Theo đó các nhà ngoại giao châu Âu đã thông qua gói trừng phạt bổ sung hôm 7/4 nhằm vào Moskva, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga cũng như cấm hầu hết các phương tiện vận tải của nước này vào biên giới EU.
Trước đó, Liên minh châu Âu đã hạn chế áp trừng phạt với lĩnh vực năng lượng Nga sau khi Đức và Hungary phản đối. Một số quốc gia thành viên EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch của Nga.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các quốc gia EU đã tranh luận trong một thời gian dài đối với lệnh cấm nhập khẩu than, cũng như danh sách các trường hợp miễn trừ trước khi thông qua gói trừng phạt mới.
Lệnh trừng phạt mới của EU cũng nhắm vào hơn 10 tổ chức trong lĩnh vực quốc phòng của Nga và 4 ngân hàng đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Lệnh cấm có thể có lợi cho các công ty khai thác Mỹ, khi được kêu gọi tăng xuất khẩu than và nhiên liệu thô sang châu Âu. Tuy nhiên, họ có thể gặp khó khăn trong việc tăng số lượng đơn hàng do các hợp đồng dài hạn và tình trạng nguồn nhân lực.
Gói trừng phạt cũng chưa đủ để một số quốc gia EU hài lòng, đặc biệt là khi châu Âu vẫn tiếp tục mua một lượng đáng kể dầu và khí đốt Nga.
Các quốc gia thành viên EU đồng ý bắt đầu làm việc ngay lập tức để đưa ra gói trừng phạt thứ sáu. Một số quốc gia mong muốn các biện pháp hạn chế về dầu sẽ được bổ sung.
“Việc nhập khẩu than của Nga sẽ bị trừng phạt nhưng quan trọng hơn là Ủy ban châu Âu cần đảm bảo và đa số quốc gia thành viên cần sẵn sàng bắt đầu xử phạt việc nhập khẩu dầu, khí đốt và nhiên liệu hạt nhân”, Đại sứ Ba Lan tại EU, Andrzej Sados nói.
Bình luận