Vườn nho Hạ Đen đang được vực dậy sau bão lũ.
Vườn nho Hạ Đen của gia đình ông Thiều Văn Thiết có gần 2.000 cây nho đang trong giai đoạn tỉa quả, chuẩn bị thu hoạch cho vụ giáp Tết. Những chùm nho mơn mởn hứa hẹn mùa bội thu nhưng chỉ sau trận bão số 3 và hoàn lưu mưa lũ, tất cả đã bị quật nát.
Ông Thiết buồn bã kể: Ông bắt đầu mô hình trồng nho Hạ Đen từ năm 2021, sau ba năm vườn nho bắt đầu cho ra vụ thu hoạch đầu tiên. "Chăm sóc thử nghiệm 3 năm, đến nay chúng tôi mới thu được 1 vụ và đang chuẩn bị thu vụ thứ 2 cho dịp giáp Tết nhằm lấy lãi thì bão lũ ập đến, tàn phá dữ dội", ông Thiết nói. Tuy nhiên, nỗi buồn qua đi, ông Thiết nuôi quyết tâm vực dậy khu vườn. Ngay dưới những giàn nho đang bị trụi héo, ông gieo những cây mới, giờ đã lên mầm xanh tươi.
Ông Thiết tâm sự, ông đã đầu tư cho vườn nho hơn 1 tỷ đồng, vì thế không thể chịu mất toàn bộ. Hơn nữa, giống nho Hạ Đen rất được thị trường ưa chuộng. Vì thế, ông tin tưởng sẽ dần khôi phục được và thu được lợi nhuận, dù không thể như trước khi chịu thiệt hại do bão lũ.
"Vụ nho giáp Tết này tôi ước thu được 40 triệu đồng/sào, như vậy vị chi thiệt hại riêng nho đã đến vài trăm triệu đồng", ông Thiết vừa nói vừa không ngơi tay làm những công việc chăm sóc vườn nho.
Ông cẩn thận kiểm tra đầu rễ của từng cây nho. Ông cho biết bình thường những rễ cây sẽ mọc, phủ trắng hết đường đi nhưng bão lũ, úng ngập đã khiến phần lớn bị thối rễ. Những cây không bị hỏng sẽ được ông giữ lại để tiếp tục vun trồng.
"Lúc đầu cũng hụt hẫng, lo lắng vì cả vườn hư hỏng nhưng rồi cũng phải tìm cách vượt qua. Nước lũ rút, tôi lập tức xới cho tơi đất để thoát khí, thoát nước. Sau đó đến công đoạn xử lý thuốc, chống thối rễ và phải theo dõi một thời gian mới biết được cây nho còn có thể cho năng suất không. Tôi cũng đang tham khảo nhiều chuyên gia về nho để xin ý kiến và kinh nghiệm", ông Thiết nói.
Những bông hoa nho trái mùa đáng lẽ sẽ được cắt bỏ nhưng nay lại được ông Thiết giữ lại để theo dõi và chăm sóc. Nếu trồng lại cây mới thì sẽ lại mất 2,3 năm mới có thể thu hoạch lại được.
Theo ông Thiết, để bảo vệ vườn nho, ông đã phải đầu tư hệ thống bạt che phủ với giá 250 triệu đồng. "Tôi đã rất cẩn thận mua loại bạt có thể chống được sức gió giật cấp 8,9 thế mà vẫn bị cơn bão số 3 tàn phá tan tành", ông kể. Hiện ông đang tính đầu tư hệ thống bạt mới
Những cây nho còn sống sót sau nhiều ngày ngâm trong nước lũ đang được ông Thiết hết lòng chăm sóc và thầm hy vọng sẽ không phải chặt bỏ, vẫn có thể cho ra quả ngọt.
Kho để đồ, dụng cụ làm vườn cũng bị phá hỏng, ông Thiết ngày đêm khắc phục, dọn dẹp.
"Nho Hạ Đen không thể chăm sóc theo cách tự nhiên được, nước tưới phải theo công nghệ chuẩn quốc tế, tưới nhỏ giọt, là nước giếng khoan được lọc sạch. Phân bón cũng phải sử dụng phân hữu cơ, thuốc phun phải sử dụng thuốc sinh học. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ nho mới. Chỉ hy vọng mưa thuận gió hòa để cây sống tốt và ra trái đúng dự kiến. Có như thế mới xứng với bao công sức và quyết tâm đã đổ ra để khôi phục lại vườn nho, đồng thời bù lại phần nào thiệt hại sau bão lũ", ông Thiết tâm sự.
Bình luận