• Zalo

Lãnh đạo Ủy ban ATGTQG: Xe đạp điện lãng phí, nguy hiểm

Thời sựThứ Tư, 18/06/2014 07:42:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng sử dụng xe đạp điện vừa lãng phí vừa rất dễ gây tai nạn giao thông.

(VTC News) - Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng sử dụng xe đạp điện vừa lãng phí vừa rất dễ gây tai nạn giao thông.

Vài năm trở lại đây, xe đạp điện đang trở thành phương tiện giao thông phổ biến, đặc biệt ở những thành phố lớn. Cùng với sự bùng nổ của phương tiện này là những mối đe dọa về an toàn giao thông vốn đang là vấn đề rất nhức nhối hiện nay.
VTC News đã phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về  sự bùng phát của xe đạp điện tại các địa phương như hiện nay?
Một vài năm trở lại đây, xe đạp điện được rất nhiều người dân ưa chuộng, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà các địa phương khác số lượng xe đạp điện cũng tăng lên chóng mặt. 
Số lượng xe đạp điện tăng nhanh nhất trong năm 2013 và 2014 này. Xe đạp điện có những ưu điểm như gọn nhẹ, kiểu dáng đẹp, tiết kiệm nhiên liệu và không yêu cầu phải có giấy phép lái xe mới được sử dụng.
Học sinh đi xe đạp điện dàn hàng trên đường 

Sở dĩ loại xe này phát triển nhanh là vì nó phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện nay, cụ thể là học sinh sinh viên. Ngoài ra, xe đạp điện cũng là phương tiện giao thông phù hợp với người già.
Tuy nhiên, xe đạp điện hiện nay giá thành khá cao. Có những loại xe lên đến 14 – 15 triệu đồng. Trong khi tuổi thọ sử dụng lại ngắn, sau một vài năm sử dụng sẽ hỏng hóc nhiều bộ phận như ắc quy, hệ thống động cơ…nên sẽ gây lãng phí lớn.
Theo tôi, người dân khi mua xe đạp điện, cần cân nhắc kĩ về hiệu quả kinh tế mà loại phương tiện này đem lại, tránh gây lãng phí cho xã hội.
- Theo ông mức độ an toàn của loại phương tiện này như thế nào khi lưu thông với tốc độ khá cao, có thể đạt 40km/h?
Đúng là xe đạp điện đã bộc lộ nhiều hạn chế mà chúng ta dễ dàng nhận thấy. Hiện nay, nhiều loại xe đạp điện có kiểu dáng vượt quá tiêu chuẩn so với quy định.
Cụ thể, có những loại xe quá to, hoặc không có đèn tín hiệu báo chuyển hướng, đèn chiếu sáng không đủ tiêu chuẩn.
Đặc biệt hiện nay nhiều loại xe lưu thông với tốc độ khá cao, vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, theo thông tư số 39/2013/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện trong đó quy định vận tốc xe đạp điện không được chạy quá 25km/giờ.
Tuy nhiên, rất nhiều xe đạp điện nhập vào Việt Nam có tốc độ giới hạn rất cao, trên 40 km/h. Bởi vậy mức độ nguy hiểm đối với người điều khiển xe đạp điện cao hơn xe máy rất nhiều do thiết kế về độ bền, độ chịu lực,  hệ thống phanh và khả năng giảm tốc của xe đạp điện thấp hơn xe máy.
Điều dễ dàng nhận thấy, nếu xe đạp điện lưu thông với tốc độ càng cao sẽ càng nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn cũng cao hơn và thực tế cho thấy, thời gian qua đã xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện, gây hậu quả nghiêm trọng.
Về mặt quy chuẩn, nếu sử dụng xe điện với trọng tải vượt mức cho phép sẽ gây sức ép đến mô tơ, khung vành và bánh xe.
- Nhiều người dân phản ánh khi ra đường rất sợ “hung thần” xe đạp điện, ông có ý kiến gì về việc này? 
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều người sử dụng xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, điều này vừa vi phạm pháp luật, vừa coi thường tính mạng của bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
 Xe đạp điện cũng kẹp ba không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên đường

Tôi đi trên đường, thấy rất đông các học sinh đi xe đạp điện nhưng đầu trần, dàn hàng hai hàng ba, lạng lách. Những hành vi này đều gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Đặc biệt, nhiều học sinh đi xe đạp điện còn dùng tay kéo các bạn khác đi xe đạp. Tình trạng này xảy ra nhiều tại các thành phố lớn, nơi tập trung số lượng lớn xe đạp điện. Nên theo tôi việc người dân sợ xe đạp điện khi ra đường là có sơ sở, vì khi các phương tiện cùng tham gia giao thông trên đường nếu không chấp hành luật sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Ngoài ra, với điều kiện giao thông hỗn hợp của Việt Nam hiện nay, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo thì xe đạp điện cũng là một trong những loại phương tiện có nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.
- Theo ông, có những lỗ hổng nào trong quản lý xe đạp điện hiện nay?

Hiện nay xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau, nên đặt ra câu hỏi về chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm không tốt, không đạt tiêu chuẩn, sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Các cơ quan có thẩm quyền cần quản lý chặt chẽ các nguồn hàng nhập khẩu xe đạp điện, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Một số nước trên thế giới còn quản lý cả xe đạp bằng cách đăng ký biển kiểm soát, còn ở Việt Nam thì xe đạp điện chưa được quản lý bằng biển kiểm soát. 
Để xe đạp điện trở thành một phương tiện giao thông hữu ích, cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng sản phẩm, về quy định dành cho người sử dụng và quản lý phương tiện.
Nhiều loại xe đạp điện có tốc độ đạt 40km/h 

Hiện nay, người dân mua ồ ạt vì không phải làm thủ tục đăng ký, không phải nộp phí đường bộ, không bị quản lý như các phương tiện cơ giới khác. Việc sử dụng xe đạp điện đang trở thành một trào lưu trong giới trẻ hiện nay, có thể nói rằng đang đua nhau mua xe đạp điện để sử dụng.

- Với quá nhiều những bất cập của xe đạp điện, xe máy điện như ông vừa phân tích, vậy chúng ta có nên cấm hoặc ngay lập tức phải hạn chế xe đạp điện tại các thành phố lớn không, thưa ông?
Về lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, Chính phủ yêu cầu 5 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ cần có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Các bộ, ngành và 5 thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn.
Tương tự, để hạn chế xe đạp điện cũng cần phải có một lộ trình lâu dài dựa trên những nghiên cứu thực tiễn, có giải pháp cụ thể, đồng bộ để phát triển các phương tiện giao thông một cách hài hòa nhất. Nếu thấy cần thiết phải hạn chế phương tiện này thì cần có những đánh giá cụ thể, thực tế hơn nữa.
- Ủy ban ATGT Quốc gia có phương án gì để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, thưa ông?
Theo tôi ở cấp độ quản lý, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, tránh tình trạng nhập lậu xe đạp điện.
Video học sinh thủ đô "làm xiếc" trên xe đạp điện:

Bên cạnh đó, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến những người sử dụng xe đạp điện, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông.
Các gia đình có con em sử dụng phương tiện là xe đạp điện cần cam kết với nhà trường về việc chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông. Quan trọng nhất vẫn là phía gia đình, cần nhắc nhở con em mình khi tham gia giao thông cần phải đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, đúng phần đường quy định…

Theo bạn, Việt Nam có nên cấm xe máy điện, xe đạp điện?

  • Không
  • Chỉ cần hạn chế
  • Phương án khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Xử lý nghiêm những trường hợp đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Cảnh cáo trực tiếp khi vi phạm hoặc thông báo đến nhà trường đối với người vi phạm là học sinh.
Cung cấp các kiến thức về sử dụng xe đạp điện không chỉ cung cấp đến học sinh mà còn phải đến được phần lớn người dân, đặc biệt là những người tham gia giao thông trên đường.
- Xin cảm ơn ông!


Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn