• Zalo

Lạm phát tăng mạnh, vùng núi sống 'sang' hơn cả Thủ đô

Kinh tếThứ Năm, 24/03/2016 04:47:00 +07:00Google News

Chỉ số lạm phát quý 1/2016 đã tăng mạnh hơn tới 1,25% so với cùng kỳ năm trước, và dự báo con số này có thể tăng vượt mức 5% vào tháng 12 năm nay.

(VTC News) - Chỉ số lạm phát quý 1/2016 đã tăng mạnh hơn tới 1,25%, trong khi đó giá cả sinh hoạt ở vùng núi phía Bắc như tỉnh Lai Châu còn đắt đỏ hơn cả ở Hà Nội.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và quý I/2016.

Theo đó, CPI tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng trước. CPI bình quân quý I/2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có hai nhóm tăng gồm thuốc và dịch vụ y tế (24,34%), giáo dục (0,66%).

Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo thông tư liên tịch số 37/2015/TTTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, theo đó giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho dối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9%, góp phần làm cho CPI tăng 1,27%.
Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 68/2015/NĐ-CP từ ngày 2/10/2015, một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.

Trong khi đó, có tới 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là giao thông vận tải giảm 3,64%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,54%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%; hàng hóa và dịch khác giảm 0,23%...

Bà Thủy phân tích, theo quy luật tiêu dùng, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng.

Riêng nhóm giao thông giảm mạnh là do giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm vào ngày 18/2 vừa qua, cùng với đó là giá vé tàu giảm 2% và dịch vụ giao thông công cộng giảm 2,37%.

Tổng quan thị trường và giá cả quý I/2016, bà Thủy cho biết, CPI quý I tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra và yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong quý I, chính sách tiền tệ khá ổn định, cung tiền so với cùng kỳ trên 16%, tăng trưởng tín dụng 18-20% vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, từ nay đến hết năm, giá dịch vụ y tế còn một đợt điều chỉnh vào tháng 7/2016, giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh vào tháng 9/2016. Theo đó, chỉ số CPI tháng 12 năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5%.

Một thông tin đáng chú hơn trong báo cáo lần này của Tổng cục Thống kê, đó là năm 2015, danh hiệu nơi có mức giá "đắt đỏ" nhất cả nước lại thuộc về Lai Châu, ở mức 100,3% so với thành phố Hà Nội

Theo Tổng cục Thống kê, Lai Châu là tỉnh miền núi đi lại khó khăn, sản xuất tại chỗ không nhiều. Hàng hoá đều vận chuyển từ các tỉnh, chi phí vận tải quá cao, chi phí dự trữ hàng hoá kho bãi cũng tăng kéo theo giá thành tăng cao.

Còn vị trí thứ hai về mức giá cả đắt đỏ nhất chính là Hà Nội, bên cạnh đó các tỉnh vùng núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai cũng có mức giá chung khá cao. Do đó mà năm 2015, vùng Trung du và miền núi phía Bắc từ vị trí thứ hai đã chuyển lên vị trí cao nhất cả nước.

Đáng chú ý, mức đắt đỏ của Thành phố Hồ Chí Minh đã lùi xuống vị trí thứ 6 trong cả nước, là bởi trong những năm gần đây Thành phố này đã thực hiện chương trình bình ổn giá.

Trà Vinh lại bất ngờ là tỉnh có mức giá rẻ nhất nước, với mức giá bình quân khá thấp, chỉ từ 73,77% đến 89% so với mức giá chung của Hà Nội. Thái Bình là nơi có mức giá thấp thứ hai chỉ sau Trà Vinh, với giá lương thực, thực phẩm rẻ hơn bình quân chung của cả nước.

Theo Báo cáo, Gia Lai là tỉnh có chỉ số SCOLI thay đổi biên độ lớn nhất trong cả nước. Mức giá chung của tỉnh Gia Lai đứng thứ 23 (năm 2014) bất ngờ lùi về vị trí thứ 36 (năm 2015) trong cả nước.

Trái ngược với Gia Lai, tỉnh Bình Dương có sự biến động 13 bậc so với năm 2014, từ vị trí 34 (năm 2014) tăng lên vị trí 21 (năm 2015).


Tiệp Tiệp

Bình luận
vtcnews.vn