Làng ‘bệnh lạ’ hồi sinh

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 16/02/2021 19:00:00 +07:00
(VTC News) -

Có một thời, cái tên Làng Rêu trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp khôn nguôi bởi gắn với căn “bệnh lạ” không rõ nguyên nhân từng lấy đi tính mạng hàng chục người.

Thuở ấy, ngôi làng ở miền sơn cước ngập chìm trong cảnh bi ai, xơ xác bởi cái chết lũ lượt của hơn chục con người chẳng may “dính” vết dày sừng thâm tím tay chân. Ngót nghét gần một thập kỷ sau thảm họa “bệnh lạ”, đồng bào H’rê dần lau khô những dòng nước mắt đau thương, cùng nhau gượng dậy để “thay áo mới” hồi sinh làng mình.

Thảm họa “bệnh lạ”

Cách trung tâm huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chừng 20 cây số, Làng Rêu, xã Ba Điền nằm lọt thỏm giữa dãy núi Kà Via sừng sững tự bao đời. Nơi ấy, con suối Vranh xanh mát như dải lụa vắt ngang rừng, chảy róc rách, dịu êm qua từng phiến đá.

Làng ‘bệnh lạ’ hồi sinh - 1

Chiếc cầu treo bắc qua suối Vranh, dẫn lối vào Làng Rêu.

Bên kia chiếc cầu treo nối liền đôi bờ suối là dãy nhà nhấp nhô theo triền dốc của đại đa số đồng bào H’rê. Bức tranh sơn thủy hữu tình của Làng Rêu dần hiện ra trước mắt.

Với khung cảnh yên bình và nên thơ đến lạ, thật khó có thể hình dung, ngôi làng ở rẻo cao xa xôi này từng lưu dấu cảnh tượng xác xơ khi dân làng lao đao vì “bệnh lạ”.

Ở cái tuổi bát thập đắc hi hỉ, già làng Phạm Văn Đấu vẫn nhớ mồn một về cái khoảng thời gian bà con trong làng xất bất xang bang.

Hướng ánh mắt đăm chiêu về ngọn đồi ở phía xa xa cánh đồng, già làng Đấu cho biết, đó là nơi chôn cất của Phạm Văn Don – đứa bé mất ngày 24 tháng 4 năm 2011 khi vừa bước sang tuổi thứ 8. “5 ngày trước khi chết, chân tay hắn (Phạm Văn Don – PV) thâm tím. Không một ai biết vì sao hắn đoản mệnh, kể cả cha mẹ hắn. Và hắn là trường hợp đầu tiên trong làng mắc căn bệnh mà tới tận bây chừ vẫn không rõ nguyên do”, già làng Đấu nhớ vanh vách.

Cũng theo cụ Đấu, cách 2 ngày sau khi lo hoàn tất ma chay cho Don, người mẹ của cậu bé cũng nổi chi chít vết dày sừng thâm tím ở bàn tay, bàn chân, loét vùng lưng và bụng.

Làng ‘bệnh lạ’ hồi sinh - 2

Nụ cười của già làng Phạm Văn Đấu khi “bệnh lạ” không còn ám ảnh ngôi làng của mình.

Dân Làng Rêu bắt đầu dấy lên nỗi hoang mang bởi liên tù tì những ngày kế tiếp, số người bộc phát các triệu chứng giống mẹ con Don tăng lên chóng mặt.

Cũng trong năm 2011, ông Phạm Văn Đáy đau đớn tột cùng trước sự ra đi đường đột của hai đứa con gái mắc “bệnh lạ”. “Ăn uống, tắm giặt, cả gia đình 5 người đều sử dụng chung nguồn nước, thức ăn. Thế nhưng, không hiểu sao 2 đứa con gái lại nổi vết dày sừng trên cơ thể mà vợ chồng tôi và cậu con trai không bị. Cả hai phát bệnh và mất cùng thời điểm”, ông Đáy kể.

Ông Đáy vừa dứt lời, ông Phạm Văn Lót (hàng xóm của ông Đáy) chia sẻ, tới tận bây giờ, khi câu chuyện dịch bệnh bủa vây Làng Rêu đã lùi xa về quá khứ, ông vẫn đau đáu nỗi xót thương người con xấu số.

Ông Lót trầm ngâm hồi tưởng, đầu năm 2012, cậu con trai của ông đang học lớp 11 thì đột nhiên da dẻ bị tổn thương, giống với cả trăm trường hợp trong làng lúc bấy giờ. Từ Trung tâm Y tế huyện, con ông Lót được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định), 3 ngày sau thì suy đa phủ tạng, thổ huyết chết.

Nhắc đến “bệnh lạ” một thời giày xéo Làng Rêu, ông Nguyễn Anh Khoa – Chủ tịch UBND xã Ba Điền cho hay, trong vòng 2 năm (2011, 2012), hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người hay bảo “bệnh lạ”, đã cướp đi sinh mạng của 11 người trong làng.

“Thời điểm bùng phát dịch bệnh, ngôi làng này bị nhiều người nơi khác kỳ thị. Thậm chí, nhắc tới Làng Rêu, chẳng ai dám đặt chân đến, trừ lực lượng y tế và cán bộ địa phương”, ông Khoa nói và bộc bạch, có thời điểm, người mắc bệnh lạ trong làng chạm ngưỡng gần cả trăm và được đưa đi điều trị khắp nơi từ Nam chí Bắc. Lúc này, làng rơi vào tình cảnh ảm đạm vì thưa dần bóng người.

Làng ‘bệnh lạ’ hồi sinh - 3

Làng Rêu hồi sinh sau thảm họa “bệnh lạ”, lũ trẻ trong làng không phải lớn lên trong nỗi lo bệnh tật.

Cũng theo ông Khoa, điều hết sức đáng mừng là giữa lúc hoạn nạn, nguy khốn, đồng bào H’rê ở Làng Rêu vẫn kiên quyết bám trụ ở lại, không vì sợ hãi mà khăn gói bỏ xứ đi nơi khác.

Để rồi hôm nay, mầm xanh của sự sống đã nảy nở khi dân làng “bệnh lạ” trỗi mình hồi sinh.

Làng Rêu “thay áo mới”

Hôm chúng tôi đặt chân đến Làng Rêu, 110 hộ dân trong làng đang tất bật gieo cấy vụ lúa Đông Xuân.

Ông Phạm Văn Đố - Trưởng thôn Làng Rêu khẳng định chắc nịch, cánh đồng chuyên canh tác lúa, rộng thênh thang dưới chân núi Kà Via năm nào cũng cho mùa màng bội thu. Nhờ vậy, nhiều năm nay, bà con Làng Rêu đã quẳng gánh lo toan, không còn phải chạy cơm từng bữa.

Làng ‘bệnh lạ’ hồi sinh - 4

Ông Phạm Văn Đáy ăn nên làm ra nhờ trồng keo và chăn nuôi trâu.

Dẫn lối chúng tôi dạo bước trên con đường bê tông trải dài tăm tắp, liên tục đảo mắt nhìn dãy nhà 2 bên đường, ông Đố vui vẻ khoe, một nửa số hộ trong thôn giờ đã cất nhà bằng gạch, xi măng kiên cố. “Thu nhập chính của bà con ở đây chủ yếu dựa vào trồng keo. Mấy năm nay, keo được giá nên nhà nào nhà nấy khấm khá. Do đó, việc họ cất nhà cả nửa tỷ cũng là chuyện bình thường.

Còn xe gắn máy thì hầu như nhà nào cũng có, nhiều hộ sắm 2-3 chiếc xịn sò. Mừng hơn nữa là bọn trẻ có điều kiện tốt hơn để đến trường. Đặc biệt, cả làng có 5 em đang theo học đại học ở các thành phố lớn”, Trưởng thôn Làng Rêu cho hay.

Sau khi dịch bệnh “càn quét”, cũng như bà con trong làng, ông Phạm Văn Đáy nuôi quyết tâm vực dậy cuộc sống. Ông Đáy trải lòng, nguyên 2 năm trời “bệnh lạ” bủa vây, vợ chồng ông bỏ không ruộng đồng, gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt.

“Khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là lúc bà con trong thôn gượng dậy để làm lụng kiếm miếng ăn. 6 năm qua, tôi đầu tư vào đàn trâu 10 con và đẩy mạnh trồng keo nên thu nhập cũng khá. Hai năm trở lại đây, gia đình bắt đầu có của ăn của để”, ông Đáy hồ hởi nói.

Làng ‘bệnh lạ’ hồi sinh - 5

Thanh niên Làng Rêu dựng nhà trên mảnh đất quê hương một thời bị bủa vây bởi “bệnh lạ”.

Chiều tà. Lũ trẻ Làng Rêu ùa ra khuấy động dòng suối Vranh. Chúng thỏa sức hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ – nơi dãy núi Kà Via tự bao đời luôn dang rộng vòng tay chở che ngôi làng bé nhỏ của mình.

Rồi đây, bọn nhóc ấy sẽ lớn lên cùng năm tháng, nuôi ước vọng tô thắm thêm cho “tấm áo mới” của Làng Rêu – ngôi làng từng trải qua thảm họa “bệnh lạ”.

Bà Đặng Thị Phượng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết, sau nhiều năm, nguyên nhân gây bệnh ở Làng Rêu vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, qua quá trình thu thập chứng cứ, rất có thể người dân mắc "bệnh lạ" là do ăn gạo ẩm, mốc, vón cục.

Theo bà Phượng, triệu chứng đầu tiên của bệnh là men gan tăng, đau rát vùng thượng vị, mệt mỏi, vết dày sừng thâm tím ở bàn tay, bàn chân. Độ tuổi dễ mắc bệnh chủ yếu nằm trong khoảng 25-60.

“Thời gian qua, ngành Y tế cùng chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc bổ, đồng thời tuyên truyền người dân không ăn gạo ẩm, mốc… 8 năm nay, “bệnh lạ” không còn xuất hiện ở Làng Rêu nữa,, nhờ vậy bà con mới yên tâm lao động, phát triển kinh tế”, bà Phượng chia sẻ thêm.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp