• Zalo

Liên kết sản xuất, mở lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi đá

Thị trườngThứ Sáu, 17/11/2023 06:31:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Thời gian qua, các HTX ở Si Ma Cai, Lào Cai liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm thế mạnh, giúp người dân địa phương thoát nghèo.

HTX nông nghiệp Bản Mế, xã Bản Mế, là điểm sáng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi đá Si Ma Cai. Sau hơn 4 năm hoạt động, HTX đang có quy mô sản xuất trên 20 vạn cây giống/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho hàng nghìn hộ dân trong và ngoài địa phương.   

Nâng cao thu thu nhập

Anh Hoàng Seo Chẩn, dân tộc Mông, người sáng lập, Giám đốc HTX Bản Mế, cho biết HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay đã cung ứng cho người dân hơn 40 vạn cây quế giống, hàng chục vạn cây giống chất lượng cao khác như trẩu (một loại cây dược liệu), sưa đỏ…

Cây quế giống của HTX với sức sống mạnh, khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh cao, tỷ lệ sống đạt trên 97% đang chiếm lĩnh thị trường các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn huyện Si Ma Cai và lan dần sang các huyện vùng cao, biên giới khác của tỉnh Lào Cai như Bắc Hà, Mường Khương…

HTX Bản Mế đang là một trong những điển hình sản xuất ở Si Ma Cai.

HTX Bản Mế đang là một trong những điển hình sản xuất ở Si Ma Cai.

Theo anh Hoàng Seo Chẩn, không chỉ quế, các loại giống cây khác của HTX cũng có khả năng sinh trưởng nhanh, chỉ sau trồng khoảng 3 - 4 tháng đã lên nõn và lá mới, trong khi cây giống cùng loại mua ở nơi khác đem về trồng tỷ lệ sống đạt thấp, phải sau 6-9 tháng mới hồi phục, khả năng sinh trưởng chậm.

Để nâng cao chất lượng cây giống, Ban quản trị HTX đã cất công đi học hỏi nhiều nơi, cập nhật các kỹ thuật canh tác mới nhất để tập huấn, nâng cao trình độ cho thành viên, người lao động.

Đơn cử, với giống quế, HTX lấy giống và học kỹ thuật ươm của người Dao ở vùng sâu Nậm Đét (Bắc Hà, Lào Cai), nơi có thương hiệu quế Nậm Đét nổi tiếng, được cấp chứng chỉ OCOP loại ba sao, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc. 

Hay trong quá trình sản xuất, HTX tiến hành xử lý, lựa chọn hạt giống kỹ lưỡng, sạch bệnh để gieo ươm. Bầu đất ươm cây cũng được chọn lựa kỹ càng, nguồn đất được đào ở tầng sâu, không lấy đất mặt, sau đó sàng mịn, sạch hết rác, xử lý vi sinh để loại bỏ hết bào tử nấm bệnh.

Toàn bộ khu sản xuất giống cây của HTX hiện cũng được trang bị hệ thống lưới, màng bao, tưới nước tự động, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện môi trường… qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hoạt động đầy tính khoa học giúp HTX Bản Mế liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. Hiện, HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/người/tháng, hơn 40 lao động thời vụ, đa số là thanh niên và phụ nữ người dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, HTX còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống cây theo hình thức trả chậm, không tính lãi, cho nhiều hộ gia đình trong xã, tạo điều kiện để họ phát triển rừng, chuyển đổi từ trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quế, nâng cao đời sống.

Tạo sức lan tỏa

Ở Si Ma Cai không chỉ có HTX Bản Mế, mà còn có  HTX Nông nghiệp và dịch vụ Si Ma Cai, xã Cán Cấu. Mô hình sản xuất của HTX đã liên kết được 4 nhà, tạo thành chuỗi giá trị sản xuất cây dược liệu.

Hiện, sản phẩm chủ lực của HTX là cây bạc hà đã được doanh nghiệp Nhật Bản kí kết hợp đồng thu mua để phục vụ chế biến tinh dầu và trà. Nhờ trồng bạc hà, nhiều hộ gia đình tại xã Cán Cấu đã có thu nhập ổn định. Nhiều người dân không phải tha hương để mưu sinh hay phát triển kinh tế.

Các HTX, tổ hợp tác cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Si Ma Cai.

Các HTX, tổ hợp tác cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Si Ma Cai.

Trước đây, cây bạc hà đã có tại xã Cán Cấu, nhưng diện tích còn nhỏ hẹp vì chủ yếu phát triển tự nhiên. Mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu bạc hà do HTX Si Ma Cai đóng vai trò cầu nối đã giúp mở rộng diện tích cây bạc hà, tạo nguồn hàng hóa có giá trị lớn.

Bên cạnh các HTX, các tổ hợp tác trên địa bàn huyện Si Ma Cai cũng đang phát huy hiệu quả. Đơn cử như tổ hợp tác sản xuất lê VH6 an toàn xã Lùng Thẩn, hiện thu hút gần 120 hộ tham gia.

Hoạt động hiệu quả, tổ hợp tác được chọn tham gia dự án hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lê VH6 tại huyện Si Ma Cai bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Được thực hiện dưới sự hỗ trợ của dự án nên trong quá trình canh tác, các thành viên được tập huấn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lê VH6 thành công của THT Lùng Thẩn là cơ sở để huyện Si Ma Cai nhân rộng cách làm, mở rộng diện tích trồng lê VH6, dưa lê VH6 trở thành sản phẩm cây ăn quả ôn đới chủ lực của huyện, hướng tới xây dựng quả lê VH6 trở thành sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh trong tương lai.

PHƯƠNG NAM
Bình luận
vtcnews.vn