Với 425 USD, ông Daisuke Inoue (hiện 81 tuổi, ngụ tỉnh Hyogo, Nhật Bản) đã sáng chế ra chiếc máy hát karaoke đầu tiên trên thế giới vào năm 1969 và không thể ngờ rằng nó sẽ phổ biến toàn cầu như ngày nay. Ông còn không cho rằng karaoke là một phát minh, mà gọi nó là "tập hợp một số linh kiện điện tử". Thậm chí, sáng tạo này của Inoue còn chưa đăng ký bản quyền hay được cấp bằng sáng chế.
50 năm kể từ ngày chiếc máy karaoke đầu tiên - Juke 8 - ra đời, phát minh này đã ngày càng có ý nghĩa hơn với thế giới hiện đại. Nó không chỉ dạy người ta ca hát mà còn giúp mọi người giải trí, bớt cô đơn và trở nên gần nhau hơn. Thế nhưng, ông Inoue đã không tính đến việc karaoke từ một cỗ máy giải trí có thể trở thành "hung thần" vì ô nhiễm tiếng ồn.
Thành công nhờ nữ nhân viên hấp dẫn
Sau khi từ bỏ công việc làm công ăn lương tại một công ty chứng khoán để theo đuổi đam mê âm nhạc, ông Inoue chơi trống cho một ban nhạc trong 9 năm liên tiếp. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời về mặt tinh thần nhưng lại khiến ông không một xu dính túi. Ông biết mình sẽ không bao giờ trở nên vĩ đại dù là một tay trống giỏi.
Inoue quyết định trở về quê nhà Kobe ở tuổi 28 và bắt đầu chơi nhạc tại các quán rượu. Một ngày nọ, một doanh nhân ở Kobe tiếp cận Inoue và đặt hàng ban nhạc của ông thu âm một số bài "tủ" cho doanh nhân này tập hát để biểu diễn trong bữa tiệc của công ty. Đó cũng là khi ý tưởng về máy karaoke của Inoue hình thành.
Chiếc Juke 8 đã ra đời chỉ sau 2 tháng và ban nhạc của Inoue bắt đầu thu âm danh mục 300 bài hát phổ biến vào chiếc máy này. Với micro, loa, và bộ khuếch đại, chỉ cần bỏ tiền xu vào, chiếc máy sẽ phát ra những bài hát phổ biến để mọi người hát theo.
“Tôi đã hát bài hát karaoke đầu tiên của mình vào năm 1969. Vào thời điểm đó, tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng nó sẽ được quan tâm bởi bất kỳ ai khác ngoài bản thân mình, nhưng chiếc máy đã được tung ra thị trường vào năm 1971", ông Inoue kể lại với Tạp chí Topic vào năm 2005.
Tự tin về sáng tạo của mình, khi đó, Inoue đã thuyết phục 10 quán bar đặt Juke 8 lên quầy bán hàng. Điều bất ngờ là khi ông quay lại một tuần sau đó, những chủ quán nói rằng chiếc máy hầu như không được sử dụng. Không nản lòng, Inoue nghĩ ra cách khác. Ông đã cử một trong những nữ nhân viên hấp dẫn nhất của mình đến các quán bar và để cô ấy hát một vài bài trên Juke 8.
Ý đồ của Inoue thành công. Người ta không thể chờ đợi để được cầm vào chiếc micro và đến cuối năm đó, hơn 200 cơ sở đồ uống khắp Kobe đều trang bị thế hệ máy karaoke đầu tiên.
Trong vòng một năm, Juke 8 lan rộng trên toàn quốc. Công ty của Inoue sản xuất được 25.000 chiếc và toàn bộ Nhật Bản bị thu hút bởi cơn sốt karaoke. Chẳng bao lâu sau, ban nhạc nào cũng muốn bài hát của họ được phát trên máy karaoke khi nhận ra khoản thu khổng lồ từ tiền bản quyền của mỗi bài hát.
Trong vòng vài năm, công ty của Inoue đã đạt doanh thu 100 triệu USD/năm. Năm 1999, tạp chí Time đã vinh danh Inoue là một trong số 20 người châu Á hàng đầu của thế kỷ XX. Năm năm sau, ông được mời đến Đại học Harvard để nhận giải Ig Nobel vì phát minh ra karaoke và cung cấp một phương pháp hoàn toàn mới để "mọi người học cách bao dung lẫn nhau".
Karaoke du nhập Việt Nam ra sao?
Dù xuất hiện ở Nhật từ 1971, phải đến những năm 1990, máy karaoke mới du nhập vào Việt Nam nhờ sự phát triển trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau Đổi mới.
Từ năm 1992, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản "sang trang", thể hiện ở nguồn vốn ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam ngày càng tăng. Trên cơ sở tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao, quan hệ về văn hóa giữa hai nước cũng nhanh chóng được đẩy mạnh.
Không chỉ truyện tranh Nhật Bản (manga), karaoke nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp và lứa tuổi tại Việt Nam. Các karaoke bùng nổ khắp các đô thị và lan truyền cả về nông thôn.
Hơn 50 năm kể từ khi karaoke ra đời, hòa mình vào đời sống của công chúng và biến mọi người trở thành ngôi sao ca nhạc, phát minh này cũng bắt đầu bộc lộ những tiêu cực lên đời sống hiện đại bởi những tiếng ồn mà nó gây ra. Nhật Bản cũng gặp phải vấn đề này nhưng họ nhanh chóng giải quyết bằng một phát minh mới - thiết bị hát karaoke giảm thanh.
Còn tại Việt Nam, từ một phát minh nhằm giúp mọi người vui vẻ và xích lại gần nhau, karaoke dường như đang khiến nhiều xóm làng, khu phố chia rẽ, trở thành nỗi khổ của nhiều người. Phản ứng ngược này có lẽ là điều mà ông Daisuke Inoue không bao giờ ngờ tới.
Khi nhận giải Ig Nobel trên sâu khấu tại Đại học Harvard vì đã phát minh ra karaoke, thay cho lời phát biểu, ông Inoue đã hát một đoạn của bài hát Tôi muốn dạy cả thế giới hát ca (I'd like to teach the world to sing). Cả căn phòng khi đó hòa ca theo lời hát của Inoue, khiến đây trở thành bài phát biểu được hoan nghênh lâu nhất trong suốt lịch sử của giải thưởng này.
“Tôi muốn dạy cả thế giới hát ca, trong sự hòa hợp hoàn hảo…” (I'd like to teach the world to sing, in perfect harmony...).
Bình luận