm, người điếc... ai cũng có bệnh cả nên sống chẳng sợ ai khinh ai", cụ Sen thở dài.

Khi cụ Sen kể lại việc bị giật vé số, những tưởng mọi người sẽ tỏ ra phẫn nộ, song tất cả lại chỉ thở dài như một điều vốn đã quen thuộc. Thật vậy, trong căn nhà chứa 28 con người kém may mắn này, có người đã bị giật vé số đến chục lần, người ít cũng vài lần.

Lãi 1 nghìn đồng cho mỗi tờ vé số, ngày trời đẹp thì may mắn bán được trăm tờ, ngày ảm đạm có khi chỉ bán được chục tờ. Vậy nên, mỗi khi bị giật vé số thì xem như công sức một tháng các cụ dầm mưa dãi nắng đổ sông, đổ bể hết.

Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy - 3

28 phận đời kém may mắn tựa nương nhau trong căn nhà xập xệ.

"Mỗi ngày tụi tui lấy về từ đại lý khoảng 100 tờ, bán hết thì mừng, dư thì trả lại đại lý. Bình quân một ngày cũng bán được khoảng hơn 50 tờ, lãi 50 nghìn đồng. 

Bản thân tui thì bị tụi nó cướp 3 lần rồi, có lần vừa sáng sớm mới bán được 2 tờ thì bị cướp sạch. Đợt đó tui đang đi trên đường, tụi nó chở nhau trên xe máy xịn, ăn mặc bảnh bao lắm. Chúng dừng lại hỏi mua, tôi còn tưởng bán được kha khá ai ngờ chúng cầm cả xấp lên để chọn rồi vọt xe đi luôn", cụ Nguyễn Thị Lan (83 tuổi, quê Phú Yên) kể lại.

Những lần bị cướp đồng nghĩa với việc các cụ phải cắt đi giờ ăn hằng ngày suốt cả tháng, từ ngày 2 bữa cơm xuống chỉ còn một. Phải đi bán từ 6h sáng đến lúc phố không còn một bóng người.

Nhưng cũng may thay, nơi khốn khổ nhất họ vẫn gặp được những người đồng hương cùng cảnh ngộ sẵn sàng vỗ về nhau. Và rồi, 28 con người kém may mắn tựa nương nhau trong căn nhà xập xệ nằm sâu hun hút trong ngõ nhỏ của trung tâm Sài Gòn.

Ao ước một cái Tết sum vầy

11 năm trước, ông Ngô Văn Tiến (59 tuổi, quê Phú Yên) vào Sài Gòn làm nghề phụ hồ để kiếm sống. Tuy nhiên, sau nhiều lần chứng kiến những người cùng quê làm nghề bán vé số khốn đốn vì chỗ ở khi tha phương, ông tập hợp họ lại và thuê căn nhà này.

Với giá thuê 6 triệu đồng/tháng, ông Tiến chia đều và mỗi tháng mọi người chỉ cần đóng hơn 200 nghìn đồng. Để cắt giảm chi phí ăn uống cho mọi người, ông đưa vợ từ quê vào làm đầu bếp bất đắc dĩ cho đại gia đình này.

Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy - 4

Thành viên sống trong căn nhà là những người neo đơn, những người tật nguyền, những người ở mức tận cùng khó khăn của xã hội.

"Tui là người có sức khoẻ tốt hơn so với mọi người trong nhà này, với cả do có chiếc xe máy cũ nữa nên tui nhận luôn việc chở mọi người đi bán vé số. Tui không có lấy tiền chở, mọi người trả công tui bằng cách bán giúp phần vé cuả tui ngày hôm đó.

Còn vợ tui lo việc đi chợ và nấu ăn trong nhà, mỗi ngày mọi người sẽ đóng 10 nghìn đồng tiền ăn cho 2 bữa cơm. Hiện tại nhà đang 28 người, vậy phải đi chợ và tính toán làm sao để 280 nghìn đồng đủ nấu cho 28 người ăn 2 bữa sáng và chiều tối" ông Tiến nói.

Với số tiền ít ỏi đó, bữa cơm của họ chỉ quay quanh những món quen thuộc như su hào, rau muống và vài ba miếng tóp mỡ.

Hiểu được vợ chồng ông Tiến là người đứng mũi chịu sào cho tất cả những phát sinh xấu, phải tính toán tiền nhà, tiền điện tiền nước đến tiền ăn cho từng người cho nên mọi người đều đồng cảm, nhường nhịn nhau để sống.

"Tui ở đây 6 năm rồi, tụi tui nghèo nhưng biết mình phải sống sao cho đúng, nên ngần ấy thời gian chưa hề có tiếng to tiếng nhỏ gì với nhau. Được vậy là cũng nhờ vợ chồng anh Tiến, vậy là quý hoá lắm rồi", bà Lan hướng đôi mắt cảm kích về phía vợ chồng ông Tiến.

Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy - 5

Căn nhà ọp ẹp, nơi luôn mở cửa chào đón những những phận đời kém may mắn.

Những ngày cuối năm này, khi mai đào thắm rực trên đường phố, nhạc xuân vang lên mọi ngõ ngách, họ cũng ao ước có một cái Tết sum vầy bên gia đình. Đã lâu họ không về quê, họ sợ ánh mắt những đứa con bệnh tật nhìn mình đau đáu, sợ tiếng thở dài thườn thượt của xóm giềng vì biệt xứ bao năm.

Bản thân họ đều là những người có gia đình, song lại là những gia đình không mấy trọn vẹn. Người thì con cái bị tật nguyền phải ở nhà thương điên, kẻ lại vì cuộc sống quá khó khăn không muốn là gánh nặng cho người khác nên dứt áo tìm đường tha phương.

"Ai mà chẳng muốn được sum vầy hả cô, nhưng tụi tui phải biết mình ở đâu để tự biết có nên ước những điều đó hay không. Những ngày gần Tết mọi người cởi mở nhiều hơn, tụi tui vì thế cũng bán khá hơn trong những ngày này.

Cả năm có được mấy ngày như này để bán đâu, nên nếu có về quê thì cũng phải tới tận 28,29 Tết. Mà ngày đó vé xe cao lắm, đi luôn tiền cả tháng dành dụm. Cho nên dù rất muốn về quê để hương khói cho ông bà, để xem tụi nhỏ ở quê ra sao, nhưng rồi phải cắn răng ở lại, để tiền đó gửi về xem như lì xì cho tụi nhỏ", người đàn ông cụt tay, khuôn mặt gầy gò bước xuống khập khiễng từ gác xép nói vội với tôi và rời đi. 

Đối với người đàn ông này, một giây nán lại có thể mất đi cơ hội bán được một tờ vé số. Biết bản thân mình không lành lặn, nên sự cố gắng của ông luôn gấp đôi, gấp ba người bình thường.

Những phận đời ở tận cùng khó khăn và niềm ao ước một cái Tết sum vầy - 6

Vợ ông Tiến (bên phải) trò chuyện với PV VTC News.

Khoảng 3 năm trước, có một vài nhà hảo tâm tìm đến tặng vé xe về quê ăn tết cho mọi người trong nhà, thời điểm đấy căn nhà chứa tới gần 40 người. Năm đó cũng là năm họ cảm nhận được cái Tết ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất sau rất nhiều năm xa quê.

Còn năm nay, khi cả thế giới đều gặp khó khăn vì đại dịch, hiểu được điều đó nên họ không còn dám chờ đợi sự trợ giúp của người khác. Những con người kém may mắn này lại tự nhủ bản thân: "Bao năm đón Tết xa quê rồi, thôi ráng thêm năm nữa có sao...".

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn