Theo RT, cuộc khủng hoảng người di cư tiếp tục diễn biến phức tạp tại biên giới Ba Lan – Belarus, khi hàng trăm người tị nạn buộc phải dựng tạm lán trại dọc theo hàng rào biên giới nhằm đối phó với cái lạnh của mùa đông.
Việc thu xếp một khu trại tạm thời cho người di cư tại biên giới Ba Lan – Belarus cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi khi cả hai bên đều không muốn gánh lấy trách nhiệm này.
Tình hình càng trở nên bế tắc khi có thêm hàng ngàn người di cư đổ về phía biên giới Ba Lan vào đầu tuần này. Theo ước tính có tới 4.000 người di cư (hầu hết đến từ các nước Trung Đông) vẫn cố bám trụ tại biên giới nhằm tìm kiếm cơ hội vượt biên sang các nước liên minh châu Âu (EU).
Cửa khẩu Kuznica-Bruzhi được xem là điểm nóng, nơi những người di cư đang đổ dồn về.
Trong khi đó, có khoảng 10.000 người di cư được cho là đang sống rải rác trên khắp Belarus cũng có xu hướng di chuyển đến biên giới Ba Lan để vào EU.
Nhằm đối phó tình hình, Ba Lan đã triển khai thêm hàng nghìn cảnh sát và binh sĩ đến khu vực biên giới giáp với Belarus, cũng với đó là nhiều thiết bị quân sự để phòng ngừa tình huống xấu có thể xảy ra.
Các nhà chức trách Ba Lan cho biết việc tăng cường quân đội đến biên giới là hành động cần thiết để bảo vệ Ba Lan và cả EU trước cuộc “tấn công” từ Belarus.
Trong khi đó, các quan chức EU lại cho rằng Belarus đang “vũ khí hóa” vấn đề người di cư nhằm gây sức ép với châu Âu.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc phỏng vấn hôm 9/11 cho hay, hầu hết người di cư vượt biên trái phép đều là nam giới và họ còn rất trẻ, và khẳng định đây rõ ràng là hành động gây hấn. Ba Lan sẽ không để tình trạng này ảnh hưởng đến an ninh chung của cả EU.
Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lại chỉ đích danh Nga đứng đằng sau cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra ở biên giới nước này.
“Tình trạng căng thẳng ở biên giới - nơi hàng nghìn người di cư bất hợp pháp đang tập trung, đối mặt với quân đội và cảnh sát Ba Lan là hành động gây hấn có chủ ý”, nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định.
Theo cáo buộc của ông Morawiecki, những người di cư, không phải dân tị nạn hợp pháp được sử dụng làm "lá chắn sống" để "gây bất ổn cho Ba Lan, các nước vùng Baltic và Liên minh Châu Âu".
Belarus lập tức lên tiếng phản đối sau khi Ba Lan điều động hàng nghìn binh sĩ đến biên giới, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc kích động người di cư tràn vào EU.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng lên án hành động của Warsaw và bác bỏ cáo buộc Minks đang lợi dụng người di cư để “tấn công” Ba Lan.
Ông Lukashenko nói rằng thật điên rồ khi nghĩ đến việc ai đó tìm kiếm một cuộc xung đột ở giữa châu Âu bởi nó có thể dẫn đến những hệ quả khó lường chỉ vì một bước đi sai lầm nào đó.
Bình luận