Ông Nguyễn Duy Phổ sinh năm 1958, quê xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, nay là phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Tháng 2/1978, ông lên đường nhập ngũ khi vừa cưới vợ chưa đầy 2 tháng. Khoảng tháng 6 năm đó, ông được điều động sang Campuchia phục vụ chiến đấu.
Cuối năm 1979, sau trận đánh ác liệt, ông Phổ mất liên lạc với đơn vị. Ông được công nhận là liệt sĩ, tên tuổi được vinh danh trong tấm bằng Tổ quốc ghi công mà Nhà nước trao cho gia đình.
Tháng 2/2020, ông Phổ trở về nhà, nơi ông rời đi khi vừa 20 tuổi. Trước mặt thân nhân, người đàn ông tuổi 62 đứng im lặng với bộ dạng tiều tụy, đen đúa, áo quần rách nát, tóc tai lù xù, trí nhớ không toàn vẹn.
Mẹ già 90 tuổi vừa mừng vừa tủi, rơi nước mắt khi thấy con trai. Mọi người trong gia đình đứng thẫn thờ, không tin đây là sự thật. Rồi hàng xóm nghe tin, cả làng chạy đến hỏi han, không ai cầm được nước mắt.
Bà Châu Bích Huệ, người đưa ông Phổ trở về, cho biết, những năm qua người đàn ông này lưu lạc ở Campuchia.
Video: Liệt sĩ quê ở Nghệ An trở về sau 42 năm lưu lạc ở Campuchia
Bà Huệ quê An Giang, khi còn nhỏ có sang Campuchia sống cùng cô ruột là bà Ba Cheét tại huyện Ca Rong Năng, tỉnh Kampong Cham.
"Khoảng tháng 11/1979, cô Ba Cheét trên đường đưa cơm cho bộ đội thì thấy ông Phổ nằm cạnh con suối, bị thương rất nặng ở phần đầu, máu chảy nhiều. Cô dìu ông Phổ lên xuồng, đem về nhà lấy các loại lá, pha nước muối rửa vết thương và dũng cảm lấy được viên đạn trong đầu ông ra", bà Huệ kể.
Được bà Ba Cheét chăm sóc, chữa trị, 7 tháng sau, ông Phổ mới tạm hồi phục nhưng không nhớ bất kỳ điều gì. Quê nhà, tên người thân, tên đơn vị ông đều quên sạch; giấy tờ tùy thân cũng không còn nên bà Ba Cheétkhông thể giúp tìm gốc gác, thân nhân.
Mặt khác, họ ở chốn vùng sâu, vùng xa nên thông tin liên lạc hạn chế. Thương chàng trai trẻ kém may mắn, bà Ba Cheét xin chính quyền nhận làm con nuôi, đặt tên là Nguyễn Văn Hùng.
"Từ đó ông Hùng (Phổ-PV) sinh sống với gia đình và được cô Ba Cheét cưới vợ cho, rồi sinh con", bà Huệ kể lại.
Năm 1980, bà Huệ nhận được tin mẹ mất nên trở về quê nhà An Giang. Năm 2012, bà quay lại Campuchia, gặp lại ông Phổ. Lúc này trí nhớ hồi phục khá tốt, ông viết họ tên và địa chỉ để bà Huệ về Việt Nam đăng tin tìm kiếm đồng đội. Tuy nhiên, do ông viết không dấu, lại sai chính tả nên việc tìm tung tích bất thành.
Năm 2018, tình cờ gặp một người quê Hà Tĩnh, bà Huệ nhờ nhắn có ai ở Hà Tĩnh bị mất người thân tuổi tác như ông Phổ thì gọi điện cho mình. Người này liên lạc với các cơ quan chức năng ở Nghệ An, Hà Tĩnh thì được biết ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có liệt sĩ mà thông tin giống với ông Phổ. Các bên bắt đầu kết nối, liên lạc.
Đầu năm 2020, bà Châu Bích Huệ sang lại Campuchia đưa ông Phổ về Việt Nam gặp người thân. Sau nhiều ngày tìm kiếm và nhờ cậy nhiều người, bà đưa được ông về quê nhà.
Trên đất Campuchia, ông Phổ sống cảnh bần hàn. Hằng ngày, ông cùng con trai lái xe ngựa chở thuê nông sản do dân làng ở huyện Ca Rong Năng, tỉnh Kampong Cham. Vợ ông do sức khỏe kém nên không làm được gì.
Còn người vợ đầu tiên của ông ở Việt Nam là bà Nguyễn Thị Nụ nhận tin chồng hy sinh vào năm 1981. Bà sống cùng gia đình chồng thêm 2 năm thì được cho ra ở riêng để lấy chồng mới. Tuy nhiên sau đó, bà không đi bước nữa và ở vậy đến giờ.
Bình luận