• Zalo

Làng đa thê ở HN: Lấy lẽ cho chồng, yêu cả cô của vợ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 14/01/2012 06:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bà cả một mái nhà, bà lẽ một mái nhà, nhưng họ vẫn chung sân, chung chồng và tình cảm cũng thực sự như người một nhà.

(VTC News) - Cô cháu tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e ngại dư luận. Chỉ chờ vợ chồng chán nhau, ly thân, là cô cháu nhào vào nhau. Giờ thì họ công khai sống chung với nhau. Chờ thủ tục ly hôn xong, thì thằng cháu sẽ cưới cô về làm vợ.


Như đã nói ở kỳ trước, ở làng Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội), ông giáo X. là “thần tượng” của các trai làng, vì có khả năng hớp hồn cả em vợ, đánh cả cụm mía ngọt. Trên tài cả cao thủ, đó là ông khiến cả hai chị em đều hài lòng, một mực làm vợ yêu của ông. Điều này đến vua chúa cũng khó mà làm được.

Hậu sinh khả úy, trong ngôi làng này đã xuất hiện một người có “trình” cao hơn cả ông giáo X. Sở dĩ anh này cao thủ hơn cả “thần tượng cua gái”, là bởi vì anh ta không những cưới được vợ xinh, mà khi chán vợ, còn quyến rũ được cả cô ruột của vợ mình!

Vân Côn giờ khang trang, giàu có nhờ bán đất. 

Anh này là dân buôn phường bán bè, chạy hàng tứ tung các tỉnh, cũng có đồng ra đồng vào, nhưng được bao nhiêu, anh nướng hết vào các cuộc đỏ đen. Uất ức với người chồng ham mê cờ bạc, cô vợ quày quả bế con về nhà cha mẹ đẻ.

Với nhiều đàn ông Vân Côn, họ quan niệm lấy vợ là việc dễ nhất trong đời, còn nuôi được vợ hay không mới là khó, nên cô vợ về nhà bố mẹ, thì chả khác nào anh ta trút được gánh nặng. Vợ bỏ thì anh chàng nhắm cô ruột của vợ.

Là cô, nhưng chỉ hơn vợ anh ta có vài tuổi và hơn anh ta có một tuổi. Phận là cô, nhưng hễ nhìn thấy thằng cháu rể là mắt mũi cứ lúng liếng. Thằng cháu ngó cô cũng nuốt nước miếng ừng ực. Cô cháu tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e ngại dư luận. Chỉ chờ vợ chồng chán nhau, ly thân, là cô cháu nhào vào nhau. Giờ thì họ công khai sống chung với nhau. Chờ thủ tục ly hôn xong, thì thằng cháu sẽ cưới cô về làm vợ. Đúng là chuyện chỉ có ở Vân Côn.

Nhiều đứa trẻ ở Vân Côn cùng cha khác mẹ. Ảnh mang tính chất minh họa, chụp ở Vân Côn. 

Trong những ngày lang thang ở Vân Côn, thu thập những câu chuyện đầu làng cuối xóm, tôi được nghe kể nhiều về chuyện những người đàn bà phải đội lễ đi hỏi vợ cho chồng. Nghe người dân kể, mà tôi thấy cứ như thể ngôi làng này đang chìm đắm với những phong tục tập quán từ thế kỷ 19.

Thậm chí, có những phong tục, có từ thời Hai Bà Trưng, đến giờ họ vẫn bảo lưu. Ấy là chuyện người làng Vân Côn và người của ngôi làng ngay bên kia sông Đáy truyền đời truyền kiếp không được lấy nhau. Sỡ dĩ có chuyện đó là vì từ thời Hai Bà Trưng, hai làng kết nghĩa anh em. Mà đã là anh em thì tất nhiên là không lấy nhau được, bất chấp đã trải bao nhiêu đời!

Quay lại chuyện những người đàn bà phải nuốt nước mắt vào trong để đội lễ đi cưới vợ hai cho chồng. Hủ tục này cũng là bởi cái quan niệm con trai nối dõi tông đường còn nặng nề quá. Đàn ông ở ngôi làng này cứ nhất quyết phải có con trai. Không ra con trai thì họ bắt vợ đẻ hết trứng. Vợ hết trứng mà vẫn không có thằng cu, thì họ đi tìm vợ khác.

Làng Vân Côn. 

Ngày tôi về làng Vân Côn, người dân còn kháo nhau chuyện thời sự vừa mới xảy ra. Ấy là chuyện cô con dâu đẻ 4 lần mà vẫn ra “vịt giời”, nên suốt ngày bị bố mẹ chồng đay nghiến là không biết đẻ. Cao điểm của cuộc cãi vã, là ông bố chồng xỉ vả: “Mày là con khốn nạn, mày triệt giống nhà tao”. Sau đó là màn đấu tay chân giữa nàng dâu và bố chồng.

Ở ngôi làng này, đàn bà không đẻ được con trai, thậm chí cũng động viên chồng lập phòng nhì. Lạ thế chứ. Những người phụ nữ không đẻ được, thì tất nhiên là phải lấy thêm vợ cho chồng. Chị Nguyễn Thị Nhàn là một phụ nữ điển hình của câu chuyện này.

Tôi vào trường mầm non Vân Côn, lũ trẻ ùa ra ngó nghiêng, đứng tạo dáng lố nhố đòi chụp ảnh. Tôi hỏi mẹ Nhàn, bọn trẻ chạy vào lớp lôi cô ra sân trường gặp tôi.

Tôi mạnh dạn hỏi chuyện cưới vợ cho chồng, chị cười tươi như hoa nở. Người phụ nữ đã 50 tuổi mà vẫn còn xuân sắc lắm.

Vì không sinh được con, chị Nhàn phải cưới vợ bé cho chồng. 

Chị Nhàn dạy mầm non đã được 27 năm rồi. Trước chị làm đoàn xã, sau làm ban chấp hành hội phụ nữ, giờ vẫn là cộng tác viên dân số. Chị cưới chồng từ năm 18 tuổi, nhưng cưới xong thì chồng đi chiến dịch biên giới, 3 năm sau mới gặp lại.

Ngày chồng xuất ngũ, chị cũng mang bầu, nhưng sảy thai, rồi không thấy đẻ đái được gì nữa. Ngay từ hồi 30 tuổi, chị Nhàn đã tìm kiếm con nuôi. Thế nhưng, số phận đen đủi thế nào, mà tìm 7 đứa rồi vẫn trượt. Không đẻ được con, không xin được con nuôi, thì chỉ còn cách cưới vợ cho chồng.

Một hôm, vào năm 1995, ông chồng bảo với chị: “Em à, anh có ăn nằm với cái C., nó mang bầu rồi. Em làm cái lễ, rước nó về cho đàng hoàng. Con cái phải có bố, phải mang họ bố”.

Nghe chồng nói vậy, chị cũng đau lắm. Mẹ chồng chị cũng là phận lẽ bảo: “Tao làm lẽ sướng lắm mày ạ, được cưng chiều, nhưng vẫn không sướng bằng bà cả, miệng có gang có thép. Mày cứ lấy vợ cho nó đi, con vợ lẽ nó đẻ đái, mày góp tay nuôi nấng con cái, rồi đàn con thành con của mày. Sau chúng nó lớn, chúng nó nuôi mày. Mày thành bà cả, thì là bà chủ còn gì”.

Hai cụ già nhất trong họ cũng gặp chị thuyết phục: “Ở cái làng này, đàn ông lấy vợ lẽ là chuyện thường tình. Đằng này cháu lại không đẻ được, thì lấy lẽ cho nó là hợp cả tình lẫn lý còn gì”.

Chị Nhàn đã có 27 năm làm bảo mẫu trông giữ trẻ. 

Mẹ chồng nói đúng, hai cụ trong họ nói có lý, nên chị cũng gật. Chị Nhàn đứng ra sắm lễ, tổ chức cưới long trọng cho chồng. Cưới xong mấy tháng, thì cô lẽ sinh hạ con gái. Ông chồng nông dân dựng cho cô lẽ một ngôi nhà, nhưng chung sân với vợ cả. Cô con gái xinh xắn, bụ bẫm, được mẹ Nhàn chăm bẵm, nuôi nấng từ nhỏ. Giờ bé đã học lớp 9 và ở cùng nhà với mẹ Nhàn.

Đến năm 1999, cô vợ bé này lại sinh hạ thêm cô con gái nữa. Cũng năm đó, thì chị Nhàn theo người anh trai vào tận Đồng Nai kiếm được đứa con nuôi, khi đó mới 3 tháng tuổi. Giờ thằng cu đã học lớp 7, nó có một bố và hai mẹ.

Đến năm 2001, cô vợ lẽ sinh hạ lần nữa, được thằng cu. Vợ là cán bộ phụ nữ, là giáo viên, lại là cộng tác viên dân số, mà để ông chồng và bà lẽ sinh đứa thứ 3, thì muối mặt lắm, nhưng tập quán ở làng nó thế, chị cũng không biết làm thế nào. Có được thằng cu rồi, chị Nhàn động viên bà lẽ đi triệt sản. Giờ có muốn đẻ nữa thì cũng chịu.

Giờ đây, dù bà cả một mái nhà, bà lẽ một mái nhà, nhưng họ vẫn chung sân, chung chồng và tình cảm cũng thực sự như người một nhà. Chị Nhàn nuôi hai đứa, gồm cậu con nuôi và cô con gái đầu của chồng. Bà vợ lẽ thì nuôi hai đứa con riêng của mình.

Bà vợ lẽ biết ơn bà vợ cả lắm. Bọn trẻ con cũng coi chị Nhàn như mẹ đẻ của mình, bởi chị chăm bẵm, nuôi dưỡng chúng từ nhỏ. Dù bị chia sẻ người chồng, nhưng chị Nhàn cũng đành chấp nhận. Chị bảo, số chị nó vậy rồi thì còn biết làm thế nào nữa.

Điều chị Nhàn thấy ấm áp nhất bây giờ, là dù không đẻ được đứa nào, nhưng chị lại có tới 4 đứa con, chả khác nào ruột thịt. Cô vợ lẽ cũng như em gái chị. Ông chồng cũng tốt bụng lắm, cả đời chưa một lời nặng nhẹ với vợ, chứ đừng nói đến chuyện đụng tay, đụng chân.
 Đàn ông ở Vân Côn lấy nhiều vợ cũng một phần do người vợ gián tiếp tạo ra. Đàn bà ở đây coi chuyện đàn ông bồ bịch lăng nhăng là chuyện bình thường. Ngay cả đàn bà cũng dễ dãi trong chuyện tình cảm. Nếu mâu thuẫn với chồng, họ sẵn sàng bỏ chồng con đi với người khác. Thậm chí, có bà có mấy con, mà mỗi đứa là của một ông. Cả đàn ông lẫn đàn bà ở Vân Côn đều ham mê cờ bạc. Khi thắng bạc, thì họ ăn mừng bằng cách dẫn nhau đi nhà nghỉ. Khi thua bạc, thì họ cũng dắt nhau vào nhà nghỉ giải đen. Chẳng thế mà nhà nghỉ mọc lên như nấm ở ngôi làng thuộc dạng vùng sâu vùng xa của huyện Hoài Đức.

Trần Bình Thủy



Bình luận
vtcnews.vn