RT dẫn lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 20/7 cho biết Ukraine sẽ được Washington viện trợ thêm 4 hệ thống phản lực tầm xa cơ động cao HIMARS, một phần trong gói hỗ trợ an ninh tiếp theo.
"Cuối tuần này, chúng tôi sẽ cho công bố gói viện trợ vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự tiếp theo cho Ukraine", Bộ trưởng Austin nói trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng về Ukraine do Mỹ dẫn đầu.
Bộ trưởng Austin nhấn mạnh một phần của gói viện trợ mới sẽ bao gồm các hệ thống rocket tầm xa HIMARS đang được quân đội Ukraine sử dụng hiệu quả và tạo ra sự khác biệt trên chiến trường, kèm theo đó số lượng lớn đạn rocket dành cho hệ thống vũ khí này.
Theo Lầu Năm Góc, cùng với gói viện trợ vũ khí mới, Mỹ đã chuyển giao Ukraine tổng cộng 16 hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov nói với tờ Financial Times rằng Kiev tin tưởng phương Tây sẽ gửi thêm viện trợ vũ khí cho nước này, bao gồm cả các loại đạn tên lửa chiến thuật có tầm bắn lên đến 300 km HIMARS. Ông này còn mô tả các hệ thống rocket do Mỹ sản xuất như một thứ vũ khí thay đổi cục diện chiến trường.
Các hệ thống HIMARS của Ukrai hiện tại có thể bắn rocket dẫn đường ở cự ly tới 80km nhưng chúng cũng có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật ở khoảng cách lên tới 300km. Washington trước đó cho biết họ sẽ không cung cấp cho Ukraine các tên lửa này vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, khiến xung đột giữa Kiev và Moskva leo thang nghiêm trọng.
"Tôi nghĩ đó là một chuyển động từng bước. Chúng tôi cung cấp cho đồng minh bằng chứng rằng chúng tôi có thể sử dụng nó một cách hiệu quả, Ukraine sẽ được viện trợ nhiều đạn rocket hơn và có tầm bắn xa hơn", ông Reznikov nói.
Tuy nhiên, người phát ngôn lực lượng vũ trang của nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR), ông Eduard Basurin cho biết Mỹ có thể đã viện trợ đạn tên lửa tầm xa cho Ukraine từ trước đó. DPR đã tìm thấy các mảnh đạn có tầm bắn từ 110km đến 120km của HIMARS, điều đó có nghĩa là Kiev đã có trong tay loại vũ khí này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong phát biểu ngày 20/7 cho biết việc phương Tây kiên trì cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa, bao gồm cả HIMARS đã buộc Moskva phải xem xét lại các mục tiêu của hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng.
"Chúng tôi không cho phép bất kỳ vũ khí nào trên phần lãnh thổ Ukraine, do ông Zelensky kiểm soát hoặc ai đó thay thế ông ta kiểm soát, gây ra mối đe dọa trực tiếp cho lãnh thổ của chúng tôi hoặc lãnh thổ của các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng hay những người muốn quyết định tương lai của họ một cách độc lập", ông Lavrov nhận định.
Theo ông Lavrov, khu vực địa lý thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine đã rất khác kể từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3/2022.
“Hiện nay, khu vực địa lý đã thay đổi. Nó không chỉ bao gồm các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở khu vực Donbass mà còn ở khu vực Kherson, Zaporizhzhia cũng như một số vùng lãnh thổ khác và quá trình này sẽ tiếp diễn một cách ổn định và lâu dài", Ngoại trưởng Nga tuyên bố.
Bình luận