• Zalo

Làm thế nào để đi ăn uống ngoài hàng mà không lo bị 'chém'

Kinh tếThứ Bảy, 11/07/2015 06:37:00 +07:00Google News

Mẹo đi ăn uống ngoài hàng mà không lo bị 'chém'

(VTC News) - Để tránh những trường hợp như một con gà luộc 600.000 đồng hay hóa đơn tính thêm khoản gia vị chế biến, bạn chỉ cần chủ động làm những điều sau.

1. Đến những nơi có uy tín, được đánh giá cao

Một nhà hàng có tên tuổi và uy tín lâu năm, được đánh giá cao về giá thành cũng như phong cách phục vụ sẽ là lựa chọn tốt nhất để bạn yên tâm thưởng thức các món ngon mà không lo bị "chặt chém".

Bạn nên hỏi những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm, ăn uống ở những nơi bạn đến. Nếu không có bạn có thể tham khảo trên mạng, đặc biệt ở những trang thông tin về địa điểm như nhà hàng, quán xá luôn có địa chỉ, giá thành và cả những đánh giá, nhận xét của những người đã từng đến đó.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp nhà hàng dù có tên tuổi và uy tín nhưng vẫn lợi dụng khách hàng sơ hở để kiếm lợi. Trên mạng dù là có đánh giá thực tế của khách hàng nhưng vẫn có các trường hợp tự khen, tự quảng cáo hoặc do cạnh tranh mà đánh giá theo kiểu "dìm hàng" nên bạn vẫn cần phải chú ý tới những "biện pháp" tiếp theo.

2. Chọn món trên thực đơn, chủ động hỏi về giá


Khi đến nhà hàng, quán ăn, bạn nên xem thực đơn và chỉ nên chọn những món đã được ghi giá niêm yết. Không nên bước vào quán và hỏi "Ở đây có những món gì?" để rồi khi bạn ăn sẽ là món A còn khi vào hóa đơn lại thành món B.

Bạn nên chú ý với loại thực phẩm trên thị trường được bán theo đơn vị nào thì khi khi niêm yết giá hay thanh toán cũng phải được tính theo đơn vị đó. Ví dụ gà, cá, tôm... phải được tính theo cân chứ không phải tính theo con.

Nếu bạn tự mang đồ đến nhà hàng nhờ họ chế biến thì phải chủ động hỏi có tính công chế biến, phí gia vị chế biến hay không, giá cả rõ ràng là bao nhiêu vì vẫn có nhà hàng tính những loại phí này.
Nên chủ động hỏi giá để tránh bị "chặt chém" - Ảnh minh họa
Với những món không ghi rõ giá niêm yết, bạn nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng khi bạn đã ăn xong thì họ mới "hét" giá, lúc đó có đôi co thì sự đã rồi, và bạn vẫn sẽ phải mất tiền một cách oan uổng.

3. Kiểm soát lượng đồ đã sử dụng, soát lại hóa đơn trước khi thanh toán

Trước khi thanh toán bạn nhất định phải soát lại hóa đơn trước khi thanh toán để tránh trường hợp nhà hàng sẽ "khai khống" thêm để kiếm lời.

Bạn phải chú ý, kiểm soát được lượng đồ, lượng món mình yêu cầu. Từ chiếc khăn, lon bia, thậm chí cho tới cái tăm (nếu có tính phí), nếu không biết được chính xác thì bạn cũng cần ước lượng được số lượng đã sử dụng để tránh trường hợp dùng ít nhưng bị tính tiền nhiều. Khi để ý và kiểm soát được, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu nhà hàng tính lại.

Ngoài ra, các bạn không nên tin tưởng vào hóa đơn của nhà hàng bởi sai sót luôn có thể xảy ra. Hiện nay hầu như chiếc điện thoại nào cũng có thể làm phép tính nên nếu thấy số tiền quá lớn, bạn hoàn toàn có thể tự tính lại cho chính xác.

4. Nên thử mặc cả

Điều quan trọng cần nhớ khác là bạn hoàn toàn có thể mặc cả khi đi ăn uống ngoài hàng, đặc biệt ở những khu du lịch. Với tâm lý ngại mặc cả của khách nên nhiều khi các chủ nhà hàng cũng được đà tăng giá vô tội vạ, thậm chí có cả trường hợp trong cùng một nhà hàng, cùng một loại hải sản nhưng mỗi bàn lại bị tính một giá khác nhau

Vì vậy trước khi mua đồ ở nhà hàng hay gọi món, bạn nên thử mặc cả vì nếu chủ cửa hàng đồng ý, bạn có được bữa ăn càng thêm phần tuyệt vời. Còn nếu chủ cửa hàng không đồng ý, bạn cũng chẳng mất gì.

5. Không nên để nhà hàng biết bạn là khách du lịch hoặc người ở địa phương khác

Khi vào nhà hàng, nếu chủ nhà hàng không hỏi thì bạn cũng không nên tự giới thiệu rằng mình là khách du lịch hoặc là người ở địa phương khác đến. Bạn nên cởi mở và tỏ ra là người ít nhiều có hiểu biết như người dân bản địa.

Chủ nhà hàng thấy bạn có vẻ "không phải dạng vừa" nên sẽ không dám ra tay "chặt chém", và biết đâu lại thấy có cảm tình và có ưu đãi ít nhiều trước sự cởi mở, thân thiện của bạn.

6. Không nên tỏ ra là người giàu có, hào phóng

Đây là một trong những điều bạn cần ghi nhớ bởi nếu càng tỏ ra là người có tiền, bạn càng có khả năng bị "chém" cao. Vì vậy khi đi ăn uống ở ngoài, đặc biệt những chỗ lạ, bạn nên ăn mặc ở mức độ vừa phải, không quá khoa trương, hạn chế đeo trang sức.
Ngoài ra, nếu bạn tỏ ra là người hào phóng theo kiểu "thế nào cũng được", hoặc hạch sách theo kiểu "nhằm bắt lỗi" nhân viên thì chắc chắn nhà hàng cũng sẽ tìm cách để bạn phải trả càng nhiều tiền càng tốt. Vì vậy bạn cũng nên để ý tới cả lời ăn tiếng nói cũng như thái độ của mình khi tới nhà hàng.

7. Miễn trung gian, cò mồi

Hầu hết ở các điểm du lịch đều có tình trạng trung gian giới thiệu chỗ ăn uống cho khách du lịch nhằm hưởng hoa hồng thì bạn nhất định phải thật tỉnh táo để tránh bị dụ dỗ.

Có rất nhiều loại “cò” từ “cò” xe ôm, “cò” taxi, “cò” khách sạn, “cò” quán ăn,… Nếu nghe theo họ, mất tiền đã là một chuyện, nhiều khi bạn còn không cảm thấy ưng ý với chất lượng của món ăn. Tốt nhất bạn nên tự tìm hiểu và đến những nơi có uy tín, đáng tin cậy như trên.

8. Gọi ngay tại trận tới đường dây nóng khi bị "chém"

Phần lớn du khách khi bị "chặt chém" sẽ trả tiền cho xong chuyện vì không muốn đôi co, cãi nhau tại nơi xa lạ. Tuy nhiên càng im lặng thì các nhà hàng sẽ càng được đà để kiếm lời kiểu bất chính này.

Vì vậy khi thấy hóa đơn thanh toán có vấn đề, bạn nên gọi ngay tới đường dây nóng của địa phương vào ngay lúc đó để trình báo lại sự việc. Cần nhớ không nên trả tiền xong xuôi, ra khỏi nhà hàng rồi mới gọi trình báo vì lúc đó những người quản lý sẽ rất khó có bằng chứng xác thực để xử lý.

Vậy nên khi đi du lịch tới một nơi lạ, ngoài việc có ngay trên tay một tấm bản đồ thì bạn cũng cần phải lưu vào trong điện thoại ít nhất một đến hai số điện thoại đường dây nóng của địa phương đó.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn