• Zalo

Đại học Sư phạm Hà Nội công bố đề minh hoạ kỳ thi đánh giá năng lực 2023

Tuyển sinhThứ Năm, 19/01/2023 11:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2023 giữ ổn định như năm trước, với 8 môn thi theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm.

Kỳ thi đánh giá năng lực của trường năm 2023 gồm 8 môn. Thời gian thi dự kiến một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và 5 hằng năm, sau khi học sinh học xong chương trình THPT và trước khi thi tốt nghiệp.

Ngoài điểm thi chính tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam.

Đối tượng dự thi là thí sinh học sinh lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học; có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ, đóng đầy đủ lệ phí thi theo quy định (160.000 đồng/lần), thí sinh đang không trong thời gian bị cấm thi theo quy định.

Đại học Sư phạm Hà Nội công bố đề minh hoạ kỳ thi đánh giá năng lực 2023 - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

Nội dung các bài thi đánh giá năng lực tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.

Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Đề thi không có câu hỏi mức độ nhận biết do đề thi tốt nghiệp THPT đánh giá được năng lực của học sinh ở mức độ nhận biết (định nghĩa, nhận dạng, liệt kê,...).

Đại học Sư phạm Hà Nội công bố đề minh hoạ kỳ thi đánh giá năng lực 2023 - 2

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội 2023.

Đề minh hoạ các môn:

ToánHoá họcSinh họcLịch sử
Ngữ vănVật lýTiếng AnhĐịa lý

Hiện 7 trường đại học công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển đại học hệ chính quy, gồm: trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, Sư phạm Thái Nguyên, trường Đại học Vinh, trường Đại học Quy Nhơn.

Tất cả thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội được đăng ký tối đa hai nguyện vọng vào trường. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng hay kết hợp.

Nguyên tắc xét tuyển là theo từng ngành, dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực cộng môn năng khiếu (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên).

Năm ngoái, gần 2.400 thí sinh dự thi hai đến bốn bài thi đánh giá năng lực trong số tám bài gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.

Năm nay, tường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh theo 5 phương thức tuyển sinh:

- Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả thi năng khiếu (đối với các ngành có tổ hợp xét tuyển các môn thi năng khiếu).

- Phương thức 2: Xét tuyển thẳng.

- Phương thức 3: Xét tuyển học bạ THPT.

- Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi các môn năng khiếu kết hợp với học bạ THPT.

- Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với học bạ THPT và kết hợp với điểm thi các môn năng khiếu.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn