Trong suốt mấy tháng vừa qua, mọi thông tin liên quan tới Đại hội VFF đều nhận được rất nhiều chú ý nên cuộc làm việc hôm nay cũng không phải ngoại lệ.
Cho tới thời điểm này, chưa biết cơ quan quản lý nhà nước sẽ giới thiệu cả 3 ứng viên thuộc quyền quản lý của mình là các ông Trần Quốc Tuấn, Cấn Văn Nghĩa và Lê Quý Phượng ra tranh cử tại Đại hội VFF khóa VIII, hay sẽ chỉ giới thiệu một ứng viên duy nhất.
Tuy nhiên, cuộc đua đến vị trí Chủ tịch VFF khóa VIII thực ra lại không nóng bỏng bằng cuộc cạnh tranh cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ, khi vẫn còn nhiều nỗ lực vận động tìm cách ngăn cản ông Trần Anh Tú ứng cử vào vị trí này, thậm chí có cả nỗ lực từ những chỗ mà ít ai có thể ngờ tới.
Người ta có thể đặt câu hỏi, tại sao một chiếc ghế bị chủ nhân bỏ quên gần như suốt cả nhiệm kỳ hiện tại (2014-2018) bây giờ lại được quan tâm như vậy, và giá như vị lãnh đạo VFF đang ở vị trí này dành nhiều tâm huyết và công sức như thế trong nhiệm kỳ của mình thì công tác vận động tài trợ của VFF đã khởi sắc lắm lắm.
Thật khó tìm ra một nền bóng đá nào như Việt Nam, khi một trong những lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn bóng đá quốc gia lại liên tục sử dụng lời lẽ nặng nề để công kích cộng sự của mình, và đồng thời còn đưa ra những lời đe dọa như kiểu rút đội bóng khỏi V-League để gây sức ép cho những phiếu bầu tại đại hội sắp tới.
Không những thế, có những người còn đi xa hơn khi úp mở ý tưởng kêu gọi nhà tài trợ chính của V-League 2018 rút lui giữa chừng, và nghe nói một số nguồn tin cho biết một trong những nguyên nhân khiến nhà tài trợ V-League đến nay vẫn chưa chịu đặt bút ký kết hợp đồng với VPF có thể là bởi ảnh hưởng vận động của nhóm người có quan điểm đối kháng với bộ máy lãnh đạo VFF hiện tại.
Thậm chí, còn có ý kiến cho biết một số đội bóng đã xem xét kế hoạch tách ra thành lập giải đấu riêng rẽ với V-League, dù rằng ý tưởng này từng xuất hiện cách đây gần chục năm.
Tất cả những chuyện này cho thấy cuộc đua đến những chức danh chủ chốt của VFF khóa VIII diễn ra thực sự gay cấn, quyết liệt, và để đạt được mục đích của mình thì người ta không ngại thực hiện cả những việc có thể mang lại hậu quả tai hại cho cả nền bóng đá mà chúng tôi đã liệt kê ở trên.
Vì thế, việc Đại hội VFF khóa VIII vẫn chưa ấn định được thời gian tổ chức chính thức không chỉ khiến người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi mà ngay cả những đối tượng tưởng như không liên quan cũng bị vạ lây.
Chẳng hạn như V-League, hay hạng Nhất, khi giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bỗng dưng trở thành “con tin lý tưởng" của một số nhân vật để gây sức ép với VFF cũng như VPF, như trường hợp có nhà tài trợ ở giải hạng Nhất tuyên bố sẽ chỉ quyết định có tiếp tục đầu tư cho đội bóng nữa hay không sau khi có kết quả bầu cử Đại hội VFF khóa VIII.
Thế nên nếu nói Đại hội VFF khóa VIII diễn ra sớm ngày nào thì nền bóng đá sẽ được lợi ngày ấy hẳn không phải không có lý do.
Bình luận