(VTC News) – Trong ngày làm việc thứ 2 (14/8), UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần đưa vào luật chế tài nghiêm ngặt về chế độ trách nhiệm trong thực hiện phòng chống thiên tai.
Miền Trung bị lũ lụt bao trùm (Ảnh: VTC News).
Theo số liệu thống kê trong hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP.
“Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tế này đòi hỏi phải có khung pháp luật phù hợp làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, qua thẩm tra sơ bộ, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng dự luật quy định còn chung chung, không dẫn chiếu hoặc quy định không rõ, dễ dẫn đến khó thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện tùy tiện.
Cùng với đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan chưa được rõ, nhất quán, không khả thi như: quy định trách nhiệm của cơ quan phát tin cảnh báo trong tình huống thiên tai ở địa phương, hoặc quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc “quyết định cấm tàu thuyền ra khơi, sơ tán người và tài sản, cho học sinh nghỉ học theo tình huống thiên tai cụ thể”…
Theo đó, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cụ thể hơn một số quy định trong Dự thảo Luật, dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tính khả thi của Luật.
UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan soạnlàm rõ trách nhiệm của “cơ quan cấp trên”, “cơ quan chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai” khi nhận được thông tin báo cáo; cơ chế phối hợp trong chỉ đạo, thực hiện phòng chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Cùng với đó, dự thảo Luật cần phân định rõ trách nhiệm của các nhóm đối tượng trong khắc phục hậu quả thiên tai như: Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, lực lượng trợ giúp, tình nguyện viên...
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị phải xác định rõ cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức với việc phòng chống thiên tai.
Theo ông Khoa, do dự báo sai về cơn bão Chanchu đã đưa đồng bào vào chính vùng bão, gây tổn thất lớn, nhưng sau đó không có ai chịu trách nhiệm, “chỉ có báo chí và Quốc hội có ý kiến một chút mà thôi”.
“Lãnh đạo địa phương không kiên quyết sơ tán nhân dân, không chuẩn bị phòng chống thiên tai chu đáo, để thiệt hại về người thì có xử lý người đứng đầu không?” - ông Khoa thắc mắc.
Theo người đứng đầu UB Quốc phòng An ninh, ở nước khác chỉ ứng phó chậm người ta cách chức tỉnh trưởng, “nên dự án luật phải có chế tài đầy đủ về nội dung này”.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý cần đưa vào luật chế tài nghiêm ngặt về chế độ trách nhiệm.
Theo Thường trực Ủy ban KHCN&MT, Dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội Khóa XIII xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.
Kiều Minh
Bình luận