Các nhà sư mặc áo choàng ngồi bình thản trong một vạt dầu sôi lớn và không hề hấn gì. Khi các bài kinh kệ vang lên từ loa phát thanh, một người trợ lý sẽ quạt lửa. Trong khi đó, những người khác cầm các lễ vật dâng lên để cho nhà sư dùng quyền trượng chạm vào. Họ tin rằng những vật được ông chạm đến sẽ trở thành một lá bùa mang lại may mắn cho những ai sở hữu chúng.
Cảnh tượng được xem như phép lạ của một nhà sư chịu được sức thiêu đốt của dầu sôi làm cho các Phật tử Thái thêm choáng ngộp. Tin tức về “phép lạ” này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Các tu viện ở Nong Bua Lamphu nhận được nhiều đóng góp từ từ những người mộ đạo, chủ yếu là những người nông dân nghèo muốn "đổi đời" nhờ phép màu của các nhà sư. Những chai “dầu thánh” của nơi này được bán đắt như tôm tươi.
Theo ông Jessada Denduangboripant, giảng viên sinh học tại ĐH Chulalongkom ở Bangkok, câu chuyện thật ra chẳng có gì màu nhiệm. Ông cho biết đây chỉ là một trò lừa của các nhà sư dỏm, trục lợi trên sự cả tin của một bộ phận người Thái. Khi xem các đoạn băng ghi hình, Jessada nhận thấy vạt "dầu sôi" có hình dạng kỳ lạ. Vạt trông như một cái thùng to, có vành phẳng gắn phía trên trông như chiếc đĩa bay úp ngược. Ông phỏng đoán bên trong vạt dầu thật ra có một lớp cách nhiệt.
Trong phòng thí nghiệm của mình, ông Jessada đổ nước và dầu cọ vào nửa lọ và đặt trên một cái đĩa nóng. Một lúc sau, ông nhúng ngón tay của mình vào lớp dầu phía trên mà không chịu thương tích gì. Lớp nước ở phía dưới đã hấp thụ nhiệt. Nước được đun lên tạo các bọt khí bay lên, tạo cảm giác như dầu đang sôi. Jessada cho biết: “Nhiều nhà sư đã sử dụng cách này để lừa những người cả tin. Họ bôi nhọ Phật giáo bằng cách lừa dối để được danh tiếng và tài sản”.
Các giảng viên đã đăng tải những phát hiện của mình trên các phương tiện truyền thông. Họ còn tham gia một chương trình truyền hình nổi tiếng để lật tẩy trò lừa bịp.
Nhà sinh vật học này là một trong những nhà truyền bá khoa học phổ thông nổi tiếng nhất Thái Lan. Ông mở một kênh Youtube mang tên Wittaya Tasawang (“Mở mang tầm mắt bằng khoa học”). Jessada đã thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều năm để vạch trần những trò lừa về “phép lạ” và hiện tượng siêu nhiên.
Cứ mỗi mùa thu tại tỉnh Nong Khai phía đông bắc Thái Lan, vào dịp lễ hội Bangfai Phayanaak (Quả cầu lửa của rắn thần Naga - ND), các quả cầu lửa bí ẩn lại xuất hiện trên dòng Mekong. Người dân cho rằng có một con rắn bí ẩn dưới dòng nước. Tuy nhiên, Jessada khẳng định những quả cầu lửa chỉ là pháo đỏ nước bạn Lào phóng bên kia bờ sông.
Ông thường xuyên có những chuyến đi đến các vùng nông thôn để cung cấp những bài giảng đã được áp dụng ở các trường Cao đẳng và Trung học. Ông mong muốn kéo người Thái ra khỏi thói quen gán nguyên nhân siêu nhiên vào các hiện tượng mà họ chưa hiểu. “Nếu tôi không lên tiếng, mọi người sẽ tiếp tục tin rằng các hiện tượng bí ẩn ấy không thể giải thích được một cách khoa học” - Jessada cho biết.
Các nhà khoa học gần đây đã vạch trần một chuyện hoang đường ngay trong khuôn viên trường học. Ở ĐH Chulalongkorn - một trong những đại học hàng đầu Thái Lan, người ta phát hiện những dấu vết hình cuộn và ngoằn ngoèo bên cạnh một cặp tượng thạch cao rắn thần Naga trang trí trong khuôn viên trường. Sinh viên trường bắt đầu cầu khấn trước các bức tượng mong được điểm tốt. Người dân cũng lũ lượt kéo đến thắp hương cho những bức tượng rắn.
Jessada vào cuộc điều tra và phát hiện rằng các dấu hiệu đã được tạo ra bởi chất tẩy rửa được phun ra từ một vòi nước áp suất cao. “Điều này xảy ra ngay bên ngoài văn phòng của tôi. Ngay cả một số đồng nghiệp của tôi cũng đã nghĩ rằng đó chính là rắn thần Naga. Bạn có thể tin được không” - ông cười và nói.
Ông Jessada không phải là nhà khoa học duy nhất tìm cách truyền bá tư duy khoa học đến người dân trong đất nước. Weerachai Phutdhawong là một giáo sư hóa học hữu cơ tại ĐH Kasetsart. Ông là một người đậm chất truyền thống nhưng cũng không ngần ngại vạch trần các điều mê tín. Ông kể lại: ”Tôi đã bị xúc phạm và đe dọa khi vạch trần những tên lang băm. Một tu sĩ thậm chí còn cố tìm cách bám đuổi tôi”.
Người bám đuổi vị giáo sư là nhà sư gần đây đã trở nên nổi tiếng tại tỉnh Nakhon Sri Thammarat vì mồ hôi hóa thành thủy tinh màu đỏ. Ông còn tuyên bố rằng trí năng của mình sánh ngang với các nhà Phật giáo cổ xưa. Mọi người càng tin vào những hiện tượng siêu nhiên hơn và tìm kiếm mua những giọt mồ hôi thủy tinh đỏ của ông để làm bùa may mắn.
Weerachai đã mua lại một vài hạt để kiểm tra chúng trong phòng thí nghiệm. Ông khẳng định thực tế thì “thủy tinh thần” được làm từ polymer tổng hợp. Chúng chỉ là những viên nhựa đơn giản. Ông đã trình bày những phát hiện của mình cho mọi người. Ông nói: “Các nhà sư bán niềm tin của mọi người và sử dụng thủ đoạn như là một dấu hiệu về sức mạnh tinh thần của họ”.
Vạch trần sự gian lận của nhà sư, các nhà khoa học đã có được rất nhiều người hâm mộ và tuy nhiên cũng có không ít kẻ thù.
Nguồn: Hồng Liên(plo.vn)
Bình luận