• Zalo

Lâm tặc chụp ảnh 'tự sướng', rao bán gỗ lậu trên... Facebook

Thời sựThứ Năm, 16/04/2015 11:40:00 +07:00Google News

Lâm tặc đăng những hình ảnh, video vận chuyển gỗ lậu và rao tìm đối tác tiêu thụ trên Facebook.

Lâm tặc đăng những hình ảnh, video vận chuyển gỗ lậu, rao tìm đối tác và chia sẻ cả cách "chung chi" trên Facebook.

Tìm đối tác tiêu thụ gỗ lậu trên Facebook


Ngày 30/3, một người sử dụng Facebook có tên Vũ Đình Lộc đã đăng những tấm hình của mình cùng những người khác đang tiến hành xẻ gỗ và vận chuyển gỗ với số lượng lớn trong nhóm “81 Gia Lai”– một hội có hơn 76.000 thành viên. Bài đăng này đã được rất nhiều người dùng quan tâm và tham gia bình luận, chia sẻ.

Theo Facebook trên, địa điểm mà nhóm người này thực hiện hành vi phá rừng là thuộc khu vực dốc Mái nhà, huyện Krông Pa (Gia Lai). Đây là địa điểm thuộc xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa, giáp ranh với huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, người dùng tên Lộc đã để lại số điện thoại cho những người có nhu cầu mua gỗ. Trong phần bình luận, Facebook này cũng cho biết mỗi tuần đều phải “làm luật” 2 triệu đồng để được khai thác gỗ.

Đối tượng Lộc khoe ảnh khai thác gỗ trên facebook

Trong trang cá nhân của mình, Lộc cũng đã đăng khá nhiều hình ảnh trong các lần vào rừng "làm gỗ". Tại “hiện trường”, các cây gỗ thân lớn bị đốn hạ nằm ngổn ngang.

Cũng trong Facebook này, Lộc cũng đã đăng một video clip trên 5 phút ghi lại hình ảnh một đoàn người đang ngồi nghỉ ngơi khi vận chuyển gỗ trái phép. Trong đó, hàng chục chiếc xe mô tô độ chế chất đầy gỗ đang chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng. Trên các xe còn có chất các máy cưa, dụng cụ khai thác gỗ…

Trong một cảnh quay đối tượng cầm máy quay hỏi “đồng nghiệp” mình, qua mặt kiểm lâm phải làm thế nào? Người này nói: Bình quân tính đầu gỗ, 1 cục gỗ 10 nghìn… Bình quân chỗ gỗ này 3 tạ, đưa cho các chú kiểm lâm 450 nghìn. Bán được 3 triệu…”

Hình ảnh khai thác gỗ lậu mà Lộc "tự sướng" trên Facebook.  

Qua quan sát cả những hình ảnh, video thì nhóm lâm tặc này khai thác nhiều loại gỗ khác nhau (không rõ chủng loại) khổ lớn với đường kính từ 0,5-1m được xẻ thành từng khúc dài 2,5-3m rồi dùng xe máy độ chế để vận chuyển. Ngoài ra, nhóm này còn đào gốc và rễ cây để về bán.

Để tiếp cận với đối tượng này, PV đã liên lạc theo số điện thoại của Lộc để đặt vấn đề muốn mua gỗ số lượng lớn. Người này nhận mình tên Lộc rồi trả lời rằng muốn bao nhiêu cũng có và đây đều là gỗ vừa mới khai thác về từ khu vực Dốc mái nhà ở huyện Krông Pa. Lộc cho biết chính mình là người trực tiếp đi làm gỗ và thường nhận các đơn đặt hàng làm lục bình, bàn ghế từ gỗ mít, hương, trắc để chuyển về các tỉnh phía Bắc.

"Nổ" vì mua điện thoại cũ của lâm tặc?


Báo Giao thông đã liên hệ với ông Bùi Đức Việt – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa. Ông Việt xác nhận địa điểm Dốc mái nhà thuộc xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa là địa điểm xãy ra sự việc. Sau khi xem những hình ảnh được cung cấp, ông Việt cho biết sẽ lập cho người xác minh vụ việc những lâm tặc đang hoành hành như trong ảnh.

Được biết, khu vực giáp ranh giữa huyện Krông Pa, Gia Lai và huyện Krông Năng, Đắk Lắk từ nhiều năm qua đã trở thành “điểm nóng” về tình hình phá rừng. Rất nhiều nhóm lâm tặc đã lợi dụng tình hình hiểm trở cũng như sự lơi lỏng của lực lượng chức năng hai tỉnh để tiến hành tàn phá rừng.   

Ngày 15/4, PV tiếp tục liên hệ ông Vũ Đức Việt thì được biết: Hạt kiểm lâm phối hợp với công an huyện đã xác định và triệu tập đối tượng Vũ Đình Lộc lên cơ quan điều tra để làm việc. Đối tượng Lộc khai nhận là không khai thác gỗ lậu mà chỉ đăng ảnh để thể ra oai với bạn bè. “Những hình ảnh mà đối tượng Lộc này có được khi mua máy điện thoại. Trong một lần say nên đã đăng ảnh lên mạng xã hội và đã “nói dóc” là hình ảnh này là của mình. Qua kiểm tra khu vực rừng thì không thấy dấu vết khai thác gỗ mới, chỉ có vết cũ.

Tương tự, việc đối tượng Lộc này nói “hối lộ” lực lượng chức năng mỗi lần “làm luật” 2 triệu đồng, chỉ là lời nói lúc đang say(?)  

Khi PV hỏi đối tượng khai nhận là mua máy cũ, vậy tại sao lại có hình ảnh của đối tượng này đang chở gỗ cùng với nhiều tang vật? Ông Việt hỏi lại PV: "Sao có ảnh như vậy mà nó không khai nhận ta?". Sau đó, vị này cho biết sẽ điều tra, xác minh lại.

Qua tìm hiểu của PV, việc "xác minh" của Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa có nhiều dấu hiệu bất thường.

Nguồn: Đức Hiển - Phương Nam(Báo giao thông)
Bình luận
vtcnews.vn