Trường Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu thí sinh có mặt tại điểm thi trước 30 phút để làm thủ tục dự thi. Thí sinh bắt buộc đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi, chỉ bỏ khẩu trang khi cán bộ coi thi đối chiếu gương mặt thí sinh với ảnh chụp trên căn cước công dân và hồ sơ dự thi.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Những vật dụng không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xoá, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi, các loại máy ghi âm, ghi hình, truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 với nhiều điểm thay đổi và mở rộng phạm vi.
Đối tượng dự thi là thí sinh học sinh lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ, đóng đầy đủ lệ phí thi theo quy định (160.000 đồng/lần), thí sinh đang không trong thời gian bị cấm thi theo quy định.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "So với năm ngoái, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi này để đăng ký vào trường khác. Hiện có trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Sư phạm Huế, Sư phạm Hà Nội 2... cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi riêng này để xét tuyển vào trường. Cùng với đó, để đảm bảo yếu tố minh bạch, điểm khác năm 2023, nhà trường sẽ công bố công khai đề thi và toàn bộ đáp án".
Trường sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 lên khoảng 20-30% tuỳ từng ngành. Ngoài ra, trường cũng sử dụng bốn phương thức khác như năm ngoái, gồm xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế, xét học bạ THPT, xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Năm 2022, lần đầu tiên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển vào trường. Kỳ thi này cũng được cho là phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh để tuyển chọn được các tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.
Năm ngoái, gần 2.400 thí sinh dự thi hai đến bốn bài thi đánh giá năng lực trong số tám bài gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Tất cả thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội được đăng ký tối đa hai nguyện vọng vào trường. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng hay kết hợp.
Nguyên tắc xét tuyển là theo từng ngành, dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực cộng môn năng khiếu (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên).
Bình luận