Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) vừa ra văn bản yêu cầu ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) thực hiện một số nội dung để lễ hội được diễn ra an toàn, trang trọng, thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, khắc phục hiện tượng phản cảm và thương mại hóa...
Theo đó, Cục yêu cầu ban tổ chức lễ hội đền Trần phối hợp với các cơ quan chức năng có phương án và tổ chức triển khai phân luồng, phân tuyến giao thông; hướng dẫn các phương tiện trong thời gian diễn ra lễ hội tránh xảy ra ùn tắc; bố trí bãi trông giữ phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm ở lễ hội đền Trần. Bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm “đưa tiền lấy ấn”.
Ngoài ra, ban tổ chức phải thực hiện đổi mới phương thức và bố trí khuôn viên rước kiệu phù hợp, đảm bảo không để hiện tượng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn, không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ và có biện pháp khắc phục hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự.
Các phòng chuyên môn, Thanh tra Sở tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Trong trường hợp để xảy ra các hiện tượng phản cảm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tính mạng người tham gia lễ hội, Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về quản lý hoạt động lễ hội theo quy định của Bộ VHTT&DL quy định về tổ chức lễ hội.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và báo cáo kết quả lễ hội gửi về Cục Văn hóa cơ sở trước 9/3/2018.
Đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần
Trả lời PV VTC News về vấn đề vấn đề "tranh cướp ấn" gây tranh cãi ở lễ hội đền Trần, PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển cho rằng, những năm gần đây, việc phát ấn ở đền Trần rõ ràng đang nghiêng về phương tiện thế tục, nghiêng về yếu tố thực dụng.
Theo PGS.TS Lê quý Đức, việc tranh cướp ấn ở đền Trần chính là hành vi vô liêm sỉ. Những người vào được trong khu vực đó phải là đại biểu, những người có chức năng nhiệm vụ nhất định, người làm quan chức đáng ra phải là những người có văn hóa nhất của xã hội, những người phải có ý thức nhất vì được giáo dục lại đi tranh cướp với nhau thì chắc chắn là không có liêm sỉ.
"Ai cũng hiểu, nhiều người cố gắng tranh cướp, mua bán, lấy được ấn đền Trần với hy vọng thăng quan tiến chức, nhận nhiều bổng lộc... Thế nhưng, nếu muốn được làm quan thì anh phải phấn đấu, phải rèn luyện về cả đạo đức và tài năng, về trình độ, phải được Đảng cử dân bầu. Làm quan mà tranh cướp, mua bán được thì không chỉ vô liêm sỉ mà đó còn là hành vi sai trái", PGS. TS Lê Quý Đức nêu ý kiến.
Đầu năm 2017, nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng lên tiếng ủng hộ đề xuất bỏ phát ấn đền Trần vì cho rằng một lễ hội đang ngày càng ít mang tính giáo dục, nhân văn lại bộc lộ nhiều mặt trái như vậy thì không nên tồn tại.
PGS.TS Lê Quý Đức hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần của Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông cho rằng, việc phát ấn là do một số người bịa ra nhằm mục đích cá nhân. Ngày xưa, việc khai ấn chỉ đơn giản như cơ quan hành chính khai xuân làm việc ngày đầu năm mới.
"Lễ hội đang phản ánh đúng bản chất của xã hội chúng ta. Đó là một xã hội còn nhiều kẻ chạy chức chạy quyền, tham ô vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước và nhân dân.
Nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần, tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức. Bởi vậy, đã đến lúc cần loại bỏ nó đi", PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Video: Ban tổ chức lễ hội đền Trần đủ ấn để phát cho du khách
Bình luận