• Zalo

Lầu Năm Góc: Xung đột Ukraine bộc lộ hạn chế ngành sản xuất đạn dược của Mỹ

Quân sựThứ Tư, 01/03/2023 10:10:19 +07:00Google News
(VTC News) -

Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đã bộc lộ những điểm yếu khi việc sản xuất số lượng lớn đạn dược không đáp ứng được nhu cầu.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 28/2, ông Colin Kahl - Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Lầu Năm Góc nói, từ những gì đang diễn ra trong cuộc xung đột Ukraine cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng nước này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất đạn dược.

Ông Kahl cũng cho biết Lầu Năm Góc đang đầu tư nhiều hơn vào việc bổ sung nguồn dữ trự đạn dược cho quân đội. Thứ trưởng Kahl tin tưởng rằng các khoản đầu tư hiện tại có thể đáp ứng được những tình huống an ninh bất ngờ liên quan đến Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang đầu tư nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung viện trợ vũ khí cho Ukraine, ông Kahl nói thêm.

Lầu Năm Góc: Xung đột Ukraine bộc lộ hạn chế ngành sản xuất đạn dược của Mỹ - 1

Binh sĩ Ukraine vứt các vỏ chứa đạn pháo 155 mm do Mỹ và đồng minh viện trợ. (Ảnh: Sputnik)

Trong phiên điều trần trên, khi được các thành viên Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ hỏi sự hiện hiện của các cố vấn CIA (Cơ quan tình báo trung ương Mỹ) ở Ukraine, ông Kahl đã từ chối bình luận về vấn đề.

Khi được hỏi về khả năng chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine, Thứ trưởng Kahl cho biết Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp tới 128 máy bay chiến đấu thế hệ 4, trong đó bao gồm F-16, F-15 và cả F/A-18. Tuy nhiên ông lại không nói rõ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có chấp nhận đề xuất này hay không.

Cũng theo ông Kahl, Lầu Năm Góc ước tính trong dài hạn Ukraine có thể sẽ cần đến 50 đến 80 chiếc tiêm kích F-16, đủ để cho Kiev xây dựng lại một phần lực lượng không quân.

Ông Kahl giải thích rằng việc sản xuất máy bay F-16 mới cho Ukraine sẽ mất từ ​​3 đến 6 năm để giao hàng, nhưng Mỹ có thể chuyển giao sớm những chiếc F-16 đã qua sử dụng cho Kiev trong khoảng 18 đến 24 tháng.

Tuy nhiên, ông Kahl cũng nhấn mạnh rằng nếu chuyển giao số lượng lớn chiến đấu cơ cho Ukraine, F-16 sẽ khiến một phần lớn ngân sách viện trợ bị tiêu hao trong khi Kiev đang cần bổ sung hệ thống phòng không, pháo binh và phương tiện chiến đấu bọc thép.

Cho đến nay Mỹ đã cam kết hỗ trợ quân sự hơn 32 tỷ USD cho Ukraine trong hơn 1 năm qua. Trong đó bao gồm 38 hệ thống pháo phản lực HIMARS, một đơn vị tên lửa phòng không Patriot, 8 hệ thống phòng không NASAMS, 31 xe tăng M1 Abrams, 109 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 8.500 tên lửa chống tăng Javelin, 232 lựu pháo và 1.600 tên lửa phòng không Stinger,

Theo một tuyên bố của Lầu Năm Góc vào tuần trước, quốc hội Mỹ đã thông qua hơn 100 tỷ USD hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong 12 tháng qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố nước này sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết.

Ở một chiều hướng khác, một quan chức NATO giấu tên nói với Sputnik rằng các nước thành viên liên minh đang cảm thấy lo lắng khi xung đột tiếp tục leo thang trong khi đó kho dự trữ đạn dược đã giảm xuống mức thấp nhất. Điều này đang ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của NATO khi có xung đột.

Trong khi đó, David T. Pyne, cựu sĩ quan quân đội Mỹ nói với Sputnik rằng quyết định viện trợ một số lượng lớn vũ khí sang Ukraine đã khiến quân đội Mỹ "thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống vũ khí quan trọng bao gồm tên lửa, rocket và đạn dược mà nước này sẽ cần trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn