47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 24/3 thông qua nghị quyết, mà không cần bỏ phiếu, chỉ trích các lực lượng vũ trang và cảnh sát Myanmar trong "việc sử dụng vũ lực không phù hợp", bao gồm việc sử dụng vũ lực gây chết người.
Nghị quyết cũng nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar khôi phục chế độ dân sự và ngay lập tức trả tự do cho Cố vấn Aung San Suu Kyi.
Theo số liệu của các tổ chức phi chính phủ, hơn 260 người chết trong các cuộc biểu tình sau cuộc đảo chính của quân đội, hơn 2.000 người bị bắt. Trong khi đó, quân đội Myanmar trong tuần này khẳng định họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc "trấn áp tình trạng hỗn loạn".
Quân đội cũng chỉ trích văn bản nghị quyết do Liên minh châu Âu đề xuất là văn bản "bị chính trị hóa, một chiều, thiếu sự công bằng, không được đánh giá độc lập và không đáng tin cậy".
Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Kyaw Myo Htut nói với hội đồng qua video rằng các điều trong nghị quyết là "xâm phạm và không chính xác".
Hôm 24/3, luật sư của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi - ông Khin Maung Zaw, cho biết phiên toà của chính quyền quân sự Myanmar dự kiến xét xử bà Suu Kyi vào hôm nay bị hoãn đến ngày 1/4.
Bà Suu Kyi, 76 tuổi, hiện đối diện với loạt cáo buộc. Trong đó có các cáo buộc như sở hữu máy bộ đàm không có giấy phép, vi phạm các quy định chống dịch COVID-19, vi phạm luật viễn thông và có ý định gây bất ổn cho công chúng.
Bên cạnh đó, chính quyền quân đội Myanmar cũng cáo buộc bà Suu Kyi nhận trái phép khoản thanh toán 600.000 USD tiền mặt cũng như một số lượng lớn vàng. Luật sư của bà khẳng định, đây là những cáo buộc "vô căn cứ".
Cùng ngày, chính quyền quân sự Myanmar bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình. Các nhân chứng, trong đó có luật sư đại diện pháp lý cho các tù nhân, cho biết có khoảng 15 xe buýt chở những người bị bắt giữ rời khỏi nhà tù Insein ở Yangon vào sáng 24/3.
Bình luận