LTS:Sau loạt phóng sự của Báo điện tử VTC News phản ánh về cuộc sống kỳ lạ của gia đình bà Nguyễn Thị Thành và ông Mai Văn Thái (tạm trú tại xã Thành Vân, Thạch Thành, Thanh Hóa) PV đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả. Nhiều người quan tâm đến gia đình nhà bà Thành và muốn tìm hiểu nguyên nhân cụ thể tại sao gia đình này lại có cuộc sống kỳ lạ như vậy. Cũng như, trước hiện tượng lạ ở địa phương thì chính quyền đã có những động thái gì để giúp đỡ gia đình họ. Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình để khám phá những điều bí ẩn xung quanh gia đình này.
Video: Đi tìm gia đình sống như những 'âm binh' ở Thanh Hóa (Kim Thược)
Cột lưỡi cày thứ 2 ở Thanh Hóa
Sáng 21/7, sau rất nhiều công sức tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được với những người thân trong gia đình ông Mai Văn Thái và bà Nguyễn Thị Thành ở Thành Trung (Nga Thành, Nga Sơn, Thanh Hóa).
Khi thấy người lạ bước vào căn nhà cũ kĩ, bà cụ nằm ở trên giường ú ớ mãi mới thành tiếng: "Thái ơi! Thái ơi! Con về đấy hả con? Con tôi về đấy ư?". Thì ra, cụ bà đang mừng vì nghĩ là cậu con trai về thăm mình.
Bà cụ tên Ngô Thị Hoản (SN1923), mẹ đẻ của ông Thái. Từ ngày ông bà Thành - Thái sống tách biệt với gia đình, cộng đồng đã mười mấy năm bà cụ luôn trông chờ con cháu tỉnh ngộ để quay về Nga Sơn sinh sống.
Thế nhưng, năm nay dù cụ Hoản đã ở cái tuổi gần đất xa trời, gia đình ông bà Thành Thái vẫn cứ u mê và sống trong tăm tối. Sau khi nghe anh đồng nghiệp của tôi giải thích: "Anh Thái chưa về đâu bà ạ!", tiếng cụ bà vẫn cứ ú ớ trong cổ họng: "Con à, con về đấy à!" nghe mà xót xa.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, em gái của ông Thái, một năm ông Thái về Nga Sơn có ba lần. Ba, bốn tháng mới về lấy lương một lần nhưng rồi đi rất chóng vánh. Trước khi đi ông Thái thường biếu bà cụ 100 ngàn đồng mua sữa uống.
Có một điều kỳ lạ ở ông Thái mỗi lần về quê, được bà Tình nhắc lại: "Tôi thấy ông Thái cuốn thép xung quanh người. Tôi bảo bỏ ra cho khỏi đau thì ông nói phải quấn để ma tà khỏi theo anh lên Thạch Thành".
Được biết, không chỉ đeo thép, về nhà ông Thành vẫn đội mũ rơm, quần áo bay giống hệt hai người con. Mới đầu, người nhà không biết ông ấy quấn thép trong người. Chỉ đến khi nó lòng thòng ở cổ tay gia đình mới nhìn thấy. Trong mũ rơm ông Thái đội cũng có dây thép.
Khi được mọi người khuyên răn: "Về đây, ông bỏ dây thép trên người đi thì chị biết sao được, làm gì có ai bảo chị mà chị biết", thì ông Thái trả lời: "Cứ để vậy đi. Tôi quen rồi. Nếu bị phát hiện, vợ con lại không cho vào nhà".
Những người thân trong gia đình ông Thái cho biết, ông bà Thành - Thái đã mua một ngôi nhà ở Nga Sơn. Ngôi nhà này hiện tại đang được một cô em gái trông coi. Từ khi biết chuyện xảy ra, gia đình đã nhiều lần khuyên họ về Nga Sơn sinh sống nhưng đều bị bà Thành từ chối.
"Họ không đồng ý đâu, chúng tôi thuyết phục nhà ông bà mười mấy năm rồi mà không có được. Ông Thái năm nay cũng gần 70 rồi, chẳng mấy mà chết. Chúng tôi cũng đang sắp chết đến nơi rồi. Hai đứa con của ông Thái chưa đầy 40 tuổi, cho hắn về quê sinh sống còn có cơ may lấy vợ lấy chồng được.
Ông Thái cứ nghe lời vợ thì đến bao giờ mới ngộ ra được? Chúng tôi ở dưới miền xuôi xa xôi không biết được có chuyện gì xảy ra. Mỗi lần có chuyện, điện thoại nhà ông cũng không dùng cho nên cũng không biết đâu mà lần. Giống như lần trước, thằng Tâm mất chúng tôi cũng không biết mà lên làm ma, chôn cất được", bà Tình tâm sự.
Theo lệnh của bà Thành, ông Thái cũng đem lưỡi cày lên trồng giữa ngôi nhà ở Nga Sơn. Thậm chí, ông còn trồng cao hơn góc nhà khoảng 1m. Theo quan sát của PV, ngôi nhà này của ông Thái đã xuống cấp và dột be bét. Thế nhưng, ông Thái không sửa và có lẽ chỉ tận tụy trồng lưỡi cày mỗi lần về quê.
Nhân chứng kể chuyện bên trong ngôi nhà "âm binh" ở Thanh Hóa
Trò chuyện với chúng tôi, bà Tình không ngần ngại kể lại những câu chuyện kỳ lạ của gia đình nhà bà Thành - Thái. Theo bà Tình, những năm họ mới bị bệnh, bà Tình còn khỏe thì hay lên thăm. Thế nhưng, bây giờ yếu, mấy năm nay bà Tình còn bị mù một bên mắt nên không đi được nữa.
"Đầu tiên lên đó, bà Thành cứ bắt chúng tôi ngồi khấn vái. Trời thì tối nhưng ở đó chẳng đèn đóm gì cả. Đúng 6 giờ sáng và 6 giờ tối là bà Thành bắt đầu ngồi khấn. Khấn mệt thì bà Thành mới đi nghỉ. Nằm một dạo là bà khỏe lại nói chuyện như không ấy. Lúc khấn cứ lắc đầu liên tục, nhọc thì mới nằm nghỉ. Bà cứ bảo ma ở trên đầu tôi, cứ bảo mẹ con bà nhìn thấy ma nhưng chúng tôi ngủ ở đó mấy ngày chẳng thấy một tí gì. Mỗi lần ngồi khấn là khoảng 1 tiếng đồng hồ", bà Tình nói.
Theo bà Tình, việc ăn uống của gia đình ông bà Thành - Thái ban đầu cũng bình thường. Bây giờ bệnh bà Thành nặng hơn thì mới không cho chồng con mua đồ ăn bên ngoài nữa. Nhà bà Thành bây giờ là tự cung tự cấp, nuôi trồng được cái gì ăn cái đó. Ông Thái về quê cũng chỉ mua đậu hũ ăn. Thỉnh thoảng mới mua được quả trứng còn đâu không ăn thêm gì.
"Trước đây ông Thái cũng khôn lanh lắm. Lúc thằng Tâm mất ông ấy còn đi về báo anh em lên chôn. Khi hai đứa con bị thiếu i-ốt dẫn tới sưng nề, què bò thì ông cũng biết vào lâm trường báo cáo cấp trên giúp đỡ. Hồi đó, lâm trường còn bắt ba mẹ con bà Thành đi chữa bệnh. Có 3 ngày bà mẹ bỏ về rồi cũng bắt con cái theo về luôn", bà Tình kể lại.
Là người đã từng tiếp cận bên trong ngôi nhà bà Thành đang sống, bà Tình miêu tả: "Bên trong nhà hương khói không thắp và cũng không thờ phụng ai. Hồi đầu ngôi nhà làm bằng gỗ chắc chắn. Sau đó, bà Thành lệnh cho chồng con phá ngôi nhà kiên cố đó ra rồi tự dựng mấy căn chòi nhỏ để ở. Căn chòi nào cũng chôn hàng đống bát đĩa ở dưới.
Không chỉ chôn bát, bà ấy sai chồng con đi mua hoa quả và rải hết khắp bốn xung quanh vườn. Chậu thau, xoong nồi quăng hết xuống giếng. Sau đó bà còn bắt mua cả những tấm kính về đâm nát, gói thành những đùm nhỏ rồi treo lên mấy cái chòi. Chồng và con cứ phải làm việc quần quật từ sáng đến khuya. Đúng 12 giờ bà Thành mới cho chồng và con nghỉ.
Lúc mới bị bệnh bà bắt con cái thôi học. Một đàn bò 15 con, tranh thủ lúc ông Thái về lấy lương ở Nga Sơn bà Thành bán lúc nào không ai biết. Sau khi bán bò, ba đứa con cắt tóc trọc đầu như ông sư, bò xung quanh nhà chôn bát cho mẹ đến thâm tím đôi đầu gối.
Vì thương cháu nên lúc bố tôi (ông Mai Văn Đệ - bố đẻ của ông Thái) còn sống, ông có kéo cả hai bên nội ngoại lên lôi cả gia đình về Nga Sơn. Nhưng mẹ con bà Thành đứng tập trung trước cổng cầm 4 con dao nên không ai dám vào. Họ còn hô, ai vào đây tôi chém chết nên không ai dám bước lại gần cả. Lại một lần nữa cũng bàn lên kéo về nhưng anh Thái không chịu nên thôi. Bà Thành lúc ấy cởi quần áo ra như ăn vạ nên chúng tôi kinh sợ bỏ chạy sạch không ai dám ở lại.
Hàng năm, anh em có quan tâm đem cho thúng gạo nếp cũng không chịu lấy. Chúng tôi thương hại cháu có đem quần áo lên cho cháu nhưng bà Thành cũng không cần, bắt chúng tôi đem về sạch. Lúc bố chồng mất bà Thành cũng không cho chồng con về chịu tang. Mẹ đẻ của bà Thành chết bà ấy cũng chẳng cần về, cũng như không nhắn nhủ gì".
Người thân hé lộ nguyên nhân
Theo bà Tình, bao nhiêu năm nay bà Thành chưa hề hé răng giải thích tại sao lại làm những việc kỳ lạ như vậy. Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân, bà Tình phân tích: "Có thể do ngày xưa bà ấy đanh đá, sống ở chốn rừng thiêng nước độc lại mất lòng người dân tộc nên bị ếm bùa. Ngày xưa khi chưa bị bệnh, bà ấy thường tự về Nga Sơn để lấy lương. Không bao giờ bà ấy để ông Thái lấy. Thế nhưng, từ khi bị bệnh, bà ấy không ra khỏi ngõ và chỉ sống cuộc đời như vậy thôi".
Một nguyên nhân nữa cũng được bà Tình nhắc đến trong cuộc trò chuyện: "Ngày xưa bà Thành rất thích đi xem bói. Theo lời ông Thái, có một lần đi xem bói về, không biết thầy bói phán gì mà bà ấy ốm luôn. Sau trận ốm đó thì tính tình thay đổi, chỉ ít lâu sau thì thành ra cơ sự này. Có lẽ thầy bói nói gì đó khiến bà hoang mang, lo sợ và tâm thần mới trở lên bất an như vậy. Tôi nghĩ nguyên nhân này là có cơ sở nhất".
Khi biết thông tin chúng tôi mới về gặp gia đình bà Thành nhưng không thấy ông Thái đâu, bà Tình giật mình: "Ông Thái về quê lên đấy cả tháng rồi đó. Ông ấy không có ở quê đâu. Biết đâu ông ấy bị đánh chết rồi. Chỉ sợ chúng nó đánh chết bố lại giấu vào đâu đó thì khổ. Bởi bình thường ông ấy sẽ là người ra mặt đứng chắn không cho bất cứ ai bước vào".
Ngày xưa, khi cậu Tâm còn sống, ông Thái về quê kể với bà Tình rằng: "Bà Thành ra lệnh cho thằng Tâm đánh tôi, may mà không chết. Ông Thái bị phạt vì không làm theo quy tắc của bà Thành. Lần đó, bà Thành sai ông chui xuống cái giếng múc cạn nước. Hàng mấy giờ đồng hồ ông Thái chui xuống mà múc không hết nên bị phạt. Không chỉ ông Thái, con cái cũng sẽ bị phạt nếu không làm theo chỉ đạo của bà Thành".
Bà Tình cũng xác minh thông tin ở quê hai bên gia đình không có ai mắc bệnh thần kinh hay có biểu hiện tâm thần. Gia đình bà toàn người hiền lành, khỏe mạnh đi làm ăn chứ không ai có những biểu hiện kỳ lạ như gia đình ông bà Thành - Thái.
"Chúng tôi muốn nhờ chính quyền và xã hội giúp đỡ làm sao chữa bệnh cho anh chị và mấy đứa trẻ để họ trở về quê Nga Sơn sinh sống. Chính quyền mà giúp được thì chúng tôi còn thỉnh thoảng ra thăm anh chị với các cháu. Chỉ cần thấy họ khỏe là mừng. Bây giờ một năm mới lên đến nơi được có một lần nhưng có được vào nhà đâu. Cứ đứng ngoài bờ nói chuyện với anh Thái thôi", bà Tình nói.
Lãnh đạo huyện thăm ngôi nhà kỳ lạ ở Thanh Hóa
Chúng tôi liên hệ với người dân địa phương ở Thành Vân để nắm bắt tình hình sức khỏe của ông thì được biết, người dân mới thấy ông Thái xuất hiện ngoài đường. Lúc đó, ông Thái đạp xe đi mua một tạ dây cước, loại dây dùng để câu cá chở về không biết dùng vào việc gì.
Chiều 21/7, ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Thạch Thành thông tin với PV: "Từ khi PV về đưa tin có nhiều người ngỏ ý muốn giúp đỡ ông bà Thành - Thái. Hôm qua, có một đoàn ngoại cảm ở Côn Sơn Kiếp Bạc cũng vào đây. Không hiểu dùng phương pháp gì nhưng họ khẳng định chỉ một tháng nữa là gia đình sẽ ổn định lại. Ở đây, chính quyền địa phương là cũng muốn có tác động đến gia đình để họ sớm có cuộc sống ổn định".
Cũng trong chiều 21/7, đoàn lãnh đạo của huyện Thạch Thành do bà Bùi Thị Mười - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thành đã trực tiếp đem quà và vào thăm gia đình ông bà Thành - Thái. Giống như PV những lần trước, đoàn chỉ dừng lại ở phía bên ngoài vì ông Thái và hai người con đã ra ngăn cản. Lần này cha con ông Thành ngăn cản đoàn lãnh đạo còn dữ dội hơn. Đoàn có mang theo quà xuống nhưng gia đình cũng từ chối không nhận.
Đại diện lãnh đạo huyện đã dành nhiều lời phân tích để ông Thái và gia đình hiểu ra sự việc nhưng họ vẫn từ chối cho đoàn vào nhà. Bà Thành không hề lên tiếng. Trước khi rời đi, bà Bí thư huyện ủy Thạch Thành đã chỉ đạo ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch xã Thành Vân) và bà Nguyễn Thị Dung (Bí thư chi bộ BQL rừng phòng hộ Thành Vân) cùng ra để nắm bắt tình hình, lên phương án, kế hoạch giúp đỡ gia đình này.
Được biết, ngày 22/7 đại diện xã Thành Vân và đại diện BQL rừng phòng hộ Thành Vân sẽ về Nga Sơn, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú của gia đình ông bà Thành Thái để làm việc với gia đình ông Thái. Có thể sau cuộc gặp gỡ này, chính quyền và gia đình sẽ lên phương án, kế hoạch chi tiết để giúp đỡ ông bà Thành - Thái giải quyết triệt để vụ việc đang gây xôn xao dư luận này.
VTC News sẽ tiếp tục đưa tin.
Video: Tiếp cận ngôi nhà "âm binh" ở Thanh Hóa (Kim Thược)
Bình luận