Sáng 25/5, trả lời VTC News, ông Dương Kim Mậu, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 20h30 ngày 24/5, người dân phát hiện hàng chục con lợn chết trôi trên kênh N9 - kênh chảy từ huyện Cẩm Xuyên sang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
"Số lượng lợn chết được phát hiện khoảng 25-27 con, mỗi con nặng tầm 20 – 40kg. Trên địa bàn không có tình trạng lợn chết, chắc chắn số lợn này từ các địa phương khác chảy về", ông Mậu thông tin.
Sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Thạch Hà chỉ đạo các phòng, ngành chuyên môn trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo địa phương các biện pháp tiêu hủy, tiêu độc khử trùng,
UBND huyện yêu cầu các địa phương kiểm tra chặt chẽ dòng chảy, vớt lợn chết trôi nổi để hạn chế dịch bệnh lây lan theo nguồn nước. Ngoài ra, lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm trên xác lợn để xác định các loại dịch bệnh.
Thạch Lạc là xã cuối nguồn kênh N9 nên vào các thời điểm Công ty TNHHMTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh mở nước phục vụ sản xuất, đoạn kênh chảy qua địa bàn thường bị rác thải, xác động vật dồn ứ, cản trở dòng chảy.
Nước bắt đầu chảy về địa bàn cách đây ít hôm nhưng đến ngày 24/5 mới thấy tình trạng lợn chết xuất hiện.
Cùng nguồn kênh N9, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng xuất hiện tình trạng lợn chết trôi trên kênh. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã này, ông Nguyễn Thanh Long cho hay, chưa thể khẳng định lợn chết từ đâu trôi đến. Chỉ biết, kênh N9 chảy từ các xã Cẩm Yên, Cẩm Hòa thuộc huyện Cẩm Xuyên sang.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được thông tin, huyện lập tức chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới người dân để chủ động phòng chống dịch; xử lý tình trạng rác thải trên kênh và vớt lợn chết trôi nổi trên các dòng chảy khi phát hiện được.
Đồng thời chỉ đạo chốt kiểm dịch tại xã Thạch Hội thực hiện tốt nhiệm vụ 24/24 giờ (chốt kiểm dịch được lập ngày 23/5); đối với số lợn đã đến thời kỳ tiêu thụ thì phải bán và không tăng đàn, tái đàn; nếu phát hiện lợn bị dịch bệnh thì khẩn trương tiêu hủy, khoanh vùng dập dịch.
Trước đó, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) sau đó thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) được xác định là ổ dịch thứ 2. Cách đây ít ngày, tại xã Cẩm Nam (Cẩm Xuyên), một số lượng lớn lợn cũng bị chết, chưa rõ nguyên nhân.
Bình luận