• Zalo

Làng tỷ phú trắng tay; Những hợp đồng tỷ USD trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama

Kinh tếThứ Hai, 23/05/2016 06:29:00 +07:00Google News

Hai hợp đồng khổng lồ trị giá hàng tỷ USD cho Việt Nam đã được ký kết vào trưa ngày hôm nay 23/5 trước sự chứng kiến của tổng thống Obama tại Phủ Chủ tịch

Hai hợp đồng khổng lồ trị giá hàng tỷ USD cho Việt Nam đã được ký kết vào trưa ngày hôm nay 23/5 trước sự chứng kiến của tổng thống Obama tại Phủ Chủ tịch; xe sang có nguy cơ chịu thêm thuế phí môi trường và cảnh tượng đau thương tại những cánh đồng tôm chết lặng ở Cà Mau vì nắng nóng.

Vietjet Air ký kết hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD với Boeing

Hợp đồng giữa Boeing và Vietjet Air trị giá 11,3 tỷ USD đã được ký vào trưa ngày hôm nay 23/5 dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bản hợp đồng được Tổng giám đốc Boeing - Ray Conner và Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo ký, theo đó, 100 máy bay 737 Max 200 sẽ được Boeing giao cho Vietjet trong vòng 4 năm (2019 - 2023) nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng hàng không Việt Nam.

 

Các bên hiện vẫn chưa tiết lộ chi tiết kế hoạch tài trợ vốn cho thương vụ này. Năm 2015, Vietjet đạt doanh thu bán (hàng và dịch vụ) 534 triệu USD, doanh thu bay là 488 triệu USD, lãi trước thuế 37 triệu USD.

Kế hoạch mua máy bay nêu trên là bản hợp đồng lớn thứ 2 của Vietjet trong vòng 2 năm qua, sau thỏa thuận mua và thuê tổng cộng 100 máy bay A320 và A321 (trị giá 9,1 tỷ USD) với đối thủ của Boeing là Airbus năm 2014. Ngoài ra vào giữa năm 2015, hãng này còn ký mua thêm 6 máy bay A321 (trị giá 682 triệu USD).

Nếu các hợp đồng nêu trên được thực hiện đầy đủ, đến năm 2023, đội bay của Vietjet sẽ gồm hơn 200 chiếc, tăng rất mạnh so với con số 29 tàu bay tính đến cuối năm 2015. Hiện hãng này đang khai thác mỗi ngày hơn 250 chuyến bay với gần 50 đường bay nội địa và các tuyến quốc tế đến Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.

Cùng với hợp đồng của Boeing, cũng tại lễ ký sáng nay, Vietjet còn đạt thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Công ty Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp (Mỹ) nhằm cung cấp động cơ PurePower Geared Turbofan và các dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng đội tàu cho thế hệ máy bay A320 NEO và A321 NEO của hãng.

1.000 MW điện gió phục vụ 1,8 triệu hộ dân Việt Nam sau chuyến thăm của ông Obama

Cũng trong trưa ngày hôm nay 23/5 tại Phủ Chủ tịch, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Bộ Công Thương và Tập đoàn General Electric (GE) vừa công bố ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo đó, mục tiêu chung của cả hai bên là phát triển tối thiểu 1.000MW điện từ các điện gió mới cho tới năm 2025. Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam.

Cụ thể, Tập đoàn GE với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh phát triển điện gió trên toàn cầu, cùng làm việc với đối tác địa phương để xác định các dự án tiềm năng tại Việt Nam.

 

Thỏa thuận này nằm trong chương trình Mục tiêu Quốc gia thông qua việc nội địa hóa sản xuất thiết bị, linh kiện của tua-bin gió tại Nhà máy GE Hải Phòng và hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác.

Đại diện của GE, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc GE Việt Nam, nhấn mạnh: “Với năng lực chuyên môn của GE trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư vào năng lượng gió trên toàn cầu, cũng những kinh nghiệm địa phương mà chúng tôi có được từ những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, GE hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Công Thương, phối hợp đối tác Việt Nam nhằm phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả”.

Là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt trên toàn thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở Bạc Liêu.

Lãi suất liên ngân hàng Việt Nam thấp nhất 3 năm

Tuần vừa qua, diễn biến của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trở nên đáng chú ý khi tiếp đà giảm nhanh. Lãi suất VND ở các kỳ hạn dưới 1 tháng cùng giảm từ 0,9-1,8 điểm phần trăm, trong đó các kỳ hạn càng ngắn thì mức giảm càng mạnh.

Xu hướng này đã bắt đầu từ khoảng cuối tháng 4/2016, đưa mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục trong gần 3 năm qua.

Với mức lãi suất thấp trong tuần qua, giao dịch trên thị trường trở nên kém sôi động hơn trước. Hoạt động trên thị trường mở cũng khá tương đồng với thị trường tiền tệ khi các tổ chức tín dụng không có nhu cầu vay mượn thông qua nghiệp vụ cầm cố.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tục hút ròng trong 5 tuần gần đây thông qua OMO, đưa số dư nghiệp vụ cầm cố về 0 từ ngày 18/05.

“Những diễn biến trên của thị trường liên ngân hàng và thị trường OMO cho thấy thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng đang khá tốt. Đây cũng có thể là hệ quả của mục tiêu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, khiến cho thị trường kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới”, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank nhận định.

Cùng xu hướng, trên thị trường trái phiếu Chính phủ, lãi suất trúng thầu cũng giảm mạnh ở kỳ hạn 3 năm và 5 năm, đưa lãi suất kỳ hạn 5 năm về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2015 và lãi suất kỳ hạn 3 năm ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014.

Tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu ở kỳ hạn 3 và 5 năm với lãi suất trúng thầu lần lượt giảm mạnh 20 điểm và 15 điểm, xuống mức 5,3%/năm và 6,14%/năm.

Tính từ đầu năm tới 20/5, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công khoảng 133 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (hoàn thành khoảng 60% kế hoạch năm). Với lượng đáo hạn trong cùng thời kỳ là 76 nghìn tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước đã phát hành ròng khoảng 57 nghìn tỷ đồng.

Xe sang bị tăng thuế lại có nguy cơ 'đội' thêm phí bảo vệ môi trường

Theo dự thảo từ Bộ Tài chính, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017, phí bảo vệ môi trường dành cho xe sang dòng có dung tích trên 3 lít sẽ tăng thêm.

Bộ Tài chính cho biết, theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính được giao chủ trì, nghiên cứu, ban hành phí môi trường theo hướng nâng cao đối với xe có dung tích xi lanh trên 3 lít vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

 

Theo quy định, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất để trình cấp có thẩm quyền quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.

Hiện nay cơ quan quản lý chưa áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với ôtô mà chỉ tính thuế vào giá xăng. Nếu dự thảo được hoàn tất và thông qua, quy định mới dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2017.

Ngoài ra, liên quan đến chính sách thuế phí với ôtô, tại văn bản lần này, Bộ Tài chính cũng cho biết, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng ôtô như quy định hiện hành đã góp phần hạn chế nhập khẩu ôtô, thúc đẩy lắp ráp, sản xuất trong nước đối với các chủng loại xe ưu tiên phát triển.

Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục thực hiện chính sách thuế nhập khẩu MFN đối với ôtô nguyên chiếc như hiện hành, trừ trường hợp thực hiện cắt giảm theo cam kết WTO hàng năm.

Trước đó, nhiều thông tin đã dự báo, có khả năng từ ngày 1/7 tới, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe có dung tích xi-lanh trên 2,5- 3 lít sẽ tăng từ mức 50% hiện hành lên 55% kể từ ngày 1/7/2016, sau đó tăng tiếp lên 60% kể từ ngày 1/1/2018.

Riêng đối với các loại xe có dung tích từ 3 lít- trên 6 lít sẽ chịu mức thuế TTĐB khá cao từ 90%- 150% kể từ 1/7 tới trong khi tất cả các loại xe này hiện đều đang có chung mức thuế 60%.

Những cánh đồng tôm "chết lặng" ở Cà Mau

Chạy dọc theo các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Cà Mau như: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân…, những ngày này, hàng nghìn nông dân đang điêu đứng trước thời tiết bất lợi, không ít người nuôi đã trắng tay, nợ nần, thậm chí là bỏ xứ đi nơi khác.

Ở những cánh đồng tôm bạt ngàn của tỉnh Cà Mau hiện nay, rất nhiều các loại máy dầu chạy ôxy, quạt… bị người nuôi bỏ lại đầm, mặc cho nắng gió hoặc bị mang bán ve chai.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, thời tiết tại Cà Mau diễn biến rất phức tạp, gây khó khăn lớn cho người nuôi tôm.

“Nắng hạn gay gắt kéo dài làm mặn tăng cao, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, các yếu tố môi trường nước trong ao, vuông nuôi biến động… khiến tôm nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Bằng nói.

Những cánh đồng tôm để không ở Cà Mau vì thời tiết nắng nóng 

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện mực nước trên các tuyến sông giảm thấp và trong vuông nuôi cạn dần. Độ mặn các tuyến sông dao động từ 36 đến 42‰, trong ao nuôi là 40-55‰, thậm chí có nơi lên đến 60‰.

“Qua kết quả khảo sát và thống kê nhanh của các huyện và TP Cà Mau, đến thời điểm này ước thiệt hại trên tôm nuôi khoảng 52.467ha (chiếm 19,7% diện tích nuôi). Nếu tính chi phí 1ha khoảng 5 triệu đồng, thì tổng thiệt hại trên 260 tỷ” ông Bằng cho biết.

Theo Tổng Cục thủy sản, tính đến ngày 17/5, 8 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết bất thường là do nắng nóng, độ mặn cao. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hiện tượng El Nino là La Nina vào tháng 6 tới sẽ gây mưa dầm, đồng nghĩa với việc nuôi tôm tiếp tục khó khăn. Ông Châu Công Bằng, lo lắng: “Nếu nắng nóng kéo dài đến tháng 6, dự báo diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại Cà Mau sẽ lên hơn 100.000 ha".

Tiệp Tiệp(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn