Hôm 14/2, Nikkei Asia đưa tin, quan chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden bắt đầu liên hệ với Triều Tiên từ giữa tháng 2 song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng. Theo vị quan chức này, động thái của Mỹ được thực hiện thông qua một số kênh, trong đó có cả liên hệ với đặc phái viên của Bình Nhưỡng tại Liên hợp quốc.
"Đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Bình Nhưỡng. Điều này kéo dài hơn một năm không có đối thoại tích cực giữa hai nước, bất chấp nhiều nỗ lực từ phía Washington", quan chức trong chính quyền Mỹ cho hay.
Chính quyền Biden tiếp tục xem xét "kỹ lưỡng" chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên với sự tham vấn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Quan chức chính quyền Mỹ cho biết, Washington sẽ đánh giá “tất cả các phương án hiện có để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng” do Triều Tiên gây ra, đồng thời làm việc với hai đồng minh ở châu Á để "thu thập ý kiến đóng góp và tính toán các phương pháp tiếp cận mới".
"Chúng tôi đã thận trọng lắng nghe ý tưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc, kể cả thông qua các cuộc tham vấn ba bên", quan chức Mỹ nói, cho biết đánh giá về Triều Tiên sẽ được Mỹ hoàn thành trong "những tuần tới".
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận khi các quan chức đối ngoại và quốc phòng Mỹ và Nhật Bản gặp nhau tại Tokyo hôm 16/3.
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã tham gia cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong các năm 2018 và 2019. Đây là những bước đi chưa từng có tiền lệ trong nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục nước này từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã đạt được rất ít tiến triển trong suốt 4 năm nhiệm kỳ ông Trump. Washington và Bình Nhưỡng có nhiều khác biệt trong về các vấn đề liên quan đến mức độ giảm trừng phạt mà Triều Tiên sẽ nhận khi tiến hành các bước đi phi hạt nhân hóa.
Bình luận