• Zalo

LienVietPostBank muốn đổi tên thành LPBank

Tài chínhThứ Hai, 17/04/2023 16:54:31 +07:00Google News

Cho rằng tên gọi LienVietPostBank nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, Hội đồng Quản trị ngân hàng này dự kiến trình cổ đông phương án đổi tên thành LPBank.

Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa được công bố, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã đưa ra phương án đổi tên viết tắt của ngân hàng từ LienVietPostBank sang LPBank.

Cụ thể, HĐQT ngân hàng này cho biết từ năm 2011 đến nay, ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã sử dụng tên viết tắt, tên viết tắt tiếng Anh chính thức là LienVietPostBank và được dùng trên tất cả văn bản pháp lý, các kênh truyền thông.

Tuy nhiên, theo HĐQT, tên gọi này có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Hơn nữa, xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.

Do đó, HĐQT ngân hàng dự kiến trình cổ đông kế hoạch đổi tên viết tắt thành LPBank. Sau khi được thông qua, HĐQT sẽ quyết định thời điểm chính thức thực hiện việc đổi tên.

Theo kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của LienVietPostBank sẽ được tổ chức vào ngày 23/4 tới tại Khách sạn Ninh Bình Legend (thành phố Ninh Bình). Bên cạnh việc trình cổ đông thông qua kế hoạch đổi tên viết tắt, tại phiên họp này, ban lãnh đạo LienVietPostBank sẽ trình cổ đông thông qua báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch năm 2023 và một số nội dung quan trọng như phương án tăng vốn điều lệ, bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028...

Ngoài ra, ngân hàng sẽ trình cổ đông việc mua/nhận chuyển nhượng/thuê tài sản làm văn phòng trụ sở chính và các chi nhánh/đơn vị kinh doanh.

Hiện tài liệu về kế hoạch kinh doanh năm nay chưa được LienVietPostBank công bố. Theo báo cáo tài chính năm 2022, LienVietPostBank đã thu về gần 5.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 19% kế hoạch, tăng 56% so với năm liền trước và là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Ngân hàng này cũng đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 17.291 tỷ đồng trong năm ngoái thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, nâng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 lên hơn 24.000 tỷ đồng.

Liên quan tới cổ phần sở hữu tại LienVietPostBank, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết theo kế hoạch Sở sẽ tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần LienVietPostBank do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu vào ngày 21/4.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 14/4), HNX không ghi nhận nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua cổ phần. Do đó, theo quy định, phiên đấu giá cổ phần không đủ điều kiện để tổ chức.

Vì vậy, HNX thông báo không tổ chức phiên đấu giá cổ phần của LienvietPostBank do VNPost sở hữu vào ngày 21/4.

 
LienVietPostBank muốn đổi tên thành LPBank - 1

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LPB giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm mà VNPost muốn bán đấu giá. Ảnh: Trading View.

Do thoái vốn bất thành, VNPost đã nhận thêm 18,3 triệu cổ phiếu LPB từ đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% của LienVietPostBank, nâng sở hữu từ 122,2 triệu cổ phần lên hơn 140,5 triệu đơn vị.

Theo kế hoạch trước đó, VNPost sẽ thực hiện bán đấu giá toàn bộ cổ phần nắm giữ tại LienVietPostBank với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn thành công, VNPost dự tính thu về tối thiểu 3.218 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, VNPost cũng từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LienVietPostBank với giá khởi điểm 29.930 đồng/đơn vị, tương đương tổng giá trị hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng không thành công. Trong đợt đấu giá này, chỉ 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua thành công 800 cổ phần LPB từ VNPost với giá đấu bình quân 29.483 đồng/đơn vị.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn