• Zalo

Lan tỏa thói quen tiêu dùng văn minh với chương trình 'Hóa đơn may mắn'

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 28/10/2022 12:04:31 +07:00Google News
(VTC News) -

Đến nay, nhiều địa phương tổ chức quay thưởng, tìm ra hàng trăm chủ nhân của chương trình "Hóa đơn may mắn" do Tổng cục Thuế chỉ đạo triển khai.

Để khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai chương trình lựa chọn trúng thưởng “Hóa đơn may mắn” trên địa bàn. 

Sau thời gian chuẩn bị, đến nay nhiều địa phương tổ chức quay thưởng “Hóa đơn may mắn” và tìm ra được các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trúng thưởng. Cụ thể, ngày 18/10/2022, các cục thuế Thái Bình, Hà Giang, Bình Phước tổ chức quay thưởng lựa chọn “Hóa đơn may mắn”. Kết quả, 3 cục thuế xác định được 57 giải thưởng, với số tiền là 90 triệu đồng. Trong đó, tại Thái Bình có 21 giải, tại Hà Giang có 15 giải, tại Bình Phước có tổng số 21 giải.

Tiếp đó, ngày 19/10, 3 cục thuế gồm Ninh Bình, Đắk Lắk, Hải Dương cũng tổ chức quay thưởng và tìm ra 158 giải thưởng, với tổng số tiền là 380 triệu đồng.

Lan tỏa thói quen tiêu dùng văn minh với chương trình 'Hóa đơn may mắn' - 1

Chương trình “Hóa đơn may mắn” nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trước đó, Tổng cục Thuế tổ chức thí điểm 2 kỳ bấm số lựa chọn các “Hóa đơn may mắn” để trao thưởng. Kỳ bấm số lần 1 được tổ chức vào ngày 18/4/2022. Kỳ bấm số lần 2 được tổ chức vào ngày 21/4/2022. Kết quả tìm ra được 6 cá nhân, tổ chức may mắn với giải thưởng lớn nhất được trao là 50 triệu đồng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Tổng cục Thuế xác định, việc tổ chức chương trình “Hóa đơn may mắn” với hợp đồng điện tử (HĐĐT) là một cấu phần quan trọng trong đề án lớn nhằm tập trung cơ sở dữ liệu lớn (big data) về HĐĐT đưa về cơ quan thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế.

Đặc biệt, việc triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” sẽ là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp và người bán hàng.

Nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chính vì vậy, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phục vụ NNT thực hiện pháp luật thuế được tốt nhất.

Với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Văn Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn