Trong những năm gần đây, khi mà người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm nhựa và khí thải carbon, hàng loạt các công ty thuộc nhiều lĩnh vực đã đưa ra các cam kết nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường đồng thời cũng phát triển các sản phẩm tiêu dùng dựa trên các vật liệu sáng tạo, thân thiện với môi trường.
Và chắc chắn hãng Ford cũng không thể đứng ngoài trào lưu đó khi vào đầu tháng 12 năm nay, hãng sản xuất ô tô này đã tuyên bố hợp tác với ông lớn trong ngành đồ ăn nhanhMcDonald để sản xuất linh kiện ôtô được làm cà phê.
Sự hợp tác giữa hai hãng hướng tới mục đích hạn chế khai thác các tài nguyên của Trái Đất, đồng thời tái chế rác thải hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường.
Theo đó, thay vì sử dụng nhựa và bột talc theo cách truyền thống, Ford đã quyết định nghiên cứu và sử dụng vỏ ngoài của hạt cà phê, vốn bị bóc tách và loại bỏ trong quá trình rang xay, cùng với nhựa tổng hợp để tạo ra vỏ đèn pha.
Cô Debbie Miewelski, một lãnh đạo kỹ thuật cao cấp của Ford cho biết nguyên liệu từ vỏ cà phê giúp hốc đèn pha trở nên nhẹ và bền hơn. Thậm chí, phần hốc đèn pha sẽ chịu nhiệt tốt hơn và không bị biến dạng bởi nhiệt khi được sản xuất bằng nguyên liệu này. Cô cũng hi vọng Ford sẽ tiếp tục phát triển và đưa nguyên liệu này vào sản xuất nhiều bộ phận khác của xe hơn nữa.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Ford nghiên cứu các nguyên liệu hữu cơ trong sản xuất linh kiện ô tô. Trước đó vào năm 2011, hãng cũng đã sử dụng bọt được làm từ đậu nành để chế tạo tấm tựa lưng trong xe. Ngoài ra, Ford còn từng tận dụng các nguyên liệu bỏ đi từ bột mì, dừa, cà chua và các loại cây khác để sản xuất linh kiện.
Khi Ford tìm ra công thức sử dụng cà phê để chế tạo các bộ phận của xe, hãng đã quyết định chọn mặt gửi vàng cho hãng McDonald bởi quy mô tầm cỡ của hãng cũng như mục tiêu vì môi trường mà McDonald đã đề ra trước đó.
Bình luận