• Zalo

Lật tẩy sự phi lý của 'đường lưỡi bò' trên Biển Đông

VideoThứ Bảy, 31/05/2014 08:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Với "đường lưỡi bò", Trung Quốc không đưa ra bất cứ một lời giải thích, chứng cứ lịch sử và pháp lý nào và nó chưa bao giờ được thế giới công nhận.

(VTC News) - Với "đường lưỡi bò", Trung Quốc không đưa ra bất cứ một lời giải thích, chứng cứ lịch sử và pháp lý nào và nó cũng chưa bao giờ được thế giới công nhận.

Nếu như chúng ta xâu chuỗi lại vụ việc từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cho đến các vụ trắng trợn cắt cáp tàu Bình Minh 1, Bình Minh 2, tàu Viking 2 của Việt Nam và đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và những vụ gây hấn với hầu hết các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, tất cả những hành động này, Trung Quốc đều dựa vào một cơ sở có tên là "đường lưỡi bò". 
Nhiều người hay gọi đó là "đường 9 đoạn" nhưng thực ra cách gọi này cũng chưa thực sự chuẩn xác. Bởi ngay cả Trung Quốc cũng không nhất quán khi tự mình vẽ ra đường đứt đoạn này, lúc là 9, lúc là 11 và đến thời điểm này thì đang là 10 đoạn.
Video: Vì sao Trung Quốc ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp?
VTV

Như một nhà bình luận quốc tế đã nhận xét "Cái gọi là đường đứt đoạn này giống như là một ai đó lấy một cái bút chì kẻ ra một đường đứt đoạn gần như là bao trùm toàn bộ Biển Đông rồi sau đó tuyên bố đó là chủ quyền của mình.
Với "đường lưỡi bò", Trung Quốc không đưa ra bất cứ một lời giải thích, chứng cứ lịch sử và pháp lý nào và nó cũng chưa bao giờ được thế giới công nhận.
Sự phi lý của "đường đứt đoạn" trên Biển Đông
Dưới đây là 3 tấm bản đồ Trung Quốc gọi là đường biên giới quốc gia trên biển của họ, chủ quyền quốc gia nhưng lại không nhất quán, không liên tục và được họ lý giải là để chờ cho những điều chỉnh trong tương lai.
Bản đồ đường đứt đoạn đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ các đảo nam Trung Hoa được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Quốc xuất bản năm 1947. Lúc này, nó có 11 đoạn không liền nhau, không hề có một tọa độ, lời chú thích nào về việc tại sao lại vẽ như vậy.
Bản đồ đường đứt đoạn đầu tiên với 11 đoạn, xuất hiện năm 1947

Năm 1953, bản đồ đứt đoạn đầu tiên đã bị bỏ bớt đi 2 đường trên vịnh Bắc Bộ, chỉ còn 9 đoạn, không một lời giải thích tại sao lại bỏ ra 2 đoạn này. Đây chính là tấm bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009 và tự tuyên bố rằng nó được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này không hề có một quốc gia nào thừa nhận đường đứt đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra này.
Bản đồ đường đứt đoạn với 9 đoạn, xuất hiện năm 1953 

Năm 2013, cơ quan đo đạc bản đồ thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc công bố một bản đồ mới và tuyên bố rằng lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện rõ các đảo ở Biển Đông trên tấm bản đồ này. Chỉ có điều lần này, đường lưỡi bò của Trung Quốc lại thành 10 đoạn và cũng như lần trước cũng không hề có một lời giải thích vì sao 9 đoạn lại trở thành 10 đoạn?
Bản đồ đường đứt đoạn với 10 đoạn, xuất hiện năm 2013 

Ngay cả Trung Quốc cũng chưa nhất quán lập luận của mình liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông thì với các học giả rất khó lý giải cơ sở pháp lý của họ ở đâu để mà có thể tuyên bố chủ quyền như vậy.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao 

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết "Trung Quốc thường nói cơ sở duy nhất khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò" của họ là việc họ đưa đường lưỡi bò này ra năm 1947 mà lúc đó không có ai phản đối. 

Nhưng phải khẳng định một điều khi Trung Quốc đưa ra đường này thì không có lời giải thích tọa độ nó là gì, ý nghĩa của nó ra làm sao và họ yêu sách cái gì trên đường này. Vì vậy, thế giới không thừa nhận, họ cho rằng đây là con đường không chính thức do tư nhân vẽ ra và không có giá trị pháp lý nào cả. 

Vì vậy, người ta không có ý kiến phản đối. Cho đến ngày nay, Trung Quốc chưa đưa ra được lời giải thích nào rõ ràng về con đường phi lý này.

Trong công hàm Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc để công bố một cách chính thức con đường này thì họ đưa ra khái niệm mập mờ, không có trong luật pháp quốc tế. Ví dụ như "vùng nước kế cận" hay "vùng nước có liên quan", những khái niệm không ai hiểu nó là cái gì. Bản thân các học giả Trung Quốc cho đến nay cũng không lý giải được con đường này như nào. Ít nhất, theo tôi được biết, có 4 cách giải thích khác nhau về con đường này và trong đó không có cách giải thích nào phù hợp với luật pháp quốc tế. 
 
Cho đến ngày nay, Trung Quốc chưa đưa ra được lời giải thích nào rõ ràng về con đường phi lý này.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn
 

Một đường lưỡi bò với yêu sách chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, chưa cần bàn đến việc nó có cơ sở pháp lý dựa trên công ước luật biển hay không, người ta cũng nhận thấy sự phi lý của nó. 

Bởi vì nó chiếm quá nhiều diện tích Biển Đông, hơn nữa lại đi vào sát bờ biển của các quốc gia khác. Một số học giả các nước nói đùa rằng "Nếu muốn đi bơi ở ngoài biển cũng phải xin phép Trung Quốc" nếu con đường này biến thành yêu sách thực sự của Trung Quốc".
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có bất kỳ quốc gia nào công nhận cái gọi là "đường đứt đoạn", ngay cả Trung Quốc cũng chưa từng đưa ra bất cứ lý giải nào kể cả về lịch sử và cơ sở pháp lý để bảo vệ cho tuyên bố của mình. 
Học giả quốc tế bác bỏ "đường đứt đoạn"
Richard P.Cronin, GĐ Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson. 
"Theo luật quốc tế, đường 9 đoạn không có một cơ sở thực sự nào cả, hầu hết các chuyên gia luật quốc tế hoặc chuyên gia về biển đều tin rằng Trung Quốc không thể biện minh đường 9 đoạn bằng bất cứ cách nào trên ánh sáng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển năm 1982, đặc biệt là các quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình"
Richard P.Cronin, GĐ Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson.
"Tôi cho rằng, đường 9 đoạn không phù hợp với luật quốc tế, không hiểu sao ở Trung Quốc, họ nhìn bản đồ, sau đó lấy một cây bút chì và vẽ ra đường 9 đoạn kiểu vậy. 

Tôi nghĩ đó là ý chí của một số người, họ cho rằng 80% diện tích của Biển Đông là của họ và họ lấy bút chì vẽ ra đường 9 đoạn và gọi đó là lãnh thổ của mình" - Giáo sư Dmitry Valentinovich Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam ÁÚc và Châu Đại Dương.

 
Không hiểu sao ở Trung Quốc, họ nhìn bản đồ, sau đó lấy một cây bút chì và vẽ ra đường 9 đoạn và gọi đó là lãnh thổ của mình"
Giáo sư Dmitry Valentinovich Mosyakov
 
"Vấn đề là yêu sách chủ quyền với toàn bộ Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn hầu như không có giá trị pháp lý nào. Họ nói về chủ quyền không thể tranh cãi, họ nói về quyền trong lịch sử Cổ Đại với Biển Đông, họ chưa bao giờ giải thích nó là cái gì. 

Tôi có trao đổi với một vài học giả Trung Quốc thì họ nói Trung Quốc sẽ lấy lại Biển Đông nhưng mà trước đó, họ đã có nó đâu mà lấy lại" - Tiến sỹ Leszek Buszinski, Đại học Anh ninh Quốc gia Australia.
"Xuất phát từ sự mập mờ của đường 9 đoạn cũng như những vi phạm rõ ràng của đường này đối với luật pháp quốc tế bao gồm cả luật điều ước và luật tập quán, tôi coi đường 9 đoạn như một mối đe dọa đối với an ninh dầu mỏ của toàn khu vực Châu Á nói chung. 

Những gì chúng ta nhìn thấy hiện tại, đó là Trung Quốc đang mong muốn biến đường 9 đoạn trở thành căn cứ pháp lý duy nhất đáp ứng được những lợi ích của mình. Nhưng đồng thời cũng cho phép Trung Quốc bỏ qua luật pháp quốc tế. Đó rõ ràng không phải là cách thức để có được sự ổn định" - Ông Gregory Poling, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ.
Video: Học giả Australia bác bỏ luận điệu của Trung Quốc
VTV
Chính học giả Trung Quốc cũng không hiểu nổi "đường đứt đoạn"
Không chỉ các học giả thế giới mà ngay cả học giả Trung Quốc cũng không thể hiểu nổi dựa trên cơ sở nào mà chính phủ của họ tuyên bố chủ quyền ở "đường đứt đoạn". 
Lúc này, khi mà Trung Quốc ngày càng hành xử quyết đoán hơn với các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thì mọi tiếng nói mang tính chất khoa học về "đường lưỡi bò" đều bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ghi lại được những ý kiến sau đây của các học giả Trung Quốc tại hội thảo "Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế" được viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức ngay tại Trung Quốc, tháng 6/2012.
Tại hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa, Trung tâm hải dương Trung Quốc đã nêu rõ "Từ xưa đến nay, trên thế giới không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Đường 9 đoạn trên Nam Hải là hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 9 đoạn mà không hề có kinh độ và vĩ độ cụ thể cũng chẳng có căn cứ pháp lý".
Ông Trương Thử Quang, giáo sư viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng nội hàm công ước LHQ về luật biển năm 1982 là phân định bố cục lại vùng biển để mỗi quốc gia ven biển đều có thể có 200 hải lý, thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển để toàn nhân loại đều hướng tới con đường cùng nhau giàu có. 
Đó cần là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước chung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải. Nước ta là quốc gia đã ký công ước LHQ về luật biển năm 1982 thì chúng ta cần xử lý mọi việc theo tinh thần công ước, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình.
Giáo sư Thời Đoạn Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng "Toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây, báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu".

P.V(Video VTV)
Bình luận
vtcnews.vn