Lính cứu nạn, cứu hộ - anh là ai?

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 28/08/2022 07:29:30 +07:00

Ngâm mình trong dòng nước lạnh, có khi hôi thối, rà từng mét vuông dưới lòng sông tìm thi thể, trèo lên nhà cao tầng, trụ điện để khống chế kẻ "ngáo đá"...

Đó là công việc của những người lính cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH), Công an TP.HCM. Họ luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy để cùng đồng đội “cứu cái còn trong cái mất”... 

Hiểm nguy chực chờ

Đã 37 năm công tác, Trung tá Đào Quốc Trung - Tổ trưởng Tổ CNCH, Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an TP.HCM, chỉ còn vài tháng nữa là về hưu, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, không khó để nhận rõ sự nhiệt huyết và nhiều điều anh muốn bày tỏ về nghề, về những chuyện vui buồn trong công việc, nhất là với những cán bộ, chiến sĩ trẻ trong nghề CNCH...

“Đây là một công việc vô cùng nguy hiểm và dù rằng không xảy ra thường xuyên, nhưng với mỗi vụ việc, cán bộ, chiến sĩ CNCH luôn phải đối mặt với những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sinh mạng và sức khỏe. Chỉ có những người có lòng yêu ngành, yêu nghề mới có thể gắn bó được”, Trung tá Đào Quốc Trung đúc kết.

Lính cứu nạn, cứu hộ - anh là ai? - 1

Trung tá Đào Quốc Trung (bên trái) trong một buổi huấn luyện cứu nạn cứu hộ cho chiến sĩ trẻ

Vốn là “dân” năng khiếu thể thao, do cái duyên với nghề, anh được đưa đi học Trường Cảnh sát 5 rồi về Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TP.HCM. Dù phòng trải qua nhiều lần tách nhập nhưng Trung tá Đào Quốc Trung hầu như gắn bó với công việc chữa cháy và CNCH ngần ấy năm qua.

Kể lại vụ cháy lớn làm 8 người chết trên đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TPHCM xảy ra chiều 7/5/2021, Trung tá Đào Quốc Trung cho biết cơ quan điều tra xác định vụ cháy là do một người vô ý làm đổ thùng xi vừa nấu xuống sàn nhà, chảy lan ra bếp lửa đang nấu sáp đèn cầy (cách đó khoảng 1m), phía bên trong còn có bình gas để nấu.

Địa điểm xảy ra cháy là hẻm nhỏ, hẻm cụt, nhiều thùng phuy và chất cháy cản trở lối đi và cũng có thể gây cháy nổ thêm. Với tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ khi tiếp cận hiện trường xác định nếu không triển khai đội hình mạch lạc, dứt khoát, phun nước tổng thể để làm mát thì chắc chắn sẽ không thể dập tắt đám cháy và ngăn chặn cháy lan.

Hơn nữa, nếu đám cháy không được dập tắt, bình gas phát nổ cộng với hóa chất thì có thể dẫn đến cháy toàn bộ khu vực. Thậm chí, lúc đó có nhiều chiến sĩ đã vào sâu bên trong, nếu nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của anh em...

Là trinh sát trực tiếp tìm kiếm tại hiện trường, Trung tá Đào Quốc Trung cho biết, sau khi đã đánh giá, nhận định tình hình, các cán bộ, chiến sĩ tại hiện trường đã dũng cảm xông vào nơi nguy hiểm để dập lửa, không để bị cháy lan và lần mò từng ngóc ngách để tìm kiếm, đưa 8 nạn nhân ra ngoài. Một số người bị kẹt trong con hẻm cụt cũng được cán bộ, chiến sĩ phun nước làm mát, hướng dẫn thoát ra ngoài an toàn.

Trung tá Trung nói chiến sĩ CNCH thường xuất hiện trong những điều kiện cực kỳ nguy hiểm và khắc nghiệt. Có khi là ngọn lửa bùng cháy dữ dội, khi lại là dòng nước chảy xiết, bẩn thỉu, vực sâu thăm thẳm hay trên vách tường cao ốc... Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ của đội từ trước đến nay đảm trách nhiều công việc từ chữa cháy, cứu người bị thương, mắc kẹt trong các vụ tai nạn, sự cố, cho đến vớt xác, mò tang vật vụ án, thậm chí cả bắt ong dữ... Vậy nhưng với anh Trung và đồng đội, những năm qua công việc này đã trở thành niềm đam mê, bởi với đặc thù công việc nguy hiểm và độc hại như thế, nếu không có lý tưởng, không có đam mê thì chắc không phải ai cũng có thể gắn bó với nghề.

Dù trải qua thời gian dài tập luyện nhưng không ít lần chiến sĩ CNCH phải đối mặt với tình huống sống còn.  Lần tìm kiếm nạn nhân ở huyện Nhà Bè, anh Trung cùng một đồng đội lặn xuống 30m nước thì đường ống khí thở bị tắc. Anh cùng đồng đội bình tĩnh xử lý, hai người đã dùng chung một ống thở để trồi lên kịp thời...

Lính cứu nạn, cứu hộ - anh là ai? - 2

Cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ kiểm tra phương tiện huấn luyện

Việc các chiến sĩ mới làm nhiệm vụ chưa quen, bị nôn ói, bỏ cơm  sau khi vớt xác trương phình, hôi thối trong các ống cống hay dòng kênh bẩn là chuyện thường diễn ra... Ngoài ra, không ít chiến sĩ CNCH còn phải điều trị phơi nhiễm vì bị dị vật đâm gây thương tích... Với đặc thù công việc như vậy, không chỉ Trung tá Đào Quốc Trung mà các cán bộ, chiến sĩ của đội thường không dễ tìm được nửa kia biết thông cảm và hiểu cho mình. Phải là những người rất thương yêu, thấu hiểu và chia sẻ, thông cảm với công việc của các cán bộ, chiến sĩ CNCH mới có thể gắn bó lâu dài với các anh.

Trung tá Đào Quốc Trung bật mí: “Hồi đang theo đuổi bạn gái (giờ là vợ), tôi giấu không kể chi tiết về nghề nghiệp của mình vì sợ cô ấy lo. Nhiều hôm lặn vào chỗ thối quá, về tắm, chà xà bông mãi cũng không hết mùi, tôi trốn hẹn, ngủ luôn trên cơ quan... Sau này, cưới nhau về, một thời gian sau cô ấy mới biết vì... thấy tôi trên báo”.

“Mỗi lần báo đi công tác là vợ tôi lo lắng”

Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trong Đội Công tác chữa cháy và CNCH đến với nghề một cách tình cờ. Nhưng rồi theo thời gian gắn bó, các anh yêu nghề lúc nào không hay. Chia sẻ về công việc, họ cùng có suy nghĩ ngoài nhiệm vụ là tâm hồn luôn hướng tới việc thiện, việc nghĩa...

Thượng úy Trần Quốc Bảo năm nay 33 tuổi, công tác tại đội đã gần 11 năm. Bảo từng trải qua những lần chạm mặt với nguy hiểm khó quên khi xử lý các nhiệm vụ khó khăn. Anh chia sẻ, ngán nhất là CNCH đối với các nạn nhân đòi tự tử ở trên cao mà phương tiện không với tới được như đỉnh tòa nhà, ngọn cột điện, ban công tầng cao nhất của chung cư...

Trong một lần ở chung cư HQC Plaza, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, một thanh niên bị tâm thần, dùng kéo tự làm bị thương rồi ngồi sát mép ngoài bờ tường tòa chung cư ở lầu 12 đòi tự tử, chỉ nhích chân cỡ 5 tấc là lọt ra ngoài. Lúc Thượng úy Trần Quốc Bảo cùng các đồng đội tiếp cận, thanh niên này tay lăm lăm hung khí và dọa ai vào can thì sẽ ôm người đó nhảy xuống luôn.

Sau khi nhờ người thân khuyên can đủ cách nhưng vẫn không được, chỉ huy quyết định triển khai nệm hơi dưới tòa nhà. Sau đó tiếp tục nhờ người thân lên nói chuyện nhằm “đánh lạc hướng”. Lợi dụng mấy giây thanh niên này nói chuyện với người thân, hai tổ chiến sĩ trong đó có Thượng úy Trần Quốc Bảo và Đại úy Thân Đình Nhu ập tới khống chế thành công và an toàn.

“Những lúc đó, dù vô cùng hồi hộp vì phải đối mặt với sự nguy hiểm do địa hình phức tạp nên không thể gắn dây bảo hiểm để cơ động, chúng tôi phải như bác sĩ tâm lý, vừa bình tĩnh trò chuyện thuyết phục nạn nhân, vừa phối hợp với đồng đội khống chế, giữ an toàn cho đối tượng. Chiến thuật chủ đạo là luôn phải ứng biến và đặt mục tiêu cứu người lên hàng đầu”, Thượng úy Trần Quốc Bảo nói.

Vụ nổ tại căn nhà thuê chứa đạo cụ làm phim, tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa của đạo diễn Lê Minh Phương (Phương khói lửa) khiến 3 căn nhà liền kề bị sập tại quận 3 năm 2013 vẫn còn in sâu trong ký ức nghề của Thượng úy Trần Quốc Bảo.

Lính cứu nạn, cứu hộ - anh là ai? - 3

Lực lượng cứu nạn cứu hộ chuẩn bị phương án giải cứu người đàn ông ở chung cư HQC Plaza, huyện Bình Chánh

Anh nhớ lại: “Khi chúng tôi tới nơi thì chỉ còn lại đống hoang tàn với 14 người bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi cứu sống được 4 người mắc kẹt, tìm được 10 thi thể”. Sau khi  đã tìm được hết nạn nhân tại hiện trường, lực lượng chức năng quyết định dùng máy xúc vào đào hiện trường. Công binh đã phát hiện được 2 thùng lựu đạn đạo cụ có chất nổ... “Không may mà các cán bộ, chiến sĩ CNCH khi đào bới tìm nạn nhân, đào trúng phải số lựu đạn này thì không biết hậu quả sẽ ra sao”, Thượng úy Bảo nói.

Chuyển công tác từ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông về Đội Chữa cháy và CNCH từ năm 2021, Đại úy Thân Đình Nhu cũng đã quen dần với đặc thù công việc của đội. Nhiệm vụ đầu tiên anh tham gia cùng đội là cứu hộ cứu nạn vụ cháy làm 8 người chết tại quận 11 đã kể trên.

“Trong vụ cháy đó, do tất cả nạn nhân đã chết sau khi đám cháy được dập tắt nên chúng tôi chính là những người phải đưa các thi thể nạn nhân ra ngoài. Công việc này khiến tôi ám ảnh, vì trước đó tôi chỉ làm công tác PCCC và CNCH trên sông, ít khi đối mặt với một hiện trường bi thảm như vậy”, Đại úy Thân Đình Nhu chia sẻ.

Trung tá Đào Quốc Trung chia sẻ, mỗi vụ giải cứu đều có sự khó khăn, nguy hiểm và phức tạp khác nhau, nhưng các chiến sĩ PCCC - CNCH vẫn kiên nhẫn thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu đặt lên hàng đầu là cứu người. Làm công việc CNCH đối mặt với nhiều hiểm nguy nên dù hiểu đặc thù công việc của chồng nhưng vợ con các anh cũng không khỏi lo lắng mỗi khi được chồng báo đi công tác. “Mỗi lần tôi báo đi công tác là vợ tôi lo lắm. Lần nào đi hơn 1 ngày mà không gọi về là cô ấy sốt ruột, gọi điện hàng chục cuộc. Có hôm sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi cầm điện thoại mở ra thấy vợ tôi gọi nhỡ hơn 20 cuộc”, Thượng úy Trần Quốc Bảo nói.

(Nguồn: An ninh thế giới)
Bình luận
vtcnews.vn