Công ty của Elon Musk ban đầu tự bỏ tiền túi tài trợ cho chương trình, sau đó thoả thuận hợp đồng với một cơ quan chính phủ khác của Mỹ.
“Thông tin liên lạc vệ tinh cấu thành một lớp quan trọng trong mạng lưới thông tin liên lạc tổng thể của Ukraine và bộ đã ký hợp đồng với Starlink cho các dịch vụ thuộc loại này", Lầu Năm Góc cho biết, đồng thời nói thêm họ đang nỗ lực để đảm bảo Kiev “có khả năng liên lạc và vệ tinh linh hoạt cần thiết”.
Tuy nhiên, Mỹ từ chối tiết lộ bất kỳ chi tiết nào của hợp đồng, với lý do “an ninh hoạt động” và “tính chất quan trọng của các hệ thống này”.
Theo Bloomberg, hợp đồng có khả năng được thực hiện theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), trong đó Washington mua vũ khí, đạn dược và các thiết bị khác cho quân đội Kiev từ các công ty tư nhân. Lầu Năm Góc đã đề cập đến một quỹ dành cho “thiết bị đầu cuối và dịch vụ” vệ tinh vào tháng 12, nhưng không nói rằng công ty của ông Musk sẽ được trao hợp đồng.
Starlink bao gồm hơn 4.000 vệ tinh liên lạc trong quỹ đạo thấp của Trái đất. Công ty của ông Musk đã cung cấp dịch vụ cho chính phủ ở Kiev vào tháng 2 năm ngoái, khi cuộc xung đột với Nga leo thang, và đã tài trợ thông qua các khoản quyên góp tư nhân trong nhiều tháng. Vào tháng 10/2022, Musk tiết lộ rằng nỗ lực này tiêu tốn 20 triệu USD mỗi tháng và không thể duy trì vô thời hạn.
Trong khi các quan chức Mỹ và Ukraine ca ngợi Starlink là "người thay đổi cuộc chơi" trên chiến trường, thì Musk đã thực hiện các biện pháp để hạn chế mức độ mà Kiev có thể "vũ khí hóa" dịch vụ này. Sử dụng Starlink để liên lạc giữa các đơn vị quân đội là một chuyện, nhưng sử dụng nó để điều khiển máy bay không người lái nhắm sâu vào bên trong nước Nga có thể gây ra Thế chiến III, Musk giải thích vào tháng 2.
Nga cũng đã lên tiếng về SpaceX. Đầu năm nay, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Vorontsov cho biết tại một hội nghị kiểm soát vũ khí rằng “cơ sở hạ tầng không gian gần dân sự” được sử dụng cho mục đích quân sự là một hình thức chiến tranh ủy nhiệm và những tài sản không gian như vậy có thể phải đối mặt với “sự trả đũa”.
Tuy nhiên, vào tháng trước, cựu giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết Nga khó có thể bắn hạ các vệ tinh Starlink vì đó sẽ là một hành động chiến tranh, mặc dù Moskva có "tất cả các phương tiện cần thiết" để làm như vậy.
Bình luận