Những năm qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc giữa xe ô tô chở khách với xe tải, container làm hàng chục người chết và bị thương, để lại hậu quả nặng nề, đau xót. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn thảm khốc là tài xế lấn làn ngược chiều, liều lĩnh bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp tính mạng của mình và những người khác.
VTC News phỏng vấn TS Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng này.
- Là lãnh đạo UB An toàn giao thông Quốc gia, trực tiếp chỉ đạo giải quyết hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng, hẳn ông chứng kiến không ít những vụ tại nạn do tài xế lấn làn gây ra?
Nhìn chung hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, nguyên nhân TNGT do đi sai làn đường, phần đường đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các vụ TNGT, lên đến trên 28%.
Vì vậy chắc chắn trong những vụ TNGT nghiêm trọng, không ít vụ do tài xế đi sai làn đường, phần đường gây ra.
Có thể kể đến như vụ tai nạn năm 2018 ở Quảng Nam làm 13 người chết. Vụ việc mới đây nhất ở Quảng Ngãi làm 3 người chết, 10 người bị thương nhận định ban đầu cũng có tình trạng lái xe điều khiển phương tiện không đúng với phần đường của mình, lấn sang đường ngược chiều gây ra va chạm dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiệm trọng.
- Thực trạng tài xế bất chấp nguy hiểm, đánh cược tính mạng của mình và của rất nhiều người khác, lái xe lấn làn kiểu liều chết khiến ông suy nghĩ gì?
Thực tế, hành vi điều khiển sai làn đường phần đường là hành vi cụ thể và có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một bộ phận tài xế bất chấp nguy hiểm để cố tình điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường.
Cũng có một bộ phận các tài xế do thời gian làm việc quá nhiều, liên tục gây mệt mỏi, ngủ gật hoặc mất kiểm soát dẫn đến việc xe đi sang phần đường của người khác mà không cảm nhận được.
Ví dụ như vụ tai nạn giao thông ở Quảng Nam năm ngoái làm 13 người chết thì kết luận là do người lái xe ngủ gật.
Hay vụ tai nạn vừa rồi ở Quảng Ngãi cũng có nhiều thông tin là lái xe vừa đi một chuyến ở TP.HCM ra lúc 2h sáng thì sáng hôm sau lại đi sớm tiếp, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân.
Cũng có những trường hợp khi lái xe đi trên đường mà có làn cho mô tô, xe máy đi chung với ô tô thì xảy ra tình trạng những phương tiện đi phía trước đột ngột chuyển hướng, chuyển làn dẫn đến việc những người đi phía sau cũng phải có động tác chuyển hướng, chuyển làn, lấn sang làn đường, phần đường của phương tiện khác.
Rất nhiều trường hợp lề đường thông thoáng để mô tô, xe máy đi nhưng bị lấn chiếm hoặc không được vệ sinh (có nhiều cát sỏi, gạch đá, thậm chí là bị đọng nước) khiến người đi mô tô, xe máy phải tránh phần đường đấy. Khi các phương tiện này bất ngờ đi ra phần đường xe ô tô đang chạy thì dẫn đến tình trạng hoặc là gây tai nạn, hoặc là ô tô phải đánh lái để tránh dẫn đến tình trạng là sai phần đường, làn đường gây TNGT.
Tất nhiên cũng phải kể đến bộ phận lái xe là do cố tình muốn vượt ẩu, có ý định thực sự đi sang làn đường, phần đường của các phương tiện khác nhằm đi nhanh hơn hay vượt dễ hơn gây ra TNGT.
Tuy nhiên tất cả những hành vi đi sai làn đường, phần đường dù là nguyên nhân nào đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và những hành vi như vậy dẫn đến TNGT đang chiếm tỷ lệ rất cao, cao nhất trong các nguyên nhân gây TNGT hiện nay.
- Nhắc đến ý thức của những lái xe cố tình lấn làn, vượt ẩu, nhiều người cho rằng đó là kiểu tư duy vô ý thức, liều chết, hằn sâu vào ý thức trở thành tập quán kinh dị của nhiều lái xe, thưa ông?
Về ý thức của người điều khiển phương tiện đến từ nhiều nguyên nhân, trước hết nó đến từ phông văn hoá của bản thân họ.
Chẳng hạn như không phải chỉ trong tham gia giao thông mà trong ngay cả những hoạt động khác có thể họ cũng là người thích chen lấn, không thích xếp hàng, muốn có những động tác dùng mẹo vặt để giành lợi thế về bản thân mình, không tuân thủ quy định, thể lệ, đó là phông văn hoá.
Thứ hai là do trong quá trình đào tạo lái xe tập trung đào tạo nhiều về kỹ năng, về kinh nghiệm lái xe nhưng trong một giai đoạn khá dài, vấn đề đào tạo đạo đức, hành vi ứng xử của lái xe cũng làm chưa được tốt.
Một phần nữa rất quan trọng là chế tài răn đe, xử phạt hiện nay. Số lượng phương tiện giao thông nhiều trong khi đó lực lượng chức năng, lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát số lượng hạn chế, khó lòng có thể bám sát địa bàn 24 giờ trong 7 ngày. Việc chúng ta ứng dụng khoa học công nghệ trong xử phạt cũng còn rất hạn chế, cho nên tính răn đe của quy định pháp luật không cao.
Điều này dẫn đến thực trạng lái xe cảm thấy vi phạm không bị phạt nên họ cứ vi phạm cho đến khi gặp tai nạn.
Chúng ta ứng dụng khoa học công nghệ trong xử phạt cũng còn rất hạn chế, cho nên tính răn đe của quy định pháp luật không cao.
TS Khuất Việt Hùng
Với những người gặp tai nạn mà may mắn chỉ bị thương hoặc xây xát thì người ta có thể rút kinh nghiệm và sau đó có thể sẽ điều chỉnh, còn với những người gặp tai nạn thiệt mạng luôn hoặc bị thương rất nặng, nằm liệt suốt đời thì lúc đó không bao giờ rút ra bài học được nữa mà chỉ còn lại hậu quả thôi.
- Vậy nguyên nhân chủ quan hay khách quan chiếm phần nhiều hơn, thưa ông?
Thực ra ở đây chủ quan, khách quan là 2 mặt của vấn đến, người vi phạm mà biết rằng nếu vi phạm người ta sẽ bị phát hiện xử lý thì dù có chủ quan đến mấy cũng không dám vi phạm.
Cũng có những người không sợ bị phạt thì họ sẽ sẵn sàng và thậm chí là chống đối người thì hành công vụ và thực tế đã có những đối tượng như thế.
Nhưng ở đây tôi cho rằng đó là 2 mặt của một vấn đề, một mặt là ý thức của những người điều khiển phương tiện, mặt khác chúng ta cũng phải tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng như công tác giám sát, phát hiện và xử phạt thì chúng ta mới điều chỉnh được hành vi và dần dần hình thành văn hoá lái xe an toàn cho người lái xe được.
- Tức là người vi phạm không thấy bị xử phạt nên ngày càng vi phạm nghiêm trọng hơn, thưa ông?
Tôi cho rằng có một bộ phận nhỏ những người lái xe coi thường mạng sống của mình và coi thường mạng sống của người khác.
Còn có những người vi phạm, thậm chí vi phạm có chủ đích nhưng đơn giản là người ta nghĩ rằng vi phạm thì không làm sao, không bị phạt và cũng chưa xảy ra tai nạn.
Họ vi phạm được 2, 3 lần thì sau đó nó trở thành thói quen. Không phải tất cả những lái xe vi phạm đều là người ác, luôn luôn muốn vi phạm và bất chấp tất cả.
Nhiều người đi sai thành một thói quen và trở thành một phản ứng hàng ngày cứ đi là vi phạm.
Đơn giản họ vi phạm mà không bị xử phạt, không bị ai nhắc nhở và thậm chí sau nhiều lần vi phạm mà không xảy ra tai nạn thì họ cho rằng việc vi phạm là điều bình thường.
Chỉ đến khi tai nạn giao thông gây hậu quả hoặc là chết, hoặc là bị thương hoặc gây ra những hậu quả rất lớn cho những người khác thì lúc đấy không kịp rút kinh nghiệm nữa rồi.
- Việc giải quyết vấn đề này có khó khăn, thưa ông?
Tôi cho rằng việc nhìn nhận vấn đề, đòi hỏi chúng ta phải phát hiện và xử lý phải nghiêm khắc. Nghiêm khắc bao gồm trừng trị, lên án những kẻ cố tình vi phạm, nhắc nhở những người chưa biết.
Đồng thời cũng phải xử phạt những người người có thói quen đi sai, thói quen vi phạm mặc dù không có ác ý là bất chấp tính mạng của mình và những người khác.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận