Một nhóm gồm 32 người tị nạn Afghanistan đang rơi vào tình cảnh không thể tệ hơn khi họ mắc kẹt ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus, sự việc này cũng đang nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Họ rời quê nhà 2 tháng trước với mong muốn được tới châu Âu nhưng giờ bị thiếu lương thực, mắc kẹt ở bìa rừng suốt 3 tuần. Một số còn bị ốm nặng.
Uống nước bẩn, ăn bánh mì cầm cự
Các quan chức châu Âu cáo buộc chính quyền Belarus giả vờ rộng rãi tiếp nhận người nhập cư rồi đẩy họ tới biên giới phía tây giáp với các nước EU với mục đích dàn dựng một cuộc khủng hoảng nhập cư nhằm gây áp lực với các nước láng giềng.
Từ đầu năm, hơn 4.000 người, chủ yếu đến từ Iraq và Afghanistan vượt biên trái phép từ Belarus sang nước láng giềng Litva. Con số này cao hơn gấp 50 lần so với năm 2020. Ba Lan cũng cho biết họ ghi nhận tới 3.000 trường hợp vượt biên trái phép từ Belarus từ đầu tháng 8.
Chính phủ Litva và Ba Lan khẳng định họ sẽ không tiếp nhận dòng người tị nạn này, đồng thời triển khai thêm nhân viên an ninh và dựng hàng rào mới ở khu vực biên giới.
Trong khi đó ở đầu Belarus, một số video quay lại gần đây cho thấy nhóm an ninh trong trang phục chống bạo động cố gắng ngăn người Afghanistan trở lại Belarus. Nhóm người tị nạn Afghanistan bị mắc kẹt ở giữa biên giới.
Tuần trước, Fundacja Ocalenie, một tổ chức từ thiện của Ba Lan và một nghị sỹ quốc hội nước này đã chuyển cho họ lều, thực phẩm và quần áo. Nhưng sau đó, biên phòng Ba Lan cấm tổ chức này tiếp cận nhóm tị nạn.
"Họ không nhận được bất cứ hỗ trợ y tế nào, sức khỏe của họ đang xấu đi", Marianna Warteska, người phát ngôn của Fundacja Ocalenie cho hay.
Warteska cho biết nhóm người tị nạn đang phải uống nước không đảm bảo vệ sinh từ một con suối gần đó. Họ cố gắng cầm cự qua ngày nhờ bánh mì được lính biên phòng Belarus chuyển đến vài ngày một lần.
Các tình nguyện viên Ba Lan đã cố liên lạc với nhóm người Afghanistan qua loa. Nhưng biên phòng Ba Lan thường bật động cơ xe ầm ĩ và hú còi inh ỏi để ngăn 2 bên liên lạc.
Theo Warteska, 8 người Afghanistan đang gặp các vấn đề về thận, 5 người bị tiêu chảy. Một nam thanh niên 26 tuổi bất tỉnh trong 20 phút hôm 26/8 nhưng các lính biên phòng Ba Lan từ chối gọi xe cấp cứu.
Phát ngôn viên của cơ quan biên phòng Ba Lan từ chối trả lời khi được yêu cầu bình luận về vụ việc.
Mắc kẹt giữa tranh chấp chính trị
Warteska cho biết tất cả 32 người Afghanistan đều hy vọng được tị nạn ở Ba Lan.
"Không có lý do gì khiến các nhà chức trách Ba Lan không cân nhắc đánh giá nên cho phép nhóm người này tị nạn hay để họ về nước", Warteska nói.
Cô tin rằng việc Ba Lan không xử lý 32 trường hợp này là vấn đề chính trị.
Ba Lan và nhiều nước châu Âu hiện vẫn đang leo thang căng thẳng với Belarus sau vụ Minsk ép máy bay của Ireland hạ cánh để bắt nhà báo đối lập.
"Điều này thực sự tàn nhẫn. Họ chỉ có 32 người, không phải 3 triệu người. Chúng tôi chỉ muốn chính quyền Ba Lan và lực lượng biên phòng hành xử theo pháp luật. Hiện tại những gì họ làm là bất hợp pháp", cô này cho hay.
Hôm 31/8, chính phủ Ba Lan thông báo họ đang tìm kiếm sự chấp thuận của Tổng thống về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp dọc theo một phần biên giới trong 30 ngày để đối phó với những người di cư.
"Tình hình ở biên giới Belarus hiện tại là một cuộc khủng hoảng hết sức căng thẳng. Chính quyền Lukashenko đang tiếp nhận người nhập cư, chủ yếu từ Iraq rồi đẩy họ sang lãnh thổ Ba Lan, Litva và Latvia để gây bất ổn", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói.
Ông này nhấn mạnh thêm rằng Ba Lan phải bảo vệ biên giới của mình dù họ thông cảm với những người tị nạn.
Tình trạng khẩn cấp cần được Quốc hội Ba Lan phê chuẩn nếu muốn được thông qua.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đảng đối lập và các nhóm nhân quyền. Họ cho rằng mục đích của việc ban bố tình trạng khẩn cấp không phải là chặn dòng người nhập cư mà chỉ để các nhà hoạt động nhân quyền và truyền thông tránh xa biên giới.
"Nó sẽ chỉ ngăn truyền thông phơi bày sự hỗn loạn và sự bất lực của chính phủ", Jan Grabiec - người phát ngôn của đảng Civic Platform cho biết.
Litva gần đây cũng ban bố tình trạng khẩn cấp về tình hình biên giới và kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.
Tuần trước, Tòa án Nhân quyền châu Âu yêu cầu chính phủ Ba Lan phải cung cấp thực phẩm, quần áo, chăm sóc y tế và có thể là nơi ở tạm thời cho nhóm người tị nạn Afghanistan. Tòa án vẫn chưa đưa ra phán quyết liệu Ba Lan có bắt buộc phải để những người di cư vào lãnh thổ của họ hay không.
Khi Taliban tiếp quản Afghanistan khiến hàng nghìn người phải đi tị nạn, Ba Lan và nhiều nước EU khác chắc chắc sẽ phải chuẩn bị đón một dòng người tị nạn mới.
Aleksandra Fertlińska, một nhà vận động tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Ba Lan kêu gọi Warsaw chuẩn bị cho kịch bản này, không đóng cửa biên giới hay dựng hàng rào xua đuổi những người tháo chạy khỏi đất nước đang chịu khủng hoảng của họ.
Bình luận