Khi những trận gió heo may tràn về cũng là khi những cánh đồng lúa dưới chân đèo Khau Phạ chín vàng.
Đó là thời gian từng bầy chim én, được coi là vật báu của trời, từ phương Bắc bắt đầu cuộc di cư tránh rét xuống phương Nam. Tại Khau Phạ những tay lưới đã phục sẵn đón bắt những đàn én trên đường di cư vạn dặm...
Đèo Khau Phạ, tiếng Thái nghĩa là Cổng Trời, nằm giáp gianh giữa hai huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ được mệnh danh là tứ đại đèo vùng núi phía Bắc, bao gồm các đèo: Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ và Mã Pí Lèng.
Đèo Khau Phạ nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển trung bình, nơi đây như tiếp giáp giữa trời và đất, quanh năm mây mù bao phủ rất ít ngày trời quang mây tạnh. Bởi thế, người dân gọi Khau Phạ là Cổng Trời. Tuy nhiên, từ giữa tháng chín đến giữa tháng mười trên Cổng Trời thường xuất hiện nắng và mây rất mỏng, đó chính là dấu hiệu chuyển mùa, gió bấc bắt đầu thổi kéo theo những đàn chim én từ phương Bắc bay xuống phương Nam tránh rét.
Trên con đường ngàn dặm ấy, đèo Khau Phạ là “cửa khẩu” đón đàn chim én bay về các thung lũng ấm áp nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn: Tú Lệ, Mường Lò...từ đây chúng mới toả ra khắp nơi trước khi theo dòng sông Hồng, sông Chảy về đồng bằng, mùa xuân theo những cánh én mỏng đến với mọi nhà.
Bắt én khi mắc vào lưới |
Những con chim én bé nhỏ chỉ to bằng ngón chân cái từ bao đời nay là người bạn cần mẫn của nhà nông, miệt mài trên khắp cánh đồng từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt bắt những loài côn trùng làm hại mùa màng.
Chim én nhỏ nhoi, nhưng sức bay của chúng thì ít có loài chim nào sánh kịp, chúng mải miết săn bắt côn trùng trên những cánh đồng từ sáng cho đến tối hàng trăm km mỗi ngày, chỉ khi nào quá mệt chúng mới đậu trên những cành cao và dây điện. Đó là những hôm ẩm trời, mù nhiều và khá lạnh mới thấy từng đàn chim ém đậu dài trên dây điện.
Mấy năm gần đây khi phát hiện ra đường di cư của loài chim én, những tay thợ săn dưới chân đèo Khau Phạ ở xã Tú Lệ kéo nhau lên đỉnh đèo săn én. Hàng ngày tại đây có khoảng 7-10 tay lưới tới giăng ở hai phía đỉnh đèo. Họ chọn bãi đất bằng giăng lưới. Mỗi tấm lưới có chiều dài khoảng 4 m, rộng 3 m buộc vào hai thân cây tre nhỏ bằng ngón tay cái.
Mỗi đầu thanh tre đó buộc một sợi dây nối với một chiếc cọc dài chừng 25-30 cm đóng xuống đất, một con chim én mồi bị buộc chân vào một sợi dây cước thả trên khoảnh đất trống đó. Người thợ săn một tay cầm sợi dây giật lưới và một sợi dây cước liên tục giật cho chú én mồi bay lên khỏi mặt đất chừng 60-90 cm để dụ lũ én đang bay ở trên cao lao xuống.
Lưới bắt én giăng ở Cổng Trời |
Trên đường di cư vạn dặm của mình, chim én vừa đi vừa kiếm ăn, khi quay trở lại những cánh đồng phương Bắc cũng là khi mùa xuân ấm áp trở lại, mỗi nơi chúng dừng lại vài chục ngày vừa kiếm ăn vừa sinh sản. Trước khi xuống các thung lũng dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, chim én kiếm ăn dọc dãy núi chừng một tháng ở khu vực Cổng Trời.
Mùa này trên đỉnh đèo Khau Phạ trời quang, mây tạnh và nhiều ngày có nắng nhạt rất phù hợp cho lũ én kiếm ăn trên các tán cây rừng xanh đen hay dưới những trảng cỏ thưa thớt. Mỗi lần người thợ săn giật sợi dây cước khiến con én mồi bay lên khỏi mặt đất, tiếng kêu của nó đã dẫn dụ lũ én sà xuống sát mặt đất, trong tích tắc chiếc lưới trong tay người thợ săn bật lên đổ ụp xuống tóm gọn đàn én, không con nào chạy thoát.
Thợ săn én Lò Văn Đoàn người bản Púng Sủm, xã Tú Lệ tuổi còn rất trẻ nhưng săn én rất điêu luyện. Khoảng hơn một tuần nay Đoàn cùng những thợ săn én lên Cổng Trời giăng lưới không ngần ngại cho tôi biết: Hôm nay, lên đèo Khau Phạ có 7 nhóm, mỗi nhóm hai người, một người giật lưới còn một người bắt én trong lưới, cháu chỉ có một mình thôi vừa giật lưới vừa bắt.
Nhìn én bay trên trời để giật con én mồi dẫn dụ đàn én bay xuống thấp |
Mỗi lưới một ngày bắt được 180-200 con én, giá mỗi con én chúng cháu bán năm nghìn đồng đấy - Đoàn chỉ chiếc lồng nhốt chim én đã bắt được: Có ngày bắt được gần đầy chiếc lồng này, con nào cháu cũng vặt hết lông cánh nếu chúng xổng ra cũng không bay được...
Tôi đến bên Lò Văn Nghĩa, người đang giữ giây giật lưới, hỏi: Chú đứng gần thế này có ảnh hưởng gì không? Nghĩa Cười bảo: Chẳng sao đâu, đàn én không chú ý gì tới chú cháu mình, nó chỉ chú ý con én mồi dưới đất kia thôi...
Theo hướng tay Nghĩa chỉ, tôi ngước nhìn lên đỉnh rừng Khau Phạ, trời xanh như ngọc, én bay liệng trên đỉnh rừng đen xen vào nhau nhiều vô kể tựa như các chớp bạc. Khoảng 5-10 phút tấm lưới của Nghĩa lại bung lên rồi đổ ụp xuống, những con én cánh màu ánh biếc giãy giụa trong lưới kêu liếp chiếp tựa tiếng kêu của gà con nghe thảm thiết lắm. Mỗi lần lưới đổ xuống Hà Văn Hùng lại kêu à ới rất sung sướng chạy tới gỡ con én ra khỏi lưới nhổ lông cánh bỏ vào chiếc lồng tre đặt cạnh đó.
Những thợ săn én trên Cổng Trời không hôm nào vác lưới về không, thợ săn mỗi ngày ít nhất cũng săn được từ 150-200 con én, hôm nào ẩm trời, có nhiều sương mù én ra ít thì mỗi người cũng bắt được 60-70 con. Còn như hôm nay trời trong, nắng nhạt lại se se lạnh én ra nhiều thì mỗi tay lưới bắt được trên 200 con là điều không khó. Con én mồi nào mệt không bay lên nổi thì lập tức bị rút hết lông cánh thay con khác.
Giá mỗi con chim én 5 nghìn đồng |
Cuộc săn én trên Cổng Trời bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều, khi những màn mây mù buống xuống là khi nhưng thợ săn én thu dọn lưới xách lồng én bắt được xuống núi. Họ mang tới bán cho các nhà hàng ở Tú Lệ hoặc bán qua những đầu mối thu gom mang xuống các nhà hàng ở Mường Lò hoặc chuyển về xuôi cung cấp cho các nhà hàng.
Mùa săn bắt én ở Cổng Trời diễn ra trong vòng một tháng, tính ra trung bình 7 cặp thợ săn én mỗi ngày bắt chừng 1.200-2.000 con én thì số chim én họ săn bắt được trong vòng một tháng trên nửa vạn con, một con số khiến chúng ta phải giật mình.
Chim én bị săn bắt trên khắp nẻo đường di cư của chúng, loài chim hiền lành và gần gũi với người nông dân, nhưng hễ thấy chúng ở đâu là đám thợ săn tìm mọi cách săn bắt chúng. Chim én sau khi rời đỉnh rừng Khau Phạ xuống các thung lũng khi vụ mùa đã gặt xong, chúng chao lượn bắt lũ côn trùng bay lên từ các đám cỏ trên đường di cư xuống phương Nam.
Thời gian chúng lưu lại ở các thung lũng này không lâu, chỉ chừng 10-20 ngày, khi chúng quay trở lại cũng là khi mùa xuân đã trở về, lúa xuân xanh ve vé trên khắp cánh đồng.
Lúc này các tay thợ săn én chuyển từ giăng lưới sang làm những cây nêu cao vút, trên những cây nêu đó họ gắn những con én giả làm mồi, bên cạnh đó họ tẩm nhựa vào những chiếc que cắm dọc những cành của cây nêu. Khi lũ én đậu xuống, cánh dính vào nhựa cây không thể bay lên nổi rụng xuống mặt đất như sung chín.
Đám thợ săn chỉ việc nhặt lũ én khốn khổ kêu trong nỗi tuyệt vọng bỏ vào giỏ. Hoặc họ giăng sợi dây thép qua hai cây tre chôn dưới đất, nối với sợi dây thép đó là một sợi dây thép khác với người thợ săn ở dưới mặt đất.
Khi đàn én đậu đông, người thợ săn từ từ kéo sợi dây thép xuống rồi bất thình lình buông ra, sợi dây thép nảy tung lên như sợi dây đàn đập vào lũ én đang đậu trên đó, khiến con bị gãy cánh, con bị cụt chân, con bị đứt cổ... rơi lả tả khắp mặt đất. Không một con nào thoát chết, một kiểu bắt én tàn bạo chưa từng thấy, lông én và máu sau mỗi lần sợi dây thép bật tung làm nhoà mặt ruộng.
Lúc này mùa săn én trên Cổng Trời thật náo nhiệt, các tay lưới chỉ giăng cách nhau chừng 10-15m, mỗi lần giật lưới họ lại reo hò sung sướng. Loài chim bé nhỏ, người bạn gần gũi của nhà nông, loài chim mang thông điệp của mùa xuân sẽ có cả vạn con không qua nổi Cổng Trời, nơi những tay thợ săn đã giăng lưới đón đợi sẵn ở đây để bắt chúng.
TheoThái Sinh - NNVN
Bình luận