Theo đó, hôm 8/8, Lầu Năm Góc cho biết lô vũ khí mới nhất với trị giá 1 tỷ USD đã được Tổng thống Joe Biden phê duyệt cho Ukraine. Gói sẽ cung cấp nhiều đạn cho các bệ phóng của hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ đã gửi tới Ukraine, cũng như 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, thuốc nổ C-4, mìn sát thương Claymore và hàng chục nghìn đạn pháo phòng không...
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch cung cấp 50 xe điều trị y tế bọc thép, cùng với nhiều vật tư và thiết bị y tế cho Ukraine.
Đến nay, Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt khoảng 9,8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021, trong đó 9 tỷ USD là tính từ thời điểm Nga khởi phát chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hồi tháng 5, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ mới tổng thể 40 tỷ USD cho Ukraine sau khi nhất trí cung cấp 13,6 tỷ USD trước đó.
Lầu Năm Góc cho biết: “Để đáp ứng các yêu cầu trên chiến trường của Ukraine, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của mình cung cấp thêm khí tài cho Ukraine. Gói viện trợ mới nhất bao gồm các loại vũ khí mà người dân Ukraine đang sử dụng rất hiệu quả để bảo vệ đất nước của họ".
Các quan chức Ukraine đã quảng cáo về tính hiệu quả của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất, gọi đây là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" trên chiến trường. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 6 trong số 16 bệ phóng HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, cũng như nhiều kho dự trữ đạn dược khác.
Theo CBS News, chỉ có khoảng 30% số vũ khí mà Mỹ và các đồng minh gửi tới Ukraine đã thực sự đến được tay binh sĩ nước này.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Bình luận