Siêu dự án thép 10,6 tỷ USD Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen vẫn gây xôn xao dư luận. Bên cạnh những thông tin được người dân quan tâm như liệu dự án có gây ô nhiễm môi trường biển trầm trọng như Formosa hay không, máy móc, công nghệ có phải của Trung Quốc không, cổ đông lại lo ngại vì khoản nợ khủng mà Tôn Hoa Sen sắp sở hữu.
Vay nợ khủng
Siêu dự án thép Hoa Sen Cà Ná được xem là dự án thép lớn nhất Việt Nam từ trước tới bây giờ. Với số vốn đầu tư dự kiến 10,6 tỷ USD (khoảng 237.000 tỷ đồng), Hoa Sen Cà Ná vượt mặt Formosa – dự án được rót khoảng 10 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư cho dự án là 237.000 tỷ đồng nhưng Tập đoàn Hoa Sen không phải “lo” đủ số tiền khổng lồ này vì dự án được chia làm nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn 1, công ty của ông Lê Phước Vũ “chỉ” phải chi 14.000 tỷ đồng.
Với vốn góp chủ sở hữu chỉ là 1.965 tỷ đồng, tổng tài sản 9.523 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối 1.054 tỷ đồng, rõ ràng Tập đoàn Hoa Sen không thể tự thân chuẩn bị số tiền hơn nửa tỷ USD này. Và vay vốn là phương án mà Hoa Sen đưa ra tại Đại hội cổ đông bất thường.
Kế hoạch về vốn mà Tập đoàn này đưa ra là vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng. 11.350 tỷ đồng còn lại sẽ là vốn vay ngắn hạn và trung hạn. Hiện tại, đã có ngân hàng đảm bảo sẽ cung cấp vốn cho siêu dự án này của Hoa Sen.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2016, ngân hàng này đang là “chủ nợ” lớn nhất của Hoa Sen khi cho Tập đoàn này vay hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm tới 48% tổng vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn. Chỉ riêng khoản nợ tại ngân hàng này đã lớn hơn vốn góp chủ sở hữu của Tập đoàn Hoa Sen.
Tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày 6/9, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen khẳng định đã ký thoả thuận cam kết để ngân hàng nói trên rót tiếp 500 triệu USD (hơn 11.100 tỷ đồng) cho Hoa Sen.
Như vậy, với hơn 11.300 tỷ đồng, số tiền mà ngân hàng này cho Tập đoàn Hoa Sen vay đã vượt xa tổng tài sản của Tập đoàn.
Có lao đao?
Ông Lê Phước Vũ cho rằng, siêu dự án Hoa Sen Cà Ná có khả năng sinh “siêu lợi nhuận” và khẳng định: “Trong năm nay, dự tính lợi nhuận và khấu hao đã để lại cho chúng ta hơn 2.000 tỷ đồng. Các năm tới chắc chắn sẽ cao hơn. Như vậy sẽ đủ vốn để đầu tư nhưng chúng tôi sẽ hết sức cẩn trọng và đi vào từng chi tiết một để đạt hiệu quả cao nhất”.
Thị trường chứng khoán đã ghi nhận nhiều trường hợp vì quá tham vọng, tự tin vào dự án mà ồ ạt đi vay nhưng kết quả nhận được lại ngược lại. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức và Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan – mẹ Cường "đô la" là ví dụ điển hình nhất.
Vì gánh nặng nợ nần, trong nhiều năm qua, Quốc Cường Gia Lai luôn trong tình trạng kinh doanh bết bát. Chi phí lãi vay đã “ăn mòn” lợi nhuận của công ty. Để trang trải nợ nần, Quốc Cường Gia Lai thậm chí phải bán dự án nhiều tiềm năng. Không chỉ vậy, công ty còn phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ cho các “chủ nợ” cá nhân. Các chủ nợ cá nhân lớn nhất ở đây là bà Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My.
Lao đao không kém là Hoàng Anh Gia Lai. Trong quý 2/2016, Tập đoàn này thậm chí còn lỗ khủng. Có thông tin cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai đã bán dự án mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành và bán các dự án thủy điện tại Việt Nam cho Bitexco.
Trước hai "tấm gương" bầu Đức và mẹ Cường "đô la", có người đặt ra câu hỏi liệu Hoa Sen có lao đao vì liều mình vay nợ khủng?.
Bình luận