Hôm 24/3, luật sư của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi - ông Khin Maung Zaw, cho biết phiên toà của chính quyền quân sự Myanmar dự kiến xét xử bà Suu Kyi vào hôm nay đã bị hoãn đến ngày 1/4.
Theo luật sư Khin Maung Zaw, phiên tòa hoãn là do trục trặc về việc trực tuyến hình ảnh do chính quyền cắt internet. Cũng theo vị luật sư này, sáng nay đã có nhiều cảnh sát hiện diện trước cổng tòa, và các luật sư không được phép vào. Đến nay, luật sư Khin Maung Zaw vẫn chưa thể nói chuyện riêng với bà Suu Kyi.
Đây là lần thứ hai phiên toà xét xử bà Suu Kyi bị hoãn. Trước đó, phiên tòa được ấn định diễn ra vào hôm 15/3 để xét xử bà Suu Kyi đã bị dời lại cho đến cuối tháng 3.
Bà Suu Kyi, 76 tuổi, hiện đối diện với một loạt cáo buộc. Trong đó, có các cáo buộc như sở hữu máy bộ đàm không có giấy phép, vi phạm các quy định chống dịch COVID-19, vi phạm luật viễn thông và có ý định gây bất ổn cho công chúng.
Bên cạnh đó, chính quyền quân đội Myanmar cũng cáo buộc bà Suu Kyi nhận trái phép khoản thanh toán 600.000 USD tiền mặt cũng như một số lượng lớn vàng. Luật sư của bà khẳng định, đây là những cáo buộc "vô căn cứ".
Phiên tòa xét xử bà Suu Kyi bị hoãn diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạt động Myanmar lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối đảo chính, kêu gọi tiếp tục "đình công im lặng". Trong khi đó, hôm 24/3, chính quyền quân sự Myanmar bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình.
Tình hình bất ổn tại Myanmar bắt đầu hôm 1/2 sau khi xảy ra đảo chính với việc quân đội nước này bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loạt quan chức chính quyền dân sự. Kể từ đó các cuộc biểu tình lan rộng trên nhiều địa phương tại quốc gia Đông Nam Á. Quân đội và cảnh sát nước này triển khai các biện pháp mạnh tay, ngăn chặn người biểu tình.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP) cho biết, ít nhất 2.600 người đã bị bắt và 275 người thiệt mạng từ hôm 1/2. Theo các nhà hoạt động, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Bình luận